"Không thể chậm trễ hơn trong phát triển đường sắt cao tốc"

Hoài Thu

(Dân trí) - Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp đầu tư nước ngoài Nguyễn Mại cho rằng không thể chậm trễ hơn trong phát triển đường sắt cao tốc. Phó Thủ tướng cũng nhấn mạnh đầu tư này là đầu tư cho tương lai.

Những nhận định này được đưa ra tại Phiên họp thứ nhất của Ban Chỉ đạo xây dựng, thực hiện Đề án chủ trương đầu tư đường sắt tốc độ cao trên trục Bắc - Nam và các dự án đường sắt quan trọng quốc gia (Đề án), do Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà chủ trì.

Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà cho rằng hiện nay, hệ thống đường sắt, trong đó có đường sắt tốc độ cao của Việt Nam, đang lỡ hẹn với yêu cầu phát triển của nền kinh tế. 

"Đầu tư cho đường sắt cao tốc là đầu tư dài hạn cho tương lai. Đó không chỉ là một tuyến đường sắt hay một con tàu, mà phải đặt ra mục tiêu tổng thể hình thành ngành công nghiệp có năng lực làm chủ công nghệ, để vận hành tuyến đường sắt tốc độ cao an toàn, hiệu quả, bền vững", Phó Thủ tướng lưu ý.

Không thể chậm trễ hơn trong phát triển đường sắt cao tốc - 1

Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà phát biểu tại phiên họp (Ảnh: Minh Khôi).

Nêu ý kiến, TSKH Nguyễn Mại, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp đầu tư nước ngoài, cũng nhấn mạnh "không thể chậm trễ hơn trong phát triển đường sắt tốc độ cao".

Các ý kiến tại phiên họp đều thống nhất cần đầu tư tuyến đường sắt mới, hiện đại để đáp ứng nhu cầu vận tải ngày càng tăng trên trục Bắc - Nam. 

Theo Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Trần Văn Sơn, địa hình tự nhiên, các hành lang kinh tế, trục tăng trưởng, đô thị lớn của đất nước đều chạy dọc theo tuyến Bắc - Nam đã cho thấy sự cần thiết phải đầu tư xây mới tuyến đường sắt đôi phục vụ hành khách và dự phòng vận tải hàng hóa khi có nhu cầu.

Trong khi đó, chuyên gia Lê Xuân Nghĩa dẫn chứng kinh nghiệm phát triển đường sắt tốc độ cao ở các nước và nhấn mạnh Việt Nam cần đầu tư tuyến đường sắt mới đồng bộ, hiện đại thay vì cải tạo, sử dụng hạ tầng vốn có.

"Đây là cơ hội để ngành đường sắt làm chủ công nghệ, đổi mới phương thức quản trị vốn đã lạc hậu rất nhiều so với thế giới", theo lời ông Nghĩa.

Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà đề nghị làm rõ những căn cứ, luận điểm khoa học và thực tiễn về vai trò, vị trí của đường sắt tốc độ cao đối với sự phát triển của đất nước; chứng minh tính hiệu quả để giải bài toán nguồn lực huy động.

Bên cạnh đó, ông cho rằng cần đề xuất "gói cơ chế, chính sách pháp luật" về đầu tư, tài chính, tiếp nhận, chuyển giao công nghệ, đào tạo nhân lực… và tính toán nguồn nhân lực để làm chủ công nghệ trong xây dựng đường sắt cao tốc.

Phó Thủ tướng quán triệt Đề án phải khẳng định được vai trò của tuyến đường sắt tốc độ cao là "trục xương sống" trên hành lang Bắc - Nam, động lực phát triển kinh tế với việc mở ra và kết nối không gian phát triển mới.

"Việc lựa chọn kịch bản phát triển đường sắt tốc độ cao phải do thị trường quyết định, trong đó khâu dự báo nhu cầu là rất quan trọng để tính toán hiệu quả đầu tư", Phó Thủ tướng nhấn mạnh.

Ông yêu cầu Bộ GTVT tiếp tục mời các chuyên gia kỹ thuật, kinh tế trong nước và quốc tế để nghiên cứu, giải trình những vấn đề đặt ra, tiếp thu nghiêm túc những điểm mới phù hợp thực tiễn trong thực hiện Đề án.