DNews

Hậu trường cuộc di dân lớn nhất từ trước đến nay để làm sân bay Long Thành

Phước Tuần

(Dân trí) - "Có những nhà tôi đi 8-9 lần người dân mới đồng ý. Có lúc anh em bị người dân cáu gắt, tỏ vẻ khó chịu nhưng đành cười trừ bỏ qua vì đại cuộc", thành viên trong tổ công tác chia sẻ.

Hậu trường cuộc di dân lớn nhất từ trước đến nay để làm sân bay Long Thành

Chiều nay, 31/8, Bộ Giao thông Vận tải tổ chức khởi công nhà ga hành khách và đường băng, bãi đỗ tàu bay Cảng hàng không quốc tế Long Thành (sân bay Long Thành). Đây là sự kiện đánh dấu việc hoàn thành công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng và khởi đầu cho việc tăng tốc xây dựng "siêu dự án" sân bay Long Thành.

Từ năm 2018, Đồng Nai đã triển khai công tác giải phóng mặt bằng dự án sân bay Long Thành. Hơn 5.500 hộ dân trên địa bàn 6 xã của huyện Long Thành phải di dời khỏi nơi ở cũ để nhường đất thực hiện dự án. Đây được xem là cuộc di dân lớn nhất từ trước đến nay trên địa bàn tỉnh Đồng Nai cũng như cả nước.

Nhà ga hành khách sân bay Long Thành

Có hộ dân phải 8-9 lần vận động mới đồng ý di dời

Sau 5 năm bắt tay vào công tác thu hồi, bồi thường, tái định cư dự án sân bay Long Thành, đến nay UBND tỉnh Đồng Nai đã cơ bản về đích công tác giải phóng mặt bằng, bàn giao cho Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam (ACV) thực hiện thi công các gói thầu tiếp theo của sân bay Long Thành.

Hậu trường cuộc di dân lớn nhất từ trước đến nay để làm sân bay Long Thành - 1

Đại diện UBND tỉnh Đồng Nai bàn giao mặt bằng dự án sân bay Long Thành cho chủ đầu tư Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam (Ảnh: Hoàng Bình).

Tại buổi tổng kết và tổ chức bàn giao công tác giải phóng mặt bằng dự án sân bay Long Thành và dự án 2 tuyến đường kết nối sân bay, hàng trăm cán bộ từ tỉnh đến huyện, xã phần nào nhẹ nhõm khi hoàn thành phần việc được đánh giá nhạy cảm đầy thách thức.

Ông Nguyễn Trần Thành, Trưởng ấp Suối Trầu 1 (xã Suối Trầu cũ, huyện Long Thành) nhớ lại thời gian đầu anh em trong tổ ngày nào cũng đi gõ cửa từng hộ dân để vận động họ di dời. Ông nói, công việc khó khăn, dịch Covid-19 diễn ra, trời mưa đường sình lầy… nhưng ai cũng cố gắng quyết tâm vì sợ trễ tiến độ, ảnh hưởng dự án lớn.

"Từ tháng 6/2019, tôi cùng anh em bắt đầu đi tuyên truyền, vận động, thuyết phục người dân nhường đất xây dựng sân bay. Ngày nào tôi cũng đi sớm về muộn, có những thời điểm đi cả buổi tối để gặp được người dân. Sau khi trình bày dự án lớn, người dân trong ấp đa số đều đồng thuận, tuy nhiên còn một số hộ do chưa có đất tái định cư, vướng mắc chính sách nên vẫn chậm bàn giao", ông Thành chia sẻ.

Ông nói thêm: "Có những nhà tôi đi 8-9 lần người dân mới đồng ý. Có lúc anh em bị người dân cáu gắt, tỏ vẻ khó chịu nhưng đành cười trừ bỏ qua vì đại cuộc".

Người trưởng ấp này kể, giai đoạn khó khăn nhất là năm 2021 khi dịch Covid-19 căng thẳng. Thời điểm đó hầu hết thành viên vận động đều nhiễm. Thế nhưng khi khỏi, anh em lại bắt đầu đi gõ cửa từng nhà để thuyết phục, đảm bảo tiến độ di dời của tỉnh.

Ông Lê Văn Tiếp, Chủ tịch UBND huyện Long Thành cũng kể lại quá trình đi vận động bà con di dời rất gian nan.

"Có nhiều hộ đồng thuận nên công tác bồi thường rất nhanh. Tuy nhiên nhiều hộ dân chúng tôi phải gặp nhiều lần, thuyết phục, vận động, giải thích quy định đền bù, ý nghĩa của dự án mang lại.

