GS Phạm Minh Hạc: Nếu mình trong sáng thì họ sẽ ủng hộ

(Dân trí) - Dự án Công viên Văn Miếu tiến sĩ Việt Nam đương đại hiện vẫn còn nhiều điều để bàn luận. Nhưng GS Phạm Minh Hạc, Chủ tịch Hội đồng Cố vấn Dự án cho rằng nó không còn ở trên giấy mà đã có những bước hiện thực, nên có nhiều cơ sở để... tin.

Tiến sĩ giả sẽ trả lại

Với tư cách Chủ tịch Hội đồng Cố vấn Dự án Trung tâm nghiên cứu bảo tồn di sản tiến sĩ, ông mong đợi gì ở Dự án này?

Có thể nói, Dự án này rất mới mẻ ở nước ta. Từ trước tới nay, chưa ai đứng ra nghiên cứu xem các tiến sĩ, các nhà khoa học Việt Nam thời nay (tính từ thời Việt Nam dân chủ cộng hoà) hình thành như thế nào. Chúng ta chỉ tạm ước tính có khoảng 16.000 tiến sĩ nhưng họ là những ai, trở thành tiến sĩ bằng con đường nào, cống hiến của họ đối với công cuộc bảo vệ và xây dựng đất nước ra sao thì không có tài liệu nào lưu giữ.

Lần đầu tiên, một tổ chức tư nhân (Công ty Công nghệ Xét nghiệm Y học Medlatec) đứng ra thành lập một Trung tâm nghiên cứu bảo tồn di sản tiến sĩ Việt Nam trong đó có Công viên Văn Miếu tiến sĩ Việt Nam đương đại. Tôi mong mỏi là trước hết Trung tâm này ra đời thực sự, công viên Văn Miếu tiến sĩ Việt Nam đương đại sẽ thành hình.

Như ông nói, hiện tại Việt Nam có khoảng 1,6 vạn tiến sĩ và mới đây Bộ Giáo dục và Đào tạo có kế hoạch đào tạo 2 vạn tiến sĩ. Vậy công viên Văn Miếu đương đại sẽ dang tay thu thập di sản của tất cả các tiến sĩ?

Về mục tiêu chung thì đúng như vậy. Tức là tất cả những người đã là tiến sĩ và nhà khoa học đều có thể được thu thập và bảo tồn gìn giữ ở trung tâm này. Tuy nhiên, như chúng ta vừa nói số lượng quá lớn nên Hội đồng Cố vấn vừa qua cũng đề xuất, phải xây dựng tiêu chí và phải có lộ trình.

Tôi ví dụ thế này, cách đây 8 năm, có một nhóm tư nhân và một nhà xuất bản đứng ra làm danh sách tiến sĩ Việt Nam thì họ chỉ ra đến tập 2 rồi... thôi. Nói như vậy để thấy công việc của chúng tôi cũng rất khó, phải có cách làm thích hợp mới làm được.

Những TS nào được quan tâm đầu tiên?

Cái tiêu chí đó cũng chưa xây dựng, chuẩn hóa thành văn bản được. Hiện có những ý kiến cho rằng, có thể lấy những công trình, những đóng góp của các tiến sĩ đối với khoa học, giáo dục, văn hóa ở trong nước và nước ngoài. Cũng có ý kiến cho rằng phải "ưu ái" những người cao tuổi trước vì lo ngại những người này theo qui luật thiên nhiên sẽ không còn thời giờ để nói lại sự nghiệp của mình. Nhưng đã có Trung tâm này thì bất cứ TS nào gửi đến đều phải lưu giữ và bảo tồn cả. Tức là mình có tiêu chí, nhưng người ta tự nguyện thì ở ngoài tiêu chí cũng phải chấp nhận.

Nếu như tiến sĩ nào gửi các tài liệu, công trình đến cũng được chấp nhận thì nhiều người sẽ hình dung rằng, có sự "bình đẳng" giữa tiến sĩ thật và tiến sĩ giấy, tiến sĩ dởm?

