Ngân hàng với vấn đề chủ quyền biển đảo và toàn vẹn lãnh thổ

Phạm Duy Quang Tân

(Dân trí) - Việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh luôn là một nhiệm vụ mà bất cứ tổ chức Đảng, và bất cứ bản thân người đảng viên Vietcombank nào cũng quán triệt tinh thần đó.

Chủ quyền biển đảo và toàn vẹn lãnh thổ trong bao nhiêu năm luôn là vấn đề quan tâm sâu sắc hàng đầu không chỉ của Đảng và Nhà nước, mà của toàn thể nhân dân Việt Nam.

Đất nước trải qua bao gian khổ, từng con người ngã xuống giành độc lập tự do, bảo vệ từng mảnh vườn bờ ao, càng tìm hiểu càng trân trọng hơn những sự hy sinh cao cả vì sự nghiệp giải phóng dân tộc.

Ngay sau khi Cách mạng tháng Tám năm 1945 thành công, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã thay mặt quốc gia Việt Nam tuyên bố “Nhân dân chúng tôi thành thật mong muốn hòa bình, nhưng nhân dân chúng tôi cũng kiên quyết chiến đấu đến cùng để bảo vệ những quyền thiêng liêng nhất: toàn vẹn lãnh thổ cho Tổ quốc và độc lập cho đất nước”.

Lời của Bác khẳng định rằng nhân dân Việt Nam luôn là một dân tộc yêu hòa bình, làm bạn bè cùng nhân dân các nước. Nước Việt Nam luôn chọn chính sách đối ngoại hòa bình, và luôn mong muốn các quốc gia tôn trọng chủ quyền toàn vẹn lãnh thổ của Việt Nam.

Ngược dòng thời gian quay về lịch sử, đất nước những năm 1945-1946 còn muôn vàn khó khăn, thù trong giặc ngoài. Với đối sách “dĩ bất biến” và “ứng vạn biến”, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã đưa nước ta vượt qua nhiều tình thế hiểm trở, luôn vì mục tiêu gìn giữ chính quyền, bảo vệ lãnh thổ đất nước.

Trong sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc thống nhất đất nước, lời dạy của Hồ Chủ tịch “Các vua Hùng đã có công dựng nước, Bác cháu ta phải cùng nhau giữ lấy nước” như kim chỉ nam thấm nhuần vào trong từng chiến sĩ, đồng bào, là nghị lực to lớn giúp toàn thể nhân dân Việt Nam chiến thắng các cuộc chiến tranh xâm lược, góp phần thắng lợi trong sự nghiệp đấu tranh giành độc lập dân tộc, xây dựng đất nước trong thời đại mới.

Chính sách đối ngoại của Đảng và Nhà nước luôn đặt lợi ích của nhân dân lên hàng đầu, vì đất nước, vì nhân dân. Chính vì vậy trong bất cứ hoàn cảnh nào, Việt Nam luôn khẳng định với các quốc gia quyền toàn vẹn lãnh thổ, và bảo vệ chủ quyền biển, đảo của nước ta.

Khu vực Biển Đông – vốn được xem là một khu vực chính trị quan trọng trên thế giới với những lợi ích kinh tế biển to lớn. Năm 2012, Trung Quốc tuyên bố thành lập “thành phố Tam Sa”, năm 2014 đưa giàn khoan Hải Dương 981 vào sâu trong thềm lục địa của Việt Nam mặc cho sự phản ứng của dư luận quốc tế. Hành động này đã làm cho không chỉ nhân dân Việt Nam mà bất cứ người dân ưa chuộng hòa bình nào trên thế giới đều phản đối và bất bình.

Bằng thái độ dứt khoát, kiên quyết, nhưng đấu tranh trong hòa bình, Đảng và Nhà nước Việt Nam đã yêu cầu Trung Quốc rút toàn bộ giàn khoan ra khỏi thềm lục địa Việt Nam.

Ngân hàng với vấn đề chủ quyền biển đảo và toàn vẹn lãnh thổ - 1

“Trạm thu sóng điện thoại” của chiến sĩ bộ đội hòn đảo Bảy Cạnh – Côn Đảo – Vũng Tàu

Biển Đông là vùng biển có tuyến vận tải lớn thứ hai thế giới, trải dài qua nhiều quốc gia châu Á như Trung Quốc, Đài Loan, Việt Nam, Thái Lan, Phillipines,… Các nước trong khu vực luôn mong muốn gìn giữ và hợp tác trong hòa bình, ổn định vì lợi ích quốc gia và tôn trọng chủ quyền các nước. Vì vậy vấn đề kềm chế, duy trì an ninh hòa bình trong khu vực Biển Đông luôn là vấn đề quan tâm hàng đầu của các quốc gia.

Việt Nam có hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa nằm trong khu vực, đây là hai nơi đầu sóng ngọn gió được các chiến sĩ ngày đêm canh giữ biên hải. Đất nước không còn tiếng súng, nhưng ở nơi đảo xa, hàng ngày những người lính vẫn luôn đối mặt với ngoại xâm để gìn giữ từng hạt cát con sóng, gìn giữ hòa bình, toàn vẹn lãnh thổ.

Tại ngân hàng TMCP Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank) - ngân hàng lớn nhất tại Việt Nam, được sự quan tâm và chỉ đạo của Ban lãnh đạo cũng như các cấp ủy Đảng, đơn vị luôn quán triệt toàn thể đảng viên thực hiện theo Chỉ thị 05-CT/TW về tiếp tục đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh để lại. Bên cạnh nhiệm vụ của một ngân hàng phát triển kinh tế đất nước, xuyên suốt hành trình phát triển Vietcombank vẫn luôn xác định nhiệm vụ chính trị trọng tâm là không ngừng rèn luyện và tu dưỡng phẩm chất chính trị của từng cán bộ đảng viên. Chính nhờ đó, mỗi đảng viên, mỗi đoàn viên thanh niên và người lao động Vietcombank luôn mang trong mình những tình cảm thiêng liêng dành cho chủ quyền toàn vẹn hải đảo. Những tình cảm đó không chỉ dừng lại ở những giá trị đóng góp của toàn hệ thống, mà còn được cụ thể hóa bằng những hành động cụ thể, từ những chuyến đi thăm thực tế của chính những con người Vietcombank yêu nước.

Năm 2018 tham gia cùng đoàn công tác số 13, đồng chí Nghiêm Xuân Thành – Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch Hội đồng quản trị Ngân hàng Vietcombank đã đảm nhiệm vị trí Phó trưởng đoàn và dẫn đầu các thành viên Vietcombank đến thăm nhân dân và chiến sĩ hải đảo và nhà giàn. Suốt những hành trình trên biển, đoàn công tác với những con người Vietcombank hạnh phúc đầy lòng nhiệt huyết mang bao khát vọng ra biển lớn để chia sẻ với những người lính nơi đầu sóng ngọn gió. Chứng kiến những khó khăn khắc nghiệt về thời tiết, điều kiện sinh hoạt còn chưa đầy đủ càng thêm quý trọng những sự hy sinh của những chiến sĩ, những người con vì sự nghiệp bảo vệ và xây dựng đất nước.

Ngân hàng với vấn đề chủ quyền biển đảo và toàn vẹn lãnh thổ - 2

Ngân hàng TMCP Ngoại thương Việt Nam trao tặng 3 xuồng CQ trị giá 10,5 tỉ đồng cho lực lượng Hải quân nhân chuyến thăm Trường Sa năm 2019

Ngân hàng với vấn đề chủ quyền biển đảo và toàn vẹn lãnh thổ - 3

Bàn giao xuồng CQ cho lực lượng Hải quân

Trong hành trình 57 năm phát triển của Vietcombank trở thành ngân hàng có chất lượng quản trị và tốt nhất Việt Nam, Vietcombank đã gặt hái được nhiều thành công, đặc biệt năm 2019 Vietcombank đạt lợi nhuận trên 23 nghìn tỷ đồng, trở thành 1 trong 200 tập đoàn tài chính có lợi nhuận cao nhất toàn cầu.

Những thành công của Vietcombank đạt được là nhờ có môi trường kinh tế vĩ mô ổn định, được hoạt động trong môi trường an ninh, hòa bình.

Nhằm tiếp thêm sức mạnh cho quân và dân hải đảo Trường Sa, ngày 27/02/2020 tại Nhà máy X46 Cục kỹ thuật Hải quân thành phố Hải Phòng, Ngân hàng Vietcombank đã thực hiện trao tặng 3 xuồng Trường Sa với ký hiệu thiết kế là CQ-01. Đây là loại xuồng có tốc độ cao, được sử dụng trong khu vực lòng hồ, vùng ven các đảo, đá ngầm thuộc quần đảo Trường Sa để làm nhiệm vụ kiểm tra, giám sát và xua đuổi các tàu thuyền xâm phạm của nước ngoài cũng như tham gia cứu hộ cứu nạn khu vực xung quanh. Xuồng CQ-01 có thân vỏ được chế tạo bằng vật liệu composite, kết cấu sandwich 3 lớp có độ bền cao, chịu được va đập, đáy xuồng được gia cường đảm bảo không bị thủng khi va vào san hô, có khả năng chịu sóng cấp 4, gió cấp 5-6. Tổng trị giá Vietcombank trao tặng cho nhân dân và chiến sĩ Trường Sa là 10,5 tỷ đồng. Đây là tất cả tình cảm của Ban lãnh đạo, cũng như toàn thể cán bộ người lao động ngân hàng Vietcombank gửi trao, góp phần cùng quân dân xây dựng và bảo vệ Trường Sa ngày càng phát triển, tạo nên thế đứng vững chắc, bảo vệ toàn vẹn chủ quyền hải đảo của Việt Nam.

Ngân hàng với vấn đề chủ quyền biển đảo và toàn vẹn lãnh thổ - 4

Vẻ đẹp bình yên ở Côn Đảo

Ngày nay sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc nói chung cũng như chủ quyền biển đảo nói riêng vẫn luôn là nhiệm vụ trọng tâm của Đảng và nhà nước. Trước sau như một, Việt Nam vẫn kiên quyết và kiên trì đấu tranh bằng biện pháp hòa bình, phù hợp với luật pháp và Công ước quốc tế. Và bản thân mỗi cán bộ Ngân hàng TMCP Ngoại thương Việt Nam luôn phấn đấu hết mình đóng góp vào sự nghiệp phát triển kinh tế của đất nước nói chung và của tổ chức nói riêng, thông qua đó góp phần vào sự nghiệp giải phóng dân tộc và bảo vệ toàn vẹn lãnh thổ.