Giáo sư Hoàng Chí Bảo kể về những căn dặn của Bác Hồ đối với người làm báo

Thế Hưng

(Dân trí) - Dành cả đời nghiên cứu, tìm hiểu về Chủ tịch Hồ Chí Minh, GS.TS Hoàng Chí Bảo, nguyên Ủy viên Hội đồng Lý luận Trung ương đã truyền cảm hứng về lối sống và phong cách của Người.

Bác Hồ căn dặn đối với người làm báo

Trong buổi trò chuyện với báo Dân trí về học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phóng cách Hồ Chí Minh diễn ra mới đây, GS.TS Hoàng Chí Bảo đã truyền tải những câu chuyện về quãng thời gian Bác làm báo, cũng như kinh nghiệm viết hàng nghìn bài báo quốc tế và trong nước của Người.

Giáo sư Hoàng Chí Bảo kể về những căn dặn của Bác Hồ đối với người làm báo - 1

GS.TS Hoàng Chí Bảo, nguyên Ủy viên Hội đồng Lý luận Trung ương trò chuyện với báo Dân trí về học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh (Ảnh: Mạnh Quân).

Theo đó, GS.TS Hoàng Chí Bảo chia sẻ, Bác Hồ là nhà trí thức lớn của dân tộc. Đối với nghề báo, Bác Hồ nói rằng: "Nhiệm vụ của nhà báo là phò chính trừ tà". Câu nói của Bác có nghĩa là nhà báo luôn phải tôn trọng sự thật, bảo vệ chân lý, đấu tranh chống lại cái xấu, cái ác.

Những tinh hoa trong nghề báo của Bác Hồ được tổng hợp trong cuốn "Nghệ thuật trả lời phỏng vấn của Hồ Chí Minh". 

Trong cuốn sách đó, phóng viên đã từng hỏi: "Bác yêu điều gì nhất?", Bác chỉ trả lời rằng, Bác yêu điều thiện và ghét điều ác. Phóng viên lại hỏi: "Người sợ điều gì nhất?" thì Bác trả lời: "Người cách mạng chúng tôi không sợ bất cứ điều gì".

Điều Bác mong muốn nhất chính là hòa bình cho Việt Nam, Đông Dương và cho toàn thế giới. Đó là phong cách trả lời báo chí của Bác, bởi Bác cũng là một nhà báo, ông Bảo kể.

Trong suốt cuộc đời, Bác Hồ đã viết khoảng 2.000 bài báo bằng cả tiếng Việt và tiếng nước ngoài. Bác viết báo bằng chính những ngôn ngữ Bác tự học. Dù vậy, Bác vẫn làm chủ được rất nhiều ngoại ngữ. "Bác Hồ dường như không có rào cản về ngôn ngữ khi tiếp xúc với bạn bè quốc tế", GS Bảo nói.

Với từng đó bài viết, vị GS này khẳng định Bác Hồ là một nhà báo lỗi lạc. Bác viết báo bằng tiếng nước ngoài rồi mới viết bằng tiếng Việt. Trước đây, Bác rất biết ơn những người thợ ở nhà in của tòa soạn đã dạy Bác viết báo tiếng Pháp, dù chỉ ngắn ngủi 3 dòng nhưng từ đó, Bác mới viết các bài báo dài.

"Bác Hồ có một thói quen khi viết báo là luôn viết thành 2 bản. Một bản Bác gửi đi và một bản giữ lại để đối chiếu mỗi khi báo xuất bản để xem mình mắc lỗi nào, họ sửa thế nào?", ông Bảo nói thêm, về tư tưởng, Bác Hồ luôn nói, với nhà báo trang giấy, ngòi bút là vũ khí. Nhà báo cũng là chiến sĩ, sứ mệnh nhà báo là "phò chính trừ tà".

Bác Hồ đã tổng kết rằng, thực hành sinh ra hiểu biết, hiểu biết tiến lên lý luận, lý luận lãnh đạo thực hành.

Bác không chỉ dạy về tư tưởng, phong cách làm báo mà còn dạy về phương pháp làm báo. Khi nhà báo xin bác kinh nghiệm viết ngắn gọn, Bác đáp: "Bác chẳng có kinh nghiệm gì đâu. Các cháu cứ chịu khó làm việc, tự việc làm sẽ đẻ ra kinh nghiệm".

Từ những chia sẻ giản dị đó, ông Bảo cũng lưu ý, báo chí viết bài về Bác làm sao lột tả được những ngôn ngữ bình dân nhưng trí tuệ của Bác. Giản dị là nỗ lực cao nhất của bậc thiên tài, giản dị là cái lõi của trí tuệ. Bác Hồ là như vậy.

Với tư cách là một người nghiên cứu, một người giảng dạy, ông Hoàng Chí Bảo học Bác ở suy nghĩ, ở cách viết, ở cách thể hiện.

Ông Bảo nói: "Bác dạy chúng ta là trước khi viết, nói về cái gì phải đặt cho mình câu hỏi: Viết về cái gì? - gọi là đề tài; Nói và viết để làm gì? - gọi là mục đích; Nói và viết cho ai? - gọi là đối tượng phục vụ; Nói và viết như thế nào? - kết cục của logic. Bác chủ trương nói ít, làm nhiều, chủ yếu là hành động, có làm được thì hãy nói, mà đã nói thì phải làm".

