Hà Nội tính cần 1 triệu tỷ đồng để phát triển đường sắt đô thị

Hoài Thu

(Dân trí) - Các quy định trong dự thảo Luật Thủ đô sửa đổi được kỳ vọng giúp Hà Nội huy động nguồn lực đầu tư từ vốn vay để tập trung phát triển các dự án quan trọng, trong đó có đường sắt đô thị.

Sáng 27/11, Quốc hội sẽ thảo luận tại hội trường về dự án Luật Thủ đô sửa đổi. Dự thảo Luật gồm 7 chương, 59 điều, dự kiến được Quốc hội xem xét, thông qua tại kỳ họp giữa năm 2024.

Vay vốn làm đường sắt đô thị sẽ được cân nhắc kỹ lưỡng

Trong báo cáo gửi các đại biểu Quốc hội giải trình bước đầu về ý kiến thảo luận tại tổ hôm 10/11, Bộ trưởng Tư pháp Lê Thành Long cho biết liên quan cơ chế tài chính, ngân sách cho Thủ đô, đại biểu Quốc hội tán thành với nhiều nội dung liên quan đến lĩnh vực tài chính, ngân sách tại dự thảo Luật.

Bên cạnh đó, một số ý kiến đề nghị bổ sung chính sách thu của thành phố Hà Nội để tạo nguồn lực; quy định mức trần nợ vay của Thành phố (tương tự TPHCM), cho phép Thành phố phát hành trái phiếu quốc tế.

Hà Nội tính cần 1 triệu tỷ đồng để phát triển đường sắt đô thị - 1

Đoạn trên cao tuyến đường sắt đô thị Nhổn - ga Hà Nội dự kiến được khai thác vào cuối năm 2023 (Ảnh: Quân Đỗ).

Đại diện cơ quan chủ trì soạn thảo Luật, Bộ trưởng Tư pháp nêu rõ dự thảo Luật quy định dư nợ vay của Hà Nội không phụ thuộc vào hạn mức trần, tổng mức vay và bội chi ngân sách thành phố hàng năm do Quốc hội quyết định, Thủ tướng giao.

Theo Bộ trưởng Lê Thành Long, quy định này nhằm giúp thành phố có thể huy động được nguồn lực đầu tư từ vốn vay để tập trung phát triển các dự án quan trọng.

Đặc biệt, trong thời gian tới, Hà Nội đẩy mạnh phát triển các tuyến đường sắt đô thị, nhu cầu về vốn có thể lên đến 1 triệu tỷ đồng và xa hơn là mục tiêu phát triển kết nối đường sắt đô thị đến các đô thị trong Vùng Thủ đô.

Quy định trong dự thảo Luật, Bộ trưởng Long cho rằng có thể giúp Hà Nội triển khai nhanh, làm đồng bộ về mặt hạ tầng, tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật, tránh tình trạng manh mún, chậm tiến độ do phụ thuộc vào nguồn vốn, không đồng bộ về kỹ thuật như hiện nay tại các dự án đã triển khai theo hình thức vay ODA và vốn từ ngân sách.

"Việc vay vốn sẽ được thành phố cân nhắc kỹ, xây dựng rõ ràng, khả thi về phương án, báo cáo trình Quốc hội và Chính phủ quyết định", ông Long khẳng định việc này vẫn bảo đảm sự kiểm soát đối với nợ công quốc gia của Trung ương.

Bộ trưởng Tư pháp cho hay cơ quan chủ trì soạn thảo sẽ tiếp tục rà soát, nghiên cứu để bảo đảm việc thực hiện được thuận lợi, như có thể xác định khoản được giữ lại cho ngân sách; thời hạn tạm ứng từ Quỹ dự trữ tài chính…).

Ông cũng kỳ vọng quy định về việc này tạo được cơ chế giúp Hà Nội có thêm nguồn lực để phục vụ nhiệm vụ trọng điểm, cụ thể do thành phố đề xuất, trong đó có cả việc chi cho di dời, hỗ trợ di dời các cơ quan, đơn vị, cơ sở của Trung ương và thành phố theo quy hoạch…

Thu hút thêm nguồn vốn, giảm bớt áp lực cho ngân sách

Về huy động nguồn lực đầu tư, Bộ trưởng Lê Thành Long cho biết có ý kiến đề nghị cân nhắc việc cho phép thanh toán hợp đồng BT bằng quỹ đất; quy định cụ thể lĩnh vực được thực hiện hợp đồng BT.

Cơ quan soạn thảo lý giải trước khi Luật PPP được ban hành, Hà Nội đã triển khai các dự án đầu tư theo hình thức hợp đồng BT thanh toán bằng quỹ đất và thanh toán bằng tiền (có 11 dự án đã hoàn thành và 6 dự án đang triển khai thực hiện).

Hà Nội tính cần 1 triệu tỷ đồng để phát triển đường sắt đô thị - 2

Dự thảo Luật Thủ đô sẽ xác định rõ những lĩnh vực, điều kiện triển khai theo hình thức BT ở Hà Nội (Ảnh minh họa: Hà Phong).

Nhưng khi Luật PPP có hiệu lực, thành phố phải thông báo dừng triển khai 82 dự án đầu tư theo hợp đồng BT. Các dự án này chủ yếu là các dự án xây dựng đường giao thông, hệ thống xử lý rác thải, xử lý và tiêu thoát nước thải, cải tạo sông, rạch…

"Nếu các dự án này sớm được thực hiện theo hợp đồng BT, sẽ có tác động to lớn tới sự phát triển kinh tế - xã hội của Thủ đô, huy động được nguồn lực tư nhân, giúp giảm áp lực về vốn đầu tư công với các dự án chưa thu xếp được vốn ngân sách Nhà nước", theo Bộ trưởng Tư pháp.

Ông cho biết Quy hoạch giao thông vận tải Thủ đô nêu rõ, Hà Nội dự kiến xây dựng mới đến năm 2045 là 593km đường giao thông trong đô thị trung tâm, diện tích thu hồi vùng phụ cận ước tính 5.930ha; 368km đường giao thông tại các đô thị vệ tinh, tổng diện tích đất thu hồi vùng phụ cận ước tính khoảng 3.680 ha.

Số đường giao thông thành phố dự kiến mở rộng đến năm 2045 có tổng chiều dài 217km; tổng diện tích đất thu hồi vùng phụ cận 2.170ha.

"Với mục tiêu đặt ra, Hà Nội cần có giải pháp để thu hút thêm nguồn vốn xã hội cùng tham gia đầu tư, giảm bớt áp lực cho ngân sách của thành phố", ông Long nêu rõ.

Ông khẳng định cơ quan chủ trì soạn thảo sẽ nghiên cứu chỉnh lý các quy định về hợp đồng BT, xác định rõ những lĩnh vực, điều kiện triển khai theo hình thức BT, đặc biệt là quy định về thanh toán BT bằng quỹ đất và tài sản công một cách phù hợp.