Nhiều hộ dân không hài lòng với giá đền bù nên thời gian đó rất nhiều khó khăn, mất nhiều thời gian. Dù khó khăn, vất vả đến đâu, huyện cũng quyết tâm thuyết phục, hỗ trợ người dân, khi không còn phương án nào mới nghĩ đến quyết định cưỡng chế", ông Tiếp nói.

Hậu trường cuộc di dân lớn nhất từ trước đến nay để làm sân bay Long Thành - 2

Người dân dần quen với cuộc sống đô thị sau gần 2 năm di dời sang khu tái định cư Lộc An - Bình Sơn (Ảnh: Hải Long).

Ông Võ Văn Phi, Phó chủ tịch UBND tỉnh Đồng Nai, cho biết, trước đây tỉnh đã thực hiện nhiều dự án giải phóng mặt bằng nhưng với dự án sân bay Long Thành là dự án lớn, đầy thách thức. Quy mô diện tích đất thu hồi lớn, dự án được quy hoạch thực hiện kéo dài hơn 13 năm là những thách thức "cực đại" mà Đồng Nai phải đối mặt trong quá trình thực hiện. Đến nay công tác thu hồi, bồi thường, tái định cư cơ bản đã hoàn thành.

"Đồng Nai thực hiện công tác giải phóng mặt bằng với áp lực và trách nhiệm lớn. Đây là công việc phức tạp, nhạy cảm. Các bộ phận ban ngành từ tỉnh đến huyện, luôn chịu áp lực về tiến độ thực hiện dự án, áp lực sợ sai sót trong quá trình thực hiện trước cơ quan thanh tra, kiểm toán", ông Phi chia sẻ và cho biết, có giai đoạn sau các cuộc thanh tra, nhiều cán bộ gửi đơn xin nghỉ vì áp lực quá lớn. Tuy nhiên đến thời điểm này cơ bản tỉnh đã hoàn thành công tác giải phóng mặt bằng, đó là sự cố gắng cả tập thể.

Theo ông Phi, dự án thu hồi đất, bồi thường, hỗ trợ, tái định cư sân bay Long Thành có diện tích thu hồi hơn 5.000ha; trong đó diện tích đất để xây dựng sân bay gần 5.000ha và đất xây dựng 2 khu tái định cư bố trí tái định cư cho người dân vùng dự án hơn 360ha.

Dự án thu hồi đất, bồi thường, hỗ trợ tái định cư sân bay Long Thành có tổng mức đầu tư hơn 22.900 tỷ đồng. Dự án sẽ thực hiện thu hồi diện tích đất hơn 5.399ha, việc thu hồi đất, bồi thường, hỗ trợ, tái định cư được tiến hành một lần.

Cụ thể, về dự án thu hồi đất, bồi thường, hỗ trợ, tái định cư sân bay Long Thành, tỉnh Đồng Nai thu hồi đất một lần cho toàn bộ 5.000ha để xây dựng sân bay Long Thành và 364,21ha để xây dựng 2 khu tái định cư. Tổng số trường hợp bị thu hồi đất và ảnh hưởng là 4.864 hộ gia đình với 15.557 nhân khẩu và 26 tổ chức sử dụng đất.

Năm 2007, dự án sân bay Long Thành được quy hoạch. Tháng 6/2015, Quốc hội thông qua chủ trương xây dựng sân bay Long Thành. Đến năm 2018, Đồng Nai chính thức bắt tay vào thực hiện công tác giải phóng mặt bằng cho dự án sân bay Long Thành

Là người theo sát công tác giải phóng mặt bằng, ông Nguyễn Ngọc Hưng, Phó giám đốc Sở Tài nguyên Môi trường Đồng Nai cũng đánh giá dự án sân bay Long Thành có quy mô thu hồi đất lớn nhất tỉnh Đồng Nai cũng như cả nước từ trước đến nay nên tính chất công việc phức tạp hơn.

Từ khi quy hoạch đến chấp thuận chủ trương đầu tư hơn 13 năm, nên khi bắt đầu giải phóng mặt bằng, nguồn dữ liệu đất đai và hiện trạng đất trên thực tế có hàng loạt sai sót. Những trường hợp hồ sơ có sự sai lệch giữa giấy chứng nhận quyền sử dụng đất và hiện trạng sử dụng đất, việc giải quyết rất tốn nhiều thời gian. Mỗi hồ sơ như vậy mất từ 8 tháng đến 1 năm, trong khi tiến độ giải phóng mặt bằng rất gấp rút.

