Người xây nhà thờ Bác giữa núi rừng Trà My

(Dân trí) - Trên tuyến đường ngang qua thôn Đồng Trường, thị trấn Trà My, huyện Bắc Trà My (Quảng Nam), chúng tôi ngỡ ngàng trước một tượng đài Bác Hồ sừng sững giữa núi rừng, trong một sân nhà rộng.

Người xây nhà thờ Bác giữa núi rừng Trà My - 1
nhà ông Vũ Như Thông tự xây thờ Bác giữa núi rừng Trà My

“Suốt đời tôi nhớ Bác”

Hỏi thăm mới biết đó là nhà thờ Bác do vợ chồng ông Vũ Như Thông (SN 1934) tự xây. Ông Thông nguyên là Trưởng Ban tuyên huấn Cục hậu cần Quân khu V. 13 tuổi ông đã theo truyền thống gia đình tham gia cách mạng. Những năm kháng chiến, ông đã ba lần gặp Bác. Lần ông nhớ nhất là khi đơn vị ông đóng quân ở Nghệ An, ông được nhìn thấy Bác trong một chuyến Bác về thăm quê hương.

Tiếp chuyện chúng tôi ngay chiếc bàn đá trước khuôn viên tượng đài Bác, ông Thông hồi tưởng: “Lần đó cách đây có lẽ cũng gần 50 năm. Bác về thăm quê hương và ghé thăm Sư đoàn chúng tôi đang đóng quân ở đây. Cả một Sư đoàn rất đông, phải cần đến loa để Bác nói cho tất thảy mọi người nghe nhưng đột nhiên hệ thống loa phóng thanh bị hỏng. Vậy là Bác đến gần giữa mọi người để mọi người nghe được rõ. Chưa bao giờ chúng tôi được nhìn thấy Bác gần như thế.
Sau này chúng tôi mới biết là anh Giáp Văn Cương, Sư đoàn trưởng Sư đoàn 324 Quân khu V chúng tôi khi ấy đã liều làm hỏng hệ thống loa phóng thanh để Bác đi gần đến mọi người. Mọi người được thỏa nguyện nhìn thấy Bác thật gần, nghe giọng Bác thật gần. Hình ảnh của Bác trong lòng tôi là một người vừa uy nghiêm, vừa gần gũi, vừa uyên bác, vừa giản dị. Suốt đời tôi nhớ Bác như một tấm gương nhân cách lớn mà tôi phải noi theo học tập suốt đời”.

Ông chia sẻ cùng chúng tôi những dòng thơ mà ông cùng đồng đội vẫn đọc cùng nhau trong những ngày chiến đấu vì độc lập dân tộc: “Bác Hồ ơi những ngày gian khổ nhất- Mưa lụt Trường Sơn, đói lả, bom gầm- Chúng con tựa vào nhau nghe lời Bác- Lòng dặn lòng sống chết chẳng phân vân” và “Ôi chí Bác như Trương Sơn vời vợi- Đã truyền cho sức mạnh mỗi con người- Quyết kháng chiến dài lâu không nản- Mỗi trận công đồn có Bác kề bên”. Suốt những năm tham gia cách mạng, để đảm bảo bí mật, ông lấy tên mình là Tử Vì Dân cũng là cách ông dặn lòng học Bác vì nhân dân chiến đấu quên mình.

Người xây nhà thờ Bác giữa núi rừng Trà My - 2

Ông Vũ Như Thông bên tượng đài Bác

Hòa bình, rồi bao năm công tác, rồi về hưu, người cựu chiến binh vẫn canh cánh trong lòng một ước nguyện. Và mãi đến năm 2008, khi đã dành dụm được một khoản từ lương hưu, ông bàn với vợ, cũng là một cựu chiến binh quân y, xây nhà thờ Bác ngay trong khuôn viên nhà mình.

“Người dân mình gọi Bác Hồ là Bác. Đối với tôi, tiếng gọi Bác thân thương như một người lớn đáng tôn kính trong nhà. Tôi muốn tưởng nhớ, thờ Bác như người Việt vẫn thờ tổ tiên, ông bà; muốn con cháu noi gương Người” - cựu chiến binh Vũ Như Thông nói lên tâm niệm của ông khi tự mình xây nhà thờ Bác.

