Lấy phiếu tín nhiệm ở Trung ương là cơ sở quy hoạch cán bộ cấp cao khóa mới

Hoài Thu

(Dân trí) - Đánh giá cao Hội nghị Trung ương giữa nhiệm kỳ, các chuyên gia cho rằng việc Trung ương lấy phiếu tín nhiệm với các Ủy viên Bộ Chính trị, Ban Bí thư, là cơ sở quan trọng để quy hoạch cán bộ.

Hội nghị Trung ương giữa nhiệm kỳ (Hội nghị Trung ương 7) khóa XIII đã thực hiện nội dung quan trọng về lấy phiếu tín nhiệm các Ủy viên Bộ Chính trị, Ban Bí thư sau nửa nhiệm kỳ Đại hội Đảng đã đi qua.

Trao đổi với Dân trí, ông Nguyễn Đức Hà, nguyên Vụ trưởng Cơ sở Đảng (Ban Tổ chức Trung ương), đánh giá đây là một hội nghị có ý nghĩa rất quan trọng.

Xem chuyện từ chức là việc nhẹ nhàng, bình thường

Ông Hà cho biết việc lấy phiếu tín nhiệm ở Trung ương đã được triển khai từ sau Nghị quyết Trung ương 4 khóa XI.

Quy định về việc lấy phiếu tín nhiệm qua nhiều lần sửa đổi, bổ sung đã được khái quát lại trong Quy định 96 do Bộ Chính trị ban hành hồi đầu tháng 2, với nhiều quy định mới, theo ông Hà, cụ thể hơn, mạnh mẽ hơn, quyết liệt hơn, khắc phục được những tồn tại, hạn chế của những quy định trước.

Lấy phiếu tín nhiệm ở Trung ương là cơ sở quy hoạch cán bộ cấp cao khóa mới - 1

Ông Nguyễn Đức Hà, nguyên Vụ trưởng Vụ Cơ sở Đảng, Ban Tổ chức Trung ương (Ảnh: Hồng Phong).

Điển hình, trước Quy định 96, quy định 262 về việc lấy phiếu tín nhiệm chỉ coi kết quả lấy phiếu tín nhiệm là một "kênh tham khảo quan trọng". Nhưng với Quy định 96, nó không còn là một kênh tham khảo nữa mà trở thành cơ sở, căn cứ để đánh giá cán bộ. Quy định này, ông Hà đánh giá đã cụ thể hơn, rõ ràng hơn và chặt chẽ hơn rất nhiều.

Phát biểu tổng kết Hội nghị Trung ương giữa nhiệm kỳ, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng cho biết đến nay, Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư đã xem xét cho thôi giữ chức vụ, cho nghỉ công tác, nghỉ hưu, bố trí công tác khác đối với 14 cán bộ diện Trung ương quản lý.

Các địa phương cũng bố trí công tác và thực hiện chính sách đối với 22 trường hợp cán bộ sau khi bị kỷ luật theo đúng chủ trương của Đảng về việc "có vào, có ra; có lên, có xuống".

Theo Tổng Bí thư, việc này thể hiện tinh thần kiên quyết, gương mẫu, nghiêm minh, nhân văn, có tác dụng giáo dục, cảnh tỉnh, răn đe trong đội ngũ cán bộ, công chức, đảng viên; đồng thời đã khẩn trương chỉ đạo kiện toàn các nhân sự lãnh đạo thay thế.

Ủng hộ quan điểm này, ông Nguyễn Đức Hà cho rằng Trung ương đã mở đường cho "văn hóa từ chức" - điều đã nhiều lần được đề cập nhưng chưa thực hiện được, do tâm lý về việc từ chức còn quá nặng nề.

"Trước đây, việc từ chức là rất nặng nề, nhưng từ nay, cần coi đây là việc nhẹ nhàng, xem việc có vào có ra, có lên có xuống là việc bình thường. Khi cán bộ thấy không đủ tín nhiệm thì từ chức và được Trung ương chấp thuận vẫn giúp họ giữ được danh dự", theo quan điểm của ông Nguyễn Đức Hà.

Chính sách này, theo ông Hà, còn thể hiện rõ tính nhân văn khi khuyến khích cán bộ từ chức để giữ danh dự, tránh việc cấp có thẩm quyền phải ra quyết định miễn nhiệm.

Bên cạnh đó, ông Hà còn chỉ ra tính nhân văn của chính sách ở khía cạnh nếu cán bộ uy tín thấp, xin từ chức nhưng còn trẻ và vẫn có nguyện vọng công tác, thì cấp có thẩm quyền sẽ vẫn xem xét, bố trí công việc cho cán bộ đó, dù ở vị trí thấp hơn nhưng vẫn còn điều kiện cống hiến và phấn đấu, trí tuệ và năng lực của cán bộ vẫn được sử dụng.

Lấy phiếu tín nhiệm ở Trung ương là cơ sở quy hoạch cán bộ cấp cao khóa mới - 2

Hội nghị Trung ương giữa nhiệm kỳ (Hội nghị Trung ương 7) khóa XIII (Ảnh: Nhật Bắc).

