Đại biểu Quốc hội tâm tư "Ủy ban 75 năm hoạt động chưa được khen thưởng"

Thái Anh

(Dân trí) - "Khen thưởng phải gắn với phong trào thi đua nhưng không có thi đua nào cho đại biểu Quốc hội. UB Pháp luật 75 năm song hành cùng Quốc hội mà chưa được khen thưởng" - Chủ nhiệm UB Pháp luật nói.

Sáng 17/8, UB Thường vụ Quốc hội thảo luận về luật Thi đua, khen thưởng (sửa đổi). Dự luật gồm 100 điều (giảm 3 điều so với Luật hiện hành) sửa đổi, điều chỉnh 79 điều.

Bỏ danh hiệu "Nghệ sĩ ưu tú", "Nghệ sĩ nhân dân" với nhạc sĩ

Lần sửa đổi này, nội dung đáng chú ý là Chính phủ đề nghị bổ sung đối tượng khen thưởng đối với một số hình thức khen thưởng, trong đó quan tâm đến công nhân, nông dân, người lao động trực tiếp sản xuất, cá nhân, tập thể người nước ngoài, cá nhân, tập thể người Việt Nam định cư ở nước ngoài.

Một số nội dung mới của lần sửa đổi này là bổ sung danh hiệu thi đua "Xã tiêu biểu", "Phường, thị trấn tiêu biểu", bổ sung hình thức khen thưởng "Huy chương Thanh niên xung phong vẻ vang", bỏ đối tượng xét danh hiệu "Nghệ sĩ nhân dân", "Nghệ sĩ ưu tú" đối với "nhạc sĩ" và "phát thanh viên"...

Đại biểu Quốc hội tâm tư Ủy ban 75 năm hoạt động chưa được khen thưởng - 1

Trưởng Ban Công tác đại biểu Nguyễn Thị Thanh nêu vấn đề cơ chế khen thưởng với đại biểu Quốc hội.

Một vấn đề được đặt ra tại phiên thảo luận là cơ chế khen thưởng đối với đại biểu Quốc hội.

Nêu quan điểm về vấn đề này, Thường trực UB Xã hội - cơ quan thẩm tra dự thảo luật cho rằng, quy định khen thưởng đại biểu Quốc hội cần xem xét tính chất và đặc điểm hoạt động của Quốc hội, các cơ quan của Quốc hội và đại biểu Quốc hội, cần bám sát vào hoạt động của đại biểu Quốc hội là chuyên trách hay không chuyên trách.

Đối với đại biểu Quốc hội hoạt động không chuyên trách, tùy theo vị trí công tác của đại biểu, việc tham gia thi đua, xét danh hiệu thi đua, khen thưởng  được thực hiện tại cơ quan, đơn vị, tổ chức, doanh nghiệp, địa phương nơi đại biểu làm việc, cư trú theo quy định của Luật.

Chủ nhiệm UB Xã hội Nguyễn Thúy Anh nêu rõ, đại biểu Quốc hội là đại biểu của dân, do nhân dân bầu ra, đó là vinh dự, trách nhiệm lớn, danh hiệu lớn nhất, đó là đại biểu nhân dân và phần thưởng lớn nhất là sự tín nhiệm, đánh giá tích cực và tin cậy của cử tri.

Tuy nhiên, đại biểu chuyên trách còn là cán bộ theo luật Cán bộ, công chức, nên cũng chịu sự đánh giá cán bộ theo quy định của luật Cán bộ, công chức, mà đánh giá cán bộ là căn cứ của khen thưởng.

Với đại biểu Quốc hội chuyên trách, cơ quan thẩm tra cho rằng, nên khen thưởng theo quá trình cống hiến, khen thưởng đột xuất, khen thưởng theo đợt, theo chuyên đề. Tiêu chí khen thưởng có thể gắn với nội dung đánh giá cán bộ được quy định trong luật Cán bộ, công chức, có tính tới đặc thù công việc (thời gian công tác