Đảng viên bị cách chức oan sẽ được xin lỗi công khai, phục hồi chức vụ

Hoài Thu

(Dân trí) - "Nếu đảng viên bị kỷ luật cách chức hoặc cho thôi chức, từ chức, miễn nhiệm, tổ chức đảng có thẩm quyền sẽ xem xét phục chức hoặc bố trí vị trí công tác tương đương", theo quy định của Bộ Chính trị.

Thường trực Ban Bí thư kiêm Trưởng ban Tổ chức Trung ương Trương Thị Mai vừa thay mặt Bộ Chính trị ký ban hành Quy định số 117 về xin lỗi và phục hồi quyền lợi của tổ chức đảng, đảng viên bị kỷ luật oan.

Văn bản này quy định về nguyên tắc, trách nhiệm, trình tự, thủ tục xin lỗi và phục hồi quyền lợi của tổ chức đảng, đảng viên bị kỷ luật oan.

Nguyên tắc của việc xin lỗi và phục hồi quyền lợi đối với tổ chức đảng, đảng viên bị kỷ luật oan, theo Bộ Chính trị, phải kịp thời, công khai, khách quan. Việc này chỉ thực hiện một lần khi có kết luận hoặc quyết định của cấp có thẩm quyền xác định kỷ luật oan.

Nếu bị khai trừ Đảng oan sẽ được phục hồi đảng tịch

Bên cạnh việc bãi bỏ, thu hồi quyết định kỷ luật oan, Bộ Chính trị yêu cầu xem xét trách nhiệm của tổ chức đảng, đảng viên tham mưu, quyết định kỷ luật oan.

Nếu đảng viên bị kỷ luật oan đã qua đời, tổ chức đảng quyết định kỷ luật oan tổ chức xin lỗi đối với thân nhân đảng viên.

Đảng viên bị cách chức oan sẽ được xin lỗi công khai, phục hồi chức vụ - 1

Thường trực Ban Bí thư Trương Thị Mai (Ảnh: TTXVN).

Ngoài ra, Bộ Chính trị quy định tổ chức đã quyết định kỷ luật oan công bố nội dung xin lỗi gửi các tổ chức đảng trực thuộc; đăng công khai trên báo chí của địa phương, trang thông tin điện tử (nếu có) của cấp ủy cơ quan, đơn vị nơi tổ chức đảng, đảng viên đã bị kỷ luật oan, nơi đang cư trú hoặc làm việc.

Liên quan việc phục hồi quyền lợi với tổ chức đảng bị kỷ luật khiển trách, cảnh cáo oan, Bộ Chính trị nêu rõ tổ chức đảng có thẩm quyền chỉ đạo xem xét lại việc đánh giá phân loại hàng năm và nhiệm kỳ; xem xét việc xếp loại danh hiệu thi đua, hình thức khen thưởng định kỳ, đột xuất (nếu có).

Nếu tổ chức đảng bị kỷ luật giải tán, tổ chức đảng có thẩm quyền chỉ đạo việc thành lập lại, chỉ định nhân sự cấp ủy lâm thời, chỉ đạo việc tổ chức đại hội cấp ủy theo quy định (nếu đủ điều kiện).

Với đảng viên bị kỷ luật khiển trách, cảnh cáo oan sẽ được phục hồi lại các quyền lợi bị ảnh hưởng (nhận xét, đánh giá, điều kiện quy hoạch, bổ nhiệm, nâng lương, khen thưởng…).

Nếu đảng viên bị kỷ luật cách chức hoặc cho thôi giữ chức vụ, từ chức, miễn nhiệm, tổ chức đảng có thẩm quyền căn cứ tiêu chuẩn, điều kiện, tình hình thực tế của cơ quan, địa phương, đơn vị để xem xét phục hồi chức vụ hoặc bố trí vào vị trí công tác, chức vụ tương đương.

Trường hợp đảng viên bị kỷ luật khai trừ hoặc đã ra khỏi Đảng sẽ được phục hồi đảng tịch, phục hồi quyền đảng viên hoặc công nhận là đảng viên (nếu cá nhân có đơn).

Tổ chức đảng, cơ quan có thẩm quyền cũng phải giải quyết, phục hồi quyền lợi hợp pháp cho đảng viên trong việc cử đi học tập, đào tạo, bồi dưỡng, bổ sung quy hoạch, giới thiệu ứng cử, đề cử, bổ nhiệm, tiền lương theo ngạch, bậc, chức vụ, chức danh và phụ cấp lương (nếu có); phong, xét tặng hoặc truy tặng danh hiệu thi đua, khen thưởng.

Thu hồi, bãi bỏ quyết định kỷ luật oan

Theo quy định của Bộ Chính trị, trong thời hạn 90 ngày (tính từ ngày cấp có thẩm quyền ban hành kết luận hoặc quyết định xác định tổ chức đảng, đảng viên bị kỷ luật oan), tổ chức đảng đã kỷ luật oan, các tổ chức, cá nhân liên quan thực hiện xin lỗi và phục hồi quyền lợi.

Về trình tự, thủ tục, Bộ Chính trị quy định ngay sau khi ban hành kết luận, quyết định xác định việc kỷ luật oan, tổ chức đảng phải gửi văn bản đến tổ chức, cá nhân liên quan.

Trong thời hạn 30 ngày kể từ khi nhận được văn bản này, tổ chức, đảng viên bị kỷ luật oan gửi đề nghị xin lỗi, phục hồi quyền lợi đến tổ chức đảng đã quyết định kỷ luật oan.

Trong thời hạn 60 ngày, kể từ ngày nhận được kết luận, quyết định về việc đã kỷ luật oan, tổ chức đảng đã quyết định kỷ luật oan có trách nhiệm thông báo về việc tổ chức xin lỗi và phục hồi quyền lợi.

Bên cạnh đó, phải thu hồi, bãi bỏ quyết định kỷ luật oan; đồng thời gửi đến cơ quan, tổ chức nơi đảng viên đang công tác, sinh hoạt để thu hồi, xóa bỏ quyết định kỷ luật hành chính, kỷ luật đoàn thể đối với đảng viên (nếu có).

Việc phục hồi quyền lợi hoặc đề nghị cơ quan có thẩm quyền phục hồi quyền lợi của tổ chức, đảng viên bị kỷ luật oan cũng được yêu cầu thực hiện trong khoảng thời gian này.

Với đảng viên bị kỷ luật oan, không giữ chức vụ, việc xin lỗi được thực hiện tại chi bộ đã hoặc đang quản lý đảng viên hoặc nơi cư trú.

Đảng viên là cấp ủy viên, giữ chức vụ lãnh đạo, quản lý, việc xin lỗi được thực hiện tại cấp ủy hoặc ban thường vụ cấp ủy trực tiếp quản lý đảng viên hoặc tổ chức đảng nơi đảng viên đó đã là thành viên…

Các trường hợp đảng viên bị kỷ luật oan không được xin lỗi và phục hồi quyền lợi:

- Sau khi bị kỷ luật oan đã không giữ được tư cách, phẩm chất, tiêu chuẩn đảng viên hoặc vi phạm bị kỷ luật.

- Nhận lỗi thay cho người khác dẫn đến bị kỷ luật oan.

- Từ chối việc xin lỗi và phục hồi quyền lợi.

- Tự ý bỏ sinh hoạt đảng.

- Không thực hiện hoặc thực hiện không đúng quyền và trách nhiệm của đảng viên.