Hậu trường cuộc di dân lớn nhất từ trước đến nay để làm sân bay Long Thành - 3

Ông Lê Văn Tiếp, Chủ tịch UBND huyện Long Thành (bên phải) đến vận động người nhường đất cho dự án sân bay Long Thành (Ảnh: Hoàng Bình).

Đồng quan điểm với ông Hưng, Chủ tịch UBND huyện Long Thành Lê Văn Tiếp thừa nhận các dự án bình thường, công tác đền bù, giải phóng mặt bằng chỉ thực hiện khoảng 14 bước. Còn ở dự án sân bay Long Thành, do dữ liệu đất đai cũ nên phải thực hiện đến 20 bước để đảm bảo chính xác, chặt chẽ.

UBND huyện Long Thành đã lập riêng website, tổ công tác riêng chỉ thực hiện nhiệm vụ liên quan đến dự án sân bay Long Thành. UBND tỉnh cũng đã huy động nhiều cán bộ các sở, ngành liên quan hỗ trợ UBND huyện Long Thành trong quá trình triển khai thu hồi đất, bồi thường, giải phóng mặt bằng.

"Với dự liệu nhiều sai sót, tiến độ giải phóng gấp rút, chúng tôi phải tập trung nhân sự rất lớn đến chạy đua trong công tác giải phóng mặt bằng. Nhiều áp lực nhưng được thực hiện một dự án lớn của quốc gia nên huyện luôn cố gắng, động viên anh em các bộ phận, địa phương cùng chung tay để thực hiện công việc", ông Tiếp chia sẻ.

Cám ơn người dân nhường đất cho "siêu dự án"

Dự án Sân bay Long Thành được Thủ tướng phê duyệt quy hoạch vị trí, quy mô và phân khu chức năng từ năm 2005. Ngày 6/11/2018, Thủ tướng ban hành quyết định phê duyệt báo cáo nghiên cứu khả thi Dự án thu hồi đất, bồi thường, hỗ trợ, tái định cư sân bay Long Thành và giao nhiệm vụ cho tỉnh Đồng Nai thực hiện dự án.

Hậu trường cuộc di dân lớn nhất từ trước đến nay để làm sân bay Long Thành - 4

Mặt bằng sân bay Long Thành sẵn sàng cho việc xây dựng nhà ga hành khách, đường băng cất - hạ cánh và bãi đỗ tàu bay (Ảnh: Hải Long).

Dự án thu hồi đất, bồi thường, hỗ trợ, tái định cư sân bay Long Thành là dự án có diện tích đất cần thu hồi lớn nhất từ trước đến nay được triển khai trên địa bàn tỉnh. Theo đó, để phục vụ dự án, Đồng Nai phải thu hồi diện tích đất khoảng 5.000 ha với gần 7.000 hộ dân bị ảnh hưởng.

Ngày 5/1/2021, dự án Cảng hàng không quốc tế Long Thành giai đoạn 1 chính thức được khởi công xây dựng. Đây là dấu mốc lịch sử, hiện thực hóa khát vọng xây dựng sân bay lớn nhất cả nước sau gần 20 năm quy hoạch. Sân bay Long Thành có tổng mức đầu tư hơn 336.000 tỷ đồng, trong đó giai đoạn 1 là hơn 114.000 tỷ đồng.

Với mức đầu tư trên, sân bay Long Thành trở thành dự án lớn nhất cả nước từ trước tới nay được triển khai ở Đồng Nai. Với công suất thiết kế phục vụ 100 triệu lượt hành khách và 25 triệu tấn hàng hóa mỗi năm, khi hoàn thành toàn bộ dự án, sân bay Long Thành sẽ là sân bay lớn nhất Việt Nam và là cảng hàng không trung chuyển lớn khu vực Đông Nam Á trong tương lai.

Đối với khu vực thực hiện dự án sân bay Long Thành, tính đến tháng 8, Đồng Nai đã hoàn thành thu hồi diện tích đất gần 4,900 ha, đạt hơn 98,2% tổng diện tích đất cần thu hồi. Đồng thời, tỉnh cũng đã hoàn thành bàn giao toàn bộ phần diện tích 2.532ha của dự án sân bay Long Thành giai đoạn 1 cho chủ đầu tư.

Với phần diện tích còn lại, các cơ quan liên quan cũng đang đẩy nhanh tiến độ hoàn thành các thủ tục.

Hậu trường cuộc di dân lớn nhất từ trước đến nay để làm sân bay Long Thành - 5

Người dân huyện Long Thành nhận tiền bồi thường giải phóng mặt bằng dự án sân bay Long Thành (Ảnh: Phước Tuần).

Ông Lê Văn Tiếp cho hay, đối với các trường hợp còn lại, địa phương dự kiến sẽ hoàn thành công tác thu hồi đất, giải phóng mặt bằng trong tháng 8. Đây cũng là mốc thời gian được địa phương đặt ra để hoàn thành công tác giải phóng mặt bằng phần diện tích hơn 126ha phục vụ dự án 2 tuyến giao thông kết nối sân bay Long Thành.

Phát biểu trong lễ bàn giao mặt bằng mới đây, Quyền Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Nai Võ Tấn Đức cho biết, dự án sân bay Long Thành là dự án quan trọng đặc biệt cấp quốc gia, thể hiện khát vọng, ý chí vươn lên mạnh mẽ của đất nước, có ý nghĩa to lớn đối với sự phát triển kinh tế, xã hội, quốc phòng, an ninh của cả nước, vùng kinh tế trọng điểm phía Nam nói chung và Đồng Nai nói riêng. Đây cũng là dự án nằm trong top 16 dự án sân bay được mong chờ nhất trên thế giới.

Tỉnh Đồng Nai nhận thức rõ tầm quan trọng của dự án đối với sự phát triển của quốc gia nói chung và của tỉnh nói riêng. Với trách nhiệm được giao thực hiện công tác giải phóng mặt bằng, Tỉnh ủy đã ban hành nghị quyết riêng chỉ đạo công tác triển khai dự án; UBND tỉnh đã thành lập Ban chỉ đạo, ban hành kế hoạch để phân công trách nhiệm cụ thể cho các đơn vị.

Hậu trường cuộc di dân lớn nhất từ trước đến nay để làm sân bay Long Thành - 6

Khu tái định cư Lộc An - Bình Sơn được đầu tư hiện đại, cơ sở hạ tầng khang trang (Ảnh: Hải Long).

Theo Quyền Chủ tịch UBND tỉnh Võ Tấn Đức, để hoàn thành dự án, không chỉ có sự nỗ lực, phấn đấu của hệ thống chính trị, sự cần mẫn của từng cán bộ làm công tác bồi thường, hỗ trợ, tái định cư mà còn có sự hy sinh to lớn của hàng ngàn hộ dân có đất bị thu hồi.

"Thay mặt Đảng bộ, chính quyền tỉnh tôi xin gửi lời cảm ơn chân thành và sâu sắc nhất đến từng hộ gia đình, cá nhân đã nhường tất cả đất đai của mình vì sự phát triển chung của đất nước", ông Đức chia sẻ.

Để lời cám ơn thêm ý nghĩa và thiết thực, Quyền Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Nai mong muốn huyện Long Thành quan tâm hơn đến công tác đào tạo nghề, giải quyết việc làm nhằm tạo sinh kế bền vững cho các hộ dân bị thu hồi đất.

Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng tỉnh tập trung tối đa thi công xây dựng các hạng mục, công trình còn lại để người dân tái định cư được hưởng thụ hạ tầng đồng bộ. Từ đó, cho thấy sự quan tâm của Đảng, Nhà nước và bù đắp phần nào sự hy sinh to lớn của người dân vì sự phát triển chung của đất nước.

Đã xử lý gần 2.000 đơn thư kiến nghị, khiếu nại

Ông Lê Văn Tiếp, chủ tịch UBND huyện Long Thành cho biết, tổng số tiền bồi thường đã được phê duyệt là hơn 14.300 tỷ đồng với gần 12.300 trường hợp. Đến nay, hội đồng bồi thường đã chi gần 14.000 tỷ đồng cho hơn 11.500 trường hợp, còn lại chưa đồng ý nhận tiền bồi thường.

Về bố trí tái định cư, ông Tiếp thông tin huyện đã xét duyệt được 5.624 hộ; đã xét duyệt tái định cư nhưng không đủ điều kiện là 1.001 hộ; còn lại 285 hộ, địa phương đang tổng hợp các khó khăn, vướng mắc để xử lý theo quy định.

Huyện cũng đã bố trí tái định cư 4.082 hộ; 129 hộ đang rà soát tiếp tục hoàn chỉnh hồ sơ để tổ chức bốc thăm; 28 hộ đã thông qua hội đồng bồi thường, chưa phê duyệt do chưa phê duyệt phương án bồi thường, hỗ trợ.