Từ góc độ của một nhà quan sát, ông Nguyễn Đức Hà lần này mọi việc liên quan đến công tác cán bộ rất quyết liệt và dứt khoát, thay thế kịp thời, "lắp ráp" bộ máy nhanh chóng. Đây là điều mà những nhiệm kỳ trước đã đặt ra nhưng chưa làm được.

Minh chứng cho việc này, theo ông Hà, là sau mỗi lần cho thôi nhiệm vụ với một số lãnh đạo cấp cao, nhiều hội nghị và kỳ họp bất thường đã được tổ chức nhanh chóng để kiện toàn nhân sự.

"Trong rất nhiều nhiệm kỳ trở lại đây, chưa có nhiệm kỳ nào họp bất thường nhiều như nửa đầu khóa XIII. Chính những hội nghị, kỳ họp bất thường đã giúp nhanh chóng xử lý những vấn đề phát sinh, không cần chờ quá lâu để đến kỳ họp định kỳ, tránh chậm trễ, trì trệ, ảnh hưởng đến công việc chung", ông Hà nêu quan điểm.

Kết quả tín nhiệm là cơ sở quy hoạch cán bộ

Từ kết quả của việc lấy phiếu tín nhiệm tại Hội nghị Trung ương giữa nhiệm kỳ, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng lưu ý thực hiện tốt việc Quy hoạch Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư khóa XIV nhiệm kỳ 2026-2031.

Ông Nguyễn Đức Hà cho biết vấn đề chuẩn bị nhân sự cho Đại hội XIV, nhất là nhân sự cấp cao, đã được đề cập từ Hội nghị Trung ương 4 và lần này tiếp tục được Tổng Bí thư nhấn mạnh.

Lấy phiếu tín nhiệm ở Trung ương là cơ sở quy hoạch cán bộ cấp cao khóa mới - 3

Các đại biểu dự Hội nghị Trung ương giữa nhiệm kỳ (Ảnh: VGP/Nhật Bắc).

Trước đây, dù Đảng thể hiện quyết tâm rất cao trong việc kiên quyết không để lọt những cán bộ suy thoái, yếu kém vào bộ máy, nhưng thực tế vẫn không đáp ứng được mong muốn khi có nhiều cán bộ từ cấp địa phương đến Trung ương dính sai phạm và bị xử lý.

Vì vậy, theo ông Hà, lưu ý lần này của Tổng Bí thư là để các cơ quan chuẩn bị kỹ lưỡng hơn trong công tác cán bộ, tránh để sau Đại hội Đảng lại "rơi rụng", mất cán bộ.

"Với tầm nhìn xa, việc lấy phiếu tín nhiệm là một kênh, một căn cứ để chuẩn bị nhân sự cho Đại hội XIV. Nhưng gần hơn, đây là cơ sở quan trọng để tới đây bổ sung Bộ Chính trị, Ban Bí thư, bởi theo quy hoạch, chúng ta đang thiếu 3 Ủy viên Bộ Chính trị và 12 Ủy viên Trung ương", ông Hà thống kê và dự đoán việc này có thể được thực hiện ở Hội nghị Trung ương sắp tới.

PGS.TS Lê Quốc Lý, nguyên Phó Giám đốc Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh cũng đánh giá cao ý nghĩa và tầm quan trọng của Hội nghị Trung ương giữa nhiệm kỳ lần này. Theo ông, đây là cơ hội để Trung ương nhìn lại nửa nhiệm kỳ đã qua đi để thấy những gì đã làm được, những gì chưa, cái gì đã thành công, cái gì còn tồn tại.

Việc lấy phiếu tín nhiệm, theo ông Lý, cũng là thước đo quan trọng để, là cơ sở đánh giá cán bộ cấp cao cũng như cơ sở để quy hoạch cán bộ cho nhiệm kỳ mới.

Lấy phiếu tín nhiệm ở Trung ương là cơ sở quy hoạch cán bộ cấp cao khóa mới - 4

PGS.TS Lê Quốc Lý, nguyên Phó Giám đốc Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh (Ảnh: VOV).

Ông Lý cho rằng việc lấy phiếu tín nhiệm giúp cán bộ "tự soi", "tự sửa". Người có phiếu tín nhiệm không cao cũng coi đây là bài học để tự phê bình, kiểm điểm, nhìn lại vì sao phiếu mình chưa cao để cố gắng sửa đổi, giúp nửa nhiệm kỳ sau có kết quả tốt hơn.

Với những người tự thấy không còn xứng đáng cũng có thể từ chức, xin rút lui.

Trong khi đó, những người có phiếu tín nhiệm cao cũng có thêm động lực vì những cố gắng, cống hiến của mình đã được Trung ương ghi nhận.

"Mỗi cán bộ cần nhớ rằng mọi hoạt động của mình đều có sự giám sát của Đảng và nhân dân, không ai che giấu được những mặt yếu kém của mình. Vì thế, lãnh đạo các cấp phải luôn phấn đấu rèn luyện vì mục tiêu phục vụ nhân dân, đất nước, có như thế mới có thể phát triển trong tương lai", ông Lý nói.