Đảng đoàn Quốc hội lấy phiếu tín nhiệm 61 nhân sự lãnh đạo

Hoài Thu

(Dân trí) - 61 nhân sự thuộc Đảng đoàn Quốc hội vừa hoàn thành việc lấy phiếu tín nhiệm. Theo Chủ tịch Quốc hội, kết quả này giúp người được lấy phiếu tín nhiệm thấy được mức độ tín nhiệm để có hướng rèn luyện.

Chiều 21/12, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ chủ trì Hội nghị của Đảng đoàn Quốc hội về lấy phiếu tín nhiệm theo Quy định số 96 của Bộ Chính trị.

61 nhân sự được lấy phiếu tín nhiệm trong năm 2023 tại Đảng đoàn Quốc hội gồm: các Phó Chủ tịch Quốc hội (không gồm nhân sự là Ủy viên Bộ Chính trị do trước đó đã lấy phiếu ở Hội nghị Trung ương Đảng); Tổng Thư ký Quốc hội - Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội; Chủ tịch Hội đồng Dân tộc; Chủ nhiệm Ủy ban của Quốc hội, Trưởng các cơ quan thuộc Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Phó Chủ tịch Hội đồng Dân tộc, Phó Chủ nhiệm Ủy ban của Quốc hội.

Đảng đoàn Quốc hội lấy phiếu tín nhiệm 61 nhân sự lãnh đạo - 1

Đảng đoàn Quốc hội tiến hành lấy phiếu tín nhiệm với 61 chức danh (Ảnh: Hồng Phong).

Hội nghị không lấy phiếu tín nhiệm đối với ông Lê Quang Mạnh, Ủy viên Trung ương Đảng, Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính, Ngân sách của Quốc hội do mới được Quốc hội bầu trong năm 2023.

Theo Quy định 96, quy trình lấy phiếu tín nhiệm gồm 3 bước. Thời gian qua, Đảng đoàn Quốc hội đã hoàn thành việc thực hiện bước 1 về công tác chuẩn bị lấy phiếu tín nhiệm gồm: Yêu cầu người được lấy phiếu tín nhiệm gửi báo cáo và Bản kê khai tài sản theo quy định; Tập hợp báo cáo, hồ sơ của người được lấy phiếu tín nhiệm gửi tới các đại biểu dự họp. Bước 2 là lấy phiếu tín nhiệm. Bước 3 là công bố kết quả lấy phiếu tín nhiệm.

Việc lấy phiếu tín nhiệm với 61 cán bộ lãnh đạo lần này đã được triển khai thận trọng, nghiêm túc, theo đúng quy định của Bộ Chính trị.

Theo Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ, việc lấy phiếu tín nhiệm nhằm thực hiện chủ trương của Đảng về xây dựng và chỉnh đốn Đảng, hệ thống chính trị; đấu tranh phòng chống tham nhũng, tiêu cực; xây dựng đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý các cấp có đủ phẩm chất, năng lực, uy tín, ngang tầm nhiệm vụ.

Ông nhấn mạnh việc lấy phiếu tín nhiệm góp phần đánh giá uy tín và kết quả thực hiện chức trách, nhiệm vụ được giao của cán bộ; giúp cán bộ "tự soi", "tự sửa", tiếp tục phấn đấu, rèn luyện trong công tác.

Đây cũng là cơ sở quan trọng để cấp ủy, tổ chức đảng đào tạo, bồi dưỡng, bố trí, sử dụng cán bộ; nâng cao hiệu quả công tác lãnh đạo, quản lý, giám sát cán bộ.

Chủ tịch Quốc hội lưu ý quá trình tổ chức lấy phiếu tín nhiệm phải thực hiện nghiêm theo Quy định 96 của Bộ Chính trị và các văn bản liên quan.

Đảng đoàn Quốc hội lấy phiếu tín nhiệm 61 nhân sự lãnh đạo - 2

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ phát biểu tại hội nghị (Ảnh: Hồng Phong).

Bên cạnh việc đề cao trách nhiệm của thành viên Đảng đoàn Quốc hội, Chủ tịch Quốc hội cho rằng cần tôn trọng quyền báo cáo, giải trình của người được lấy phiếu tín nhiệm.

"Kiên quyết không để xảy ra vi phạm trong quá trình tổ chức việc lấy phiếu tín nhiệm", Chủ tịch Quốc hội quán triệt.

Năm 2023, khối lượng công việc của Quốc hội, các cơ quan của Quốc hội phải giải quyết nhiều hơn so với năm trước, song chất lượng đạt được ngày càng tốt hơn, theo đánh giá của Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ.

Chúc mừng các nhân sự được lấy phiếu tín nhiệm, Chủ tịch Quốc hội cho rằng, kết quả lấy phiếu tín nhiệm sẽ giúp người được lấy phiếu tín nhiệm thấy được mức độ tín nhiệm của mình để có phương hướng tiếp tục rèn luyện phẩm chất, nâng cao năng lực, hiệu quả hoạt động.

Việc này, theo ông Huệ, cũng góp phần tăng cường hiệu lực, hiệu quả hoạt động của Quốc hội, các cơ quan của Quốc hội, cơ quan thuộc Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Văn phòng Quốc hội.