Sóc Trăng:

Đồng bào dân tộc Khmer háo hức chờ đón "Ngày hội non sông"

Cao Xuân Lương

(Dân trí) - Cùng với cả nước, những ngày này không khí "Ngày hội non sông" ở Sóc Trăng, đặc biệt vùng có đông đồng bào dân tộc Khmer sinh sống đang náo nức, rộn ràng.

Ngày 21/5, ông Nguyễn Văn Khởi, Phó Chủ tịch Ủy ban bầu cử tỉnh Sóc Trăng, cho biết toàn tỉnh có hơn 972.300 cử tri, với 1.260 khu vực bầu cử. Tính đến thời điểm hiện tại, công tác chuẩn bị cho bầu cử đã cơ bản hoàn thành, sẵn sàng cho ngày hội lớn của đất nước.

Danh sách cử tri đã được niêm yết từ nhiều ngày trước. Tuy nhiên, các địa phương vẫn đang tiếp tục rà soát, cập nhật để chốt danh sách cử tri trước 24 giờ của ngày bầu cử chính thức (23/5) theo quy định.

Đồng bào dân tộc Khmer háo hức chờ đón Ngày hội non sông - 1

Người dân Khmer ở Sóc Trăng háo hức xem danh sách các ứng cử viên tại địa phương mình.

Ghi nhận của phóng viên tại xã Phú Tân (huyện Châu Thành), địa phương có hơn 80% đồng bào dân tộc Khmer sinh sống, không khí bầu cử đang tưng bừng với cờ, hoa, băng rôn, khẩu hiệu, tranh cổ động, loa tuyên truyền... hướng về ngày 23/5.

Bà Dương Thùy Trang, Bí thư Đảng ủy xã Phú Tân, cho biết toàn xã có 12 tổ bầu cử, hơn 11.600 cử tri. Do là địa phương có đông đồng bào Khmer nên hệ thống phát thanh tuyên truyền luôn sử dụng bằng 2 ngôn ngữ Việt và Khmer. Bên cạnh đó là thông qua Ban quản trị các chùa, sư sãi, người uy tín... để tuyên truyền bầu cử đến tận nhà người dân.

Ông La Thông (68 tuổi, dân tộc Khmer) nói: "Dù đã có tuổi nhưng từ trước nay tôi chưa bao giờ bỏ qua lần bầu cử nào. 5 năm mới có một lần, bận cỡ nào cũng phải đi vì đây là quyền, nghĩa vụ của mình".

Đồng bào dân tộc Khmer háo hức chờ đón Ngày hội non sông - 2

Cờ, hoa, băng rôn về bầu cử được treo ở khắp các địa phương có đông đồng bào Khmer sinh sống.

Để đảm bảo điều kiện cho các cử tri bầu cử thuận tiện, nhiều địa phương có đông đồng bào dân tộc Khmer sinh sống đã chủ động phối hợp với Ban quản trị các chùa sử dụng khu vực sala (giảng đường) để làm điểm bầu cử. Cử tri dù ở tận các phum sóc cũng đến được điểm bầu cử dễ dàng và chọn cho mình những đại biểu xứng đáng nhất.

Đồng bào dân tộc Khmer háo hức chờ đón Ngày hội non sông - 3

Các nhà sư người dân tộc Khmer xem tiểu sử ứng cử viên được dán ở ngay trong chùa.

Ở xã Tân Hưng (huyện Long Phú) có hơn 60% cử tri là người dân tộc Khmer. Ông Lê Thanh Phương, Bí thư Đảng ủy xã, cho biết xã có 7 tổ bầu cử với 10 điểm bỏ phiếu. Ở mỗi điểm bầu cử đều bố trí một thành viên bầu cử biết giao tiếp tiếng dân tộc để giải đáp kịp thời các câu hỏi của cử tri.

Đồng bào dân tộc Khmer háo hức chờ đón Ngày hội non sông - 4

Công tác phòng, chống dịch Covid-19 được triển khai quyết liệt tại các chùa, đảm bảo an toàn cho cử tri đi bầu cử.

Đến chiều ngày 21/5, toàn tỉnh Sóc Trăng đã triển khai phun khử khuẩn tại tất cả các điểm bầu cử, đảm bảo các giải pháp phòng, chống dịch Covid-19 an toàn, hiệu quả.

Dòng sự kiện: Bầu cử Quốc hội