Hủy bỏ, thu hồi hơn 250 quyết định sai về công tác cán bộ

Hoài Thu

(Dân trí) - Sau 3 năm thực hiện Quy định 205 về kiểm soát quyền lực, các cơ quan đã hủy bỏ, thu hồi hàng trăm quyết định không đúng về công tác bộ, kỷ luật nhiều người có hành vi tiêu cực nhằm đạt được vị trí...

Ngày 26/7, Ban Tổ chức Trung ương tổ chức Hội nghị Quán triệt Quy định 114 của Bộ Chính trị về "Kiểm soát quyền lực và phòng, chống tham nhũng, tiêu cực trong công tác cán bộ". Quy định này thay thế Quy định 205 năm 2019 của Bộ Chính trị về việc kiểm soát quyền lực trong công tác cán bộ và chống chạy chức, chạy quyền.

Khái quát những kết quả đạt được sau 3 năm thực hiện Quy định 205, Phó trưởng Ban Thường trực Ban Tổ chức Trung ương Mai Văn Chính cho biết đã có những chuyển biến tích cực trong công tác này.

Đề xuất không xem xét 251 cán bộ diện Trung ương quản lý vì thiếu tiêu chuẩn

Theo đó, Quy định 205 đã từng bước khắc phục tình trạng lạm quyền, lợi dụng quyền lực, thao túng trong công tác cán bộ; sử dụng quyền lực được giao để phục vụ lợi ích cá nhân hoặc bao che, tiếp tay cho tham nhũng, tiêu cực trong công tác cán bộ gây bức xúc trong cán bộ, đảng viên và nhân dân trước đây.

Thống kê một số kết quả nổi bật trong thực hiện Quy định 205 cho thấy các cơ quan, đơn vị đã chỉ đạo thí điểm đổi mới tuyển chọn cán bộ lãnh đạo, quản lý cấp vụ, cấp sở, cấp phòng theo hướng khách quan, công khai, minh bạch đối với 438 vị trí.

Hủy bỏ, thu hồi hơn 250 quyết định sai về công tác cán bộ - 1

Phó trưởng Ban Thường trực Ban Tổ chức Trung ương Mai Văn Chính (Ảnh: TTXVN).

Cũng trong 3 năm, có 9.100 cán bộ được điều động gắn với việc chuyển đổi vị trí công tác; 1.600 cuộc thanh tra, kiểm tra, giám sát về công tác cán bộ đã được thực hiện.

Các cơ quan đã tham mưu, đề xuất không xem xét 251 lượt cán bộ diện Trung ương quản lý chưa đảm bảo tiêu chuẩn, điều kiện.

Đáng lưu ý, nhờ thực hiện Quy định 205 đã phát hiện 50 trường hợp có quan hệ gia đình cùng đảm nhiệm chức danh có liên quan, để điều động, phân công, bố trí chức danh khác phù hợp.

Trong xử lý trách nhiệm với các vi phạm liên quan công tác cán bộ, có 3 trường hợp bị đình chỉ công tác, chức vụ; 10 trường hợp bị tạm dừng có thời hạn theo quy định của cấp có thẩm quyền việc quy hoạch, điều động, luân chuyển, bổ nhiệm, thăng cấp bậc hàm, giới thiệu ứng cử chức vụ cao hơn hoặc tương đương.

Bên cạnh đó, có 254 trường hợp bị hủy bỏ, thu hồi các quyết định không đúng về công tác bộ; 4 trường hợp bị kỷ luật vì có hành vi tiêu cực nhằm đạt được vị trí, chức vụ, quyền lợi; 4 trường hợp bị kỷ luật vì có hành vi bao che, tiếp tay cho chạy chức, chạy quyền.

Quyết tâm chống tiêu cực trong công tác cán bộ

Theo lãnh đạo Ban Tổ chức Trung ương, nhiều chủ trương, quy định của Đảng về công tác cán bộ được sửa đổi, bổ sung theo hướng chặt chẽ, đảm bảo nguyên tắc tập trung, dân chủ, khách quan, công khai, minh bạch.

Việc tăng cường phân cấp, phân quyền; phối hợp chặt chẽ, hiệu quả của các cơ quan tham mưu trong công tác thẩm định nhân sự cũng được ghi nhận trong 3 năm thực hiện Quy định 205.

Theo ông Mai Văn Chính, Quy định 205 khẳng định quyết tâm chính trị của Đảng, góp phần đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực trong công tác cán bộ; đẩy lùi tình trạng suy thoái về tư tưởng, chính trị, đạo đức, lối sống, các biểu hiện "tự diễn biến", "tự chuyển hóa".

Tuy nhiên, việc tổ chức, thực hiện Quy định 205 vẫn còn một số hạn chế, bất cập.

Hủy bỏ, thu hồi hơn 250 quyết định sai về công tác cán bộ - 2

Toàn cảnh hội nghị (Ảnh: TTXVN).

Cụ thể, công tác lãnh đạo, chỉ đạo, tổ chức quán triệt và triển khai thực hiện Quy định 205 ở một số cấp ủy, tổ chức đảng chưa quyết liệt, hiệu quả; công tác nắm tình hình, dư luận cán bộ, đảng viên và nhân dân trong công tác cán bộ có lúc chưa sâu sát, kịp thời.

Cũng theo Ban Tổ chức Trung ương, công tác phối hợp kiểm soát quyền lực trong công tác cán bộ chưa đồng bộ. Việc nhận diện, phát hiện, xử lý vi phạm đối với hành vi chạy chức, chạy quyền và bao che, tiếp tay cho chạy chức, chạy quyền có mặt còn hạn chế, chưa đạt kết quả như mong muốn.

Đặc biệt, vẫn còn tình trạng lợi dụng chức vụ, quyền hạn, áp đặt ý chí chủ quan của người đứng đầu hoặc buông lỏng, tùy tiện, vi phạm nguyên tắc tập trung dân chủ, quy chế làm việc, quy định những điều đảng viên không được làm, quy định về trách nhiệm nêu gương…

Ngoài ra, Ban Tổ chức Trung ương cũng chỉ ra hạn chế khi một số người đứng đầu địa phương, cơ quan, đơn vị thiếu gương mẫu, bổ nhiệm, giới thiệu người thân quen, người có quan hệ gia đình vào lãnh đạo, quản lý cơ quan, đơn vị mình phụ trách, gây bức xúc dư luận.

Từ những đánh giá đó, Bộ Chính trị đã ban hành Quy định 114 về kiểm soát quyền lực và phòng chống tham nhũng, tiêu cực trong công tác cán bộ trên cơ sở kế thừa những nội dung còn phù hợp của Quy định 205 trước đây và có bổ sung, sửa đổi một số nội dung cho phù hợp yêu cầu, sát tình hình thực tiễn.