Hội đồng Cố vấn cũng nêu ra là trong thực tế, tiến sĩ dởm, tiến sĩ mua (sang nước khác mua với một số tiền nào đó) thì sao. Nhưng vấn đề này chúng tôi cũng chưa đi đến quyết định cụ thể nào. Chỉ có điều, người ta tự nguyện gửi đến thì mình tiếp nhận, nhưng xác minh bằng đó là bằng giả thì sẽ trả lại. Còn với những trường hợp bằng thật, học giả, quả thật việc xác định được là rất phức tạp...

Chưa tính đến việc mua...

Việc bảo tồn các di sản trước đây thường do Nhà nước thực hiện, nhưng lần này lại do tư nhân đảm nhận. Có thể các tiến sĩ, người thân của họ sẽ e ngại khi gửi các di sản vào đây?

Cái này tôi không thể nói thay người khác được, nhưng dư luận ban đầu chưa có ai phản đối, chỉ có những người hưởng ứng, ủng hộ. Họ thấy rằng, một trung tâm ra đời không phải để vụ lợi, kiếm lời mà ra đời từ cái tâm đóng góp vào việc tôn vinh các nhà khoa học và các vị tiến sĩ, tức là tiếp nối truyền thống hiếu học của dân tộc ta, phát huy truyền thông đó, động viên các nhà khoa học.

Người ta thấy việc làm rất chính đáng, động cơ rất trong sáng thì người ta tin tưởng. Thế còn người ta tin, ủng hộ nhiều hay ít phụ thuộc vào chính việc làm của Trung tâm có đúng đắn không, động cơ có trong sáng không, có tác dụng tốt đẹp với xã hội... Nếu mình làm chính đáng, trong sạch, trong sáng thì người ta ủng hộ, người ta hưởng ứng.

Có những người nghĩ đến tình huống, các tài liệu, di sản của các nhà khoa học gửi vào đó có thể bị mất, thậm chí những người hay hoài nghi còn lo ngại sẽ bị bán đi thì sao?

Trung tâm và công viên sẽ có điều lệ, cộng với mục đích, động cơ, sứ mệnh như trên tôi nói thì chắc chắn không có chuyện bán. Nhưng vấn đề bảo tồn sao để không mất là công việc phải tính toán. Ví như thiên tai, hoả hoạn chẳng hạn, không thể biết trước có xảy ra không, dù đề phòng là việc bắt buộc phải chú trọng.

Công viên Văn Miếu đương đại sẽ được xây dựng trên tinh thần tự nguyện đóng góp tài liệu, công trình của các tiến sĩ và gia đình họ. Nhưng nếu họ không tặng mà có ý định bán thì sao?

Trong các tài liệu chúng tôi đã xây dựng thì chưa nói đến việc mua bán. Về vấn đề tài chính, tôi cũng không nắm được nhiều và đó là việc của cả tập thể Hội đồng Cố vấn, Ban Giám đốc và HĐQT nữa. Tuy nhiên, theo tôi khi có tình huống xảy ra như vậy thì sẽ phải bàn bạc tìm cách giải quyết thôi.

Cho đến lúc này đã có những nhà khoa học tên tuổi nào tham gia đóng góp những tài liệu, kỉ vật cho dự án?

Những người đóng góp kỉ vật trong ngày ra mắt dự án hầu hết là những người có tên tuổi, nhà khoa học đầu ngành hiện nay cả, ví như TS. Đào Thế Tuấn (GS.Viện sỹ, đạt giải thưởng Hồ Chí Minh), nữ dược sĩ Phạm Trương Thị Thọ với việc làm ra nhiều loại thuốc mới ở Việt Nam đã bảo vệ học vị tiến sĩ và được phong giáo sư...

Được biết một số giáo sư rất nổi tiếng ở nước ta lại chưa sẵn sàng với những dự án này?

Từng cá nhân mỗi người thì tôi không biết. Nhưng những người ủng hộ, gửi kỷ vật cho Trung tâm vừa qua đều là người có tên tuổi ở nước ta hiện nay.

Cái gì có thật thì dễ tin

Liệu sau này Công viên sẽ mang những đặc tính của một bảo tàng sống động để mọi người đến thăm hay sẽ trở thành một kho tư liệu?

Dự án Trung tâm nghiên cứu, bảo tồn di sản tiến sĩ như đã trình bày ở Văn Miếu trong ngày ra mắt thì sẽ có khu lưu giữ, tức là bảo tồn, có trưng bày và trong 2-3 năm tới sẽ có cuộc trưng bày thử ở Hà Nội. Còn Công viên sẽ thường xuyên có phòng trưng bày và đồng thời theo cách tổ chức của bảo tàng, sẽ có những buổi trưng bày theo chuyên đề, trưng bày vào các lễ kỷ niệm lớn. Như vậy, 2 phần, bảo tồn và bảo tàng chắc chắn sẽ có trong Công viên này.

Nhưng nhiều người cho rằng, hoạt động bảo tồn, bảo tàng vốn không đơn giản để thu hút mọi người, ngay cả khi đặt tại Hà Nội. Vậy mà Dự án này lại ngự mãi trên Hoà Bình thì có quá kén khách?

Bản thân tôi lúc đầu cũng nghĩ làm trên Mai Châu là hơi xa, từ Hà Nội lên tới 90km. Tôi nghĩ, giá như làm ở Lương Sơn, chỉ cách đây chừng 30-40km, đi xe hết khoảng 1 giờ đồng hồ thì hợp lý hơn. Tôi đã trao đổi lại với anh em ở Trung tâm và được nói lại là vấn đề này không đáng lo lắm vì Quốc lộ 6 ngày càng được nâng cấp, đi lại sẽ thuận lợi. Trung tâm phát triển cũng có cả nơi nghiên cứu, phần nghỉ ngơi, chăm sóc sức khoẻ...

Thông thường hoạt động của một công ty, một đơn vị tư nhân thường phải hướng tới lợi nhuận. Vậy nhìn vào dự án này, có thể thấy "lời lãi" ở chỗ nào?

Hiện tại đây là một dự án hoàn toàn phi lợi nhuận. Công ty Xét nghiệm Y học Medlatec lo hoàn toàn chi phí.

Nhưng xét về lâu dài, vấn đề kinh phí hoạt động của dự án là điều đáng lo?

Trung tâm Medlatec bỏ tiền ra ban đầu và họ có cả một chương trình xây dựng từ nay tới 2010, rồi từ 2011 đến 2020 và nói rõ kinh phí hàng năm, kế hoạch 2 năm, 3 năm đều có dự toán kinh phí cả. Hiện tại, chưa thấy lãnh đạo của Medlatec tỏ ý lo lắng về vấn đề ngân sách, tức là có thể có tiền tương ứng với công việc.

Không đặt vấn đề lợi nhuận, nhưng xét ở khía cạnh "lãi" về mặt ý nghĩa hay lãi về khoa học sẽ thế nào?

Cần động viên các nhà khoa học nhiều hơn, tôn vinh xứng đáng hơn để khuyến khích người ta đi vào khoa học. Không chỉ các nhà khoa học, các công trình khoa học được đề cao mà toàn dân phải có một ý thức khoa học. Trung tâm và công viên này ra đời sẽ ủng hộ cho sự nghiệp khoa học đó, phù hợp với xu thế phát triển, tiến bộ của đất nước.

Dù được "gửi gắm" nhiều ý nghĩa, nhưng nhiều người vẫn nhìn nhận về sự " mạo hiểm" của dự án. Ông có thực sự tin ở sự thành công của Dự án?

Đến giờ Dự án đã có đất đai với 20hecta và đã có nhà điều hành ở đó, nghĩa là không chỉ trên giấy mà thực tế đã có những bước hiện thực nhất định. Mà cái gì có thật thì mình dễ tin. Người ta thường nói "vạn sự khởi đầu nan" thì việc khởi đầu này đã có cho cái vạn sự rồi.

Xin cảm ơn ông!

Cấn Cường - Phương Thảo
(Thực hiện)