Trong một cuộc phỏng vấn trước khi Bác mất 2 tháng, ngày 14/7/1969, nhà báo nữ người Cuba Marta Rojas đã hỏi Bác rằng: "Trong cuộc đời Chủ tịch đâu là điều thiêng liêng nhất".

Bác vẫn dành toàn tâm toàn ý cho dân tộc mà trả lời rằng: "Tôi hiến cả cuộc đời cho dân tộc, cho nhân dân tôi. Ở Việt Nam, mỗi người có một nỗi khổ riêng, mỗi gia đình có một nỗi đau riêng. Cộng tất cả nỗi đau đó lại thành chính nỗi khổ đau của bản thân tôi". Đồng thời, Bác giải thích thêm với nữ nhà báo, ở miền Nam, Bác không phải Chủ tịch Hồ Chí Minh mà là Bác Hồ.

TS Hoàng Chí Bảo cho rằng, đây là một sự vĩ đại, một sự cao thượng của Bác.

Sau buổi trả lời đó, ngày hôm sau (15/7/1969), Bác trả lời phỏng vấn của GS sử học Pháp Sác-lơ-Phuốc-ni-ô, đây cũng là buổi tiếp khách cuối cùng của Bác trước khi mất.

Cán bộ phải gương mẫu, gần dân

Ông Bảo cho biết, học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh phải chú ý học Bác về sự gần gũi của Bác đối với nhân dân.

Ông Bảo kể, trong một lần về Thái Bình, Tỉnh ủy mang đến tặng Bác mấy cân gạo tẻ và mấy cân gạo nếp đựng trong cái túi nhỏ, như để khoe đặc sản địa phương, nhưng Bác lấy lại lấy tiền để trả. Thấy vậy, Bí thư Tỉnh ủy Thái Bình lúc đó đã ngăn lại, nhưng Bác bảo rằng: "Bác nhận cho anh em vui thôi. Các chú ở Tỉnh ủy cũng làm được gạo à? Bác tưởng Bác và các chú suốt đời ăn gạo của dân. Bác trả tiền cho dân chứ đâu trả cho các chú. Không nhận tiền của Bác mà bắt Bác mang gạo về thì khác nào tham ô?".

GS Hoàng Chí Bảo nhận định, một câu nói thôi đã cho thấy ý nghĩa giáo dục đạo đức Hồ Chí Minh lớn thế nào.

Nhớ lại bức thư Bác gửi lại cho đồng bào đã có thư chúc mừng sinh nhật Bác, ông Bảo kể, Bác đã nói: "Tôi mới 56 tuổi, chưa đến tuổi để đồng bào chúc thọ. Chỉ vì một số nhà báo nói ra mà bận tâm đến đồng bào. Đồng bào cho tôi nhiều hoa, nhiều bánh, nhiều quà, tôi biết lấy gì đền đáp. Tôi chỉ có một lòng, một dạ phục vụ đồng bào.

Từ trước đến giờ tôi đã là người của đồng bào thì từ giờ về sau mãi mãi vẫn là người của đồng bào. Hồ Chí Minh là một phần không chia cắt của dân tộc chúng ta, nhân dân ta. Hồ Chí Minh nói những điều nhân dân nghĩ, nhân dân muốn nói, làm những điều nhân dân muốn hành động".

Năm 1958, Bác làm việc tại Yên Bái có hỏi cán bộ lãnh đạo tỉnh này từ những cái rất nhỏ rằng: "Yên Bái bây giờ đã tự túc được lương thực chưa hay vẫn nhờ chi viện của Trung ương bao nhiêu tấn gạo? Yên Bái đã đủ dầu hỏa cho các bản làng thắp chưa? Yên Bái có đủ muối i-ốt cho phụ nữ chữa bệnh bướu cổ không? Yên Bái có đủ chỉ màu cho chị em thuê váy áo không?".

Bác hỏi những chuyện chi tiết như vậy khiến Bí thư Tỉnh ủy Yên Bái lúc đó bối rối lật sổ tay tìm kiếm liên tục. Bác nói: "Chú mở từ điển cho bác xem đấy à. Chú làm lãnh đạo những điều này phải nằm lòng rồi chứ".

GS Hoàng Chí Bảo kể thêm, trong một lần Bí thư Tỉnh ủy Hà Tây đi tháp tùng Bác đến tỉnh làm việc nhưng Bác lại bảo đi ra đồng tát nước. Bí thư Tỉnh ủy vào tát nước cùng Bác nhưng do không biết làm khiến nước bắn tung tóe lên cả râu lẫn tóc Bác.

Giáo sư Hoàng Chí Bảo kể về những căn dặn của Bác Hồ đối với người làm báo - 2

Buổi học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh (Ảnh: Mạnh Quân).

Bác hỏi: "Chú chưa tát nước bao giờ à? Không sao cả, chưa biết thì rồi sẽ biết nhưng chú làm Bí thư một tỉnh nông nghiệp, không biết tát nước thì làm sao vào với nhân dân được".

Phong cách quần chúng giản dị của Bác là điều mà GS Hoàng Chí Bảo khuyên mỗi cán bộ phải học tập không ngừng, người cán bộ phải gương mẫu, phải gần dân. Trước đây, Bác Hồ đã từng nói: "Muốn có Dân sinh thì phải nâng cao dân trí, thực hiện dân quyền để phát huy dân chủ. Tất cả xoay quanh chữ dân", ông Bảo nhấn mạnh.

Ảnh: Mạnh Quân