“Ngôi nhà này đặc biệt dành cho trẻ nhỏ”

Gian nhà thờ Bác ngay trong khuôn viên nhà ông Thông rộng hơn 100 mét vuông. Bên trong gian nhà thờ, ở giữa là một bàn thờ trang trọng đặt ảnh Bác mặc quân phục. Xung quanh là những hình ảnh kỷ niệm về Bác và những câu thơ, những tác phẩm của Người mà gia đình ông Thông đã dày công sưu tầm. Nơi đây, hàng năm vào ngày 2/9, người dân trong họ và quanh vùng vẫn tập trung về giỗ Bác.

Người xây nhà thờ Bác giữa núi rừng Trà My - 3
Bàn thờ Bác với nhiều di ảnh của người

Người xây nhà thờ Bác giữa núi rừng Trà My - 4

Người xây nhà thờ Bác giữa núi rừng Trà My - 5

Người xây nhà thờ Bác giữa núi rừng Trà My - 6
Ttường bao quanh gian nhà thờ trang trọng treo nhiều ảnh kỷ niệm, và những câu thơ của Người

Phía trước là tượng đài Bác, cao gần 2 mét, ông Thông đã cho đặt tạc tượng Bác từ làng đá Non Nước nổi tiếng ở Đà Nẵng. Để ai ngang qua ngôi nhà này đều thấy Bác uy nghiêm đang vẫy tay chào đầy gần gũi, dung dị như ấn tượng trong lòng người cựu chiến binh năm xưa ba lần nhìn thấy Bác.

Ông Thông tâm sự hồi ông bắt đầu xây nhà thờ Bác, ông bàn với người nhà, ai cũng đồng ý nhưng cũng có người ngại việc làm của ông là quá mức. Nhưng rồi đến đây ai cũng hiểu tấm lòng của ông dành cho Bác. Ông Thông nói: “Quê tôi ở Điện Bàn, Quảng Nam, là cái nôi đấu tranh cách mạng. Khi chọn Trà My làm nơi lập nghiệp, là quê hương thứ hai của tôi trên đất Quảng này, tôi hiểu tôi chỉ là một tấm lòng trong triệu triệu tấm lòng kính yêu Bác. Mọi người lên đây công tác chắc thấy đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống nơi đây đều mang họ Hồ, đủ hiểu tấm lòng người Trà My dành cho Bác, ở nơi rừng núi xa xôi này, vẫn sâu sắc vô cùng”.

Khi chúng tôi đến, có một gian nhà ngay cạnh nhà thờ Bác đang xây dở, ông Thông cho biết: “Xây nhà thờ Bác xong, tôi lại dành dụm lo xây một thư viện nhỏ lưu lại những bài báo, những quyển sách, tác phẩm văn- thơ của Người và về Người. Khuôn viên trước nhà tôi đang ở bênh cạnh nhà thờ Bác, tôi ước nguyện sẽ làm một sân chơi nhỏ thu hút trẻ con trong vùng đến chơi. Ai cũng biết “ai yêu nhi đồng bằng Bác Hồ Chí Minh

 
Người xây nhà thờ Bác giữa núi rừng Trà My - 7
một góc nhà còn lại ông Thông muốn dành xây thư viện và khu vui chơi đặc biệt dành cho trẻ nhỏ trong vùng

Từ chỗ đến chơi, bọn trẻ sẽ lân la sang thăm Bác, vào thư viện đọc sách, xem tranh ảnh của Người, học tập và làm theo tấm gương đạo đức của Người. Và trước hết kính yêu để luôn vâng lời Bác dạy, những điều hay không bao giờ hết ý nghĩa trong việc hình thành nhân cách mỗi người dân Việt “Yêu Tổ quốc, yêu đồng bào- Học tập tốt, lao động tốt- Đoàn kết tốt, kỷ luật tốt- Giữ gìn vệ sinh thật tốt- Khiêm tốn, thật thà, dũng cảm”. Đó là kỳ vọng lớn nhất đời tôi. Ngôi nhà này đặc biệt dành cho trẻ nhỏ”.

Khánh Hiền