PhotoStory

Lực lượng đặc biệt ở Đà Nẵng ứng phó sự cố giả định bức xạ và hạt nhân

Thực hiện: Hoài Sơn

(Dân trí) - Với tình huống giả định phòng chứa nguồn phóng xạ của bệnh viện ở Đà Nẵng có sự cố, lực lượng đặc biệt gồm công an, quân đội, y bác sĩ... diễn tập ứng phó cấp cứu nạn nhân, thu hồi nguồn phóng xạ.

Lực lượng đặc biệt ở Đà Nẵng ứng phó sự cố giả định bức xạ và hạt nhân - 1

Ngày 22/9, Sở Khoa học và Công nghệ Đà Nẵng - đơn vị thường trực Ban chỉ đạo Ứng phó sự cố bức xạ, hạt nhân thành phố - tổ chức diễn tập ứng phó sự cố bức xạ, hạt nhân.

Tình huống giả định, phòng hotlab của Khoa y học hạt nhân - Bệnh viện Ung bướu Đà Nẵng (có chứa nguồn phóng xạ I-131, Tc-99m) xảy ra cháy không rõ nguyên nhân.

Bên trong phòng có 4 nhân viên đang làm việc. Nhân viên ở ngoài lập tức ngắt nguồn điện chính, hô hoán và hỗ trợ các nạn nhân thoát ra ngoài. Bệnh nhân ở gần khu vực cháy cũng được sơ tán.

Nghi ngờ mất an toàn bức xạ, chỉ huy cơ sở ngay lập tức gọi điện thông báo cho người phụ trách an toàn bức xạ xuống khu vực xảy ra sự cố kiểm soát tình hình; tạm thời khoanh vùng khu vực, lập hàng rào an toàn ở khoảng cách 30m.

Lực lượng đặc biệt ở Đà Nẵng ứng phó sự cố giả định bức xạ và hạt nhân - 2

Nhận được tin báo cháy từ bệnh viện, Trung tâm Thông tin chỉ huy thuộc Công an Đà Nẵng lập tức điều động lực lượng Cảnh sát Phòng cháy chữa cháy và Cứu nạn cứu hộ (PCCC&CNCH), CSGT quận Liên Chiểu đến hiện trường. 

Lực lượng PCCC&CNCH phun nước cứu hỏa và cử cán bộ tìm kiếm người bị nạn trong khu vực tòa nhà bị cháy.

Lực lượng đặc biệt ở Đà Nẵng ứng phó sự cố giả định bức xạ và hạt nhân - 3

Lực lượng y tế 115 phối hợp với lực lượng y tế của bệnh viện thực hiện nhiệm vụ sơ cứu, chăm sóc các nạn nhân trong lúc chờ lực lượng kiểm tra nhiễm bẩn cho nạn nhân.

Lực lượng đặc biệt ở Đà Nẵng ứng phó sự cố giả định bức xạ và hạt nhân - 4
Lực lượng đặc biệt ở Đà Nẵng ứng phó sự cố giả định bức xạ và hạt nhân - 5

Các cán bộ thuộc Sở Khoa học và Công nghệ mặc quần áo bảo vệ chuyên dụng chống phóng xạ, sử dụng thiết bị đo bức xạ, khảo sát bức xạ bên ngoài hàng rào. Kết quả, an toàn cho các lực lượng tập kết triển khai ứng phó sự cố.

Nhân viên ứng phó sự cố sử dụng thiết bị đo có tay cầm nối dài tiến vào khu vực bên trong hàng rào an toàn và xác định vùng phóng xạ cao, định vị các nguồn phóng xạ, vật thể nhiễm phóng xạ.

Sau khi xác định nguồn phóng xạ, nhận lệnh chỉ huy, các nhân viên thu hồi nguồn phóng xạ và sử dụng bình sơn xịt để khoanh vùng vị trí nhiễm bẩn phóng xạ.

Lực lượng đặc biệt ở Đà Nẵng ứng phó sự cố giả định bức xạ và hạt nhân - 6
Lực lượng đặc biệt ở Đà Nẵng ứng phó sự cố giả định bức xạ và hạt nhân - 7

Lực lượng của Bộ Chỉ huy quân sự chuẩn bị trang thiết bị, phương tiện sẵn sàng thực hiện nhiệm vụ tẩy xạ cho khu vực nhiễm bẩn.

Lực lượng đặc biệt ở Đà Nẵng ứng phó sự cố giả định bức xạ và hạt nhân - 8
Lực lượng đặc biệt ở Đà Nẵng ứng phó sự cố giả định bức xạ và hạt nhân - 9

Lực lượng của Bộ chỉ huy quân sự nhanh chóng tiếp cận hiện trường, tổ chức tẩy xạ, thu gom chất thải phóng xạ.

Lực lượng đặc biệt ở Đà Nẵng ứng phó sự cố giả định bức xạ và hạt nhân - 10

Sau khi tiến hành tẩy xạ, lực lượng của Bộ chỉ huy quân sự được kiểm tra phóng xạ bằng thiết bị chuyên dụng trước khi được nhân viên y tế kiểm tra sức khỏe.

Lực lượng đặc biệt ở Đà Nẵng ứng phó sự cố giả định bức xạ và hạt nhân - 11

Tất cả các dụng cụ, thiết bị và các thùng, túi lưu giữ chất thải phóng xạ được tập trung đưa lên xe vận chuyển về nơi lưu giữ tạm thời, bảo đảm an toàn.

Lực lượng đặc biệt ở Đà Nẵng ứng phó sự cố giả định bức xạ và hạt nhân - 12

Buổi diễn tập diễn ra dưới trời nắng khiến các cán bộ tham gia ướt nhẹp mồ hôi.

Phó Cục trưởng Cục An toàn bức xạ và hạt nhân (Bộ Khoa học và Công nghệ) Phạm Văn Toàn đánh giá, kịch bản tình huống diễn tập lần này được xem là có quy mô lớn nhất và phức tạp nhất mà thành phố Đà Nẵng triển khai diễn tập trong nhiều năm qua.

Kịch bản đã huy động được lực lượng, phương tiện, trang thiết bị ở mức độ cao, có sự phối hợp nhuần nhuyễn, thực hiện tốt các nhiệm vụ được phân công.

Đồng thời, thông qua diễn tập cũng xác định được một số vấn đề phát sinh về điều kiện thực tế của cơ sở để đánh giá sự phù hợp của kế hoạch ứng phó sự cố bức xạ, hạt nhân với thực tế để điều chỉnh, bổ sung, hoàn thiện kế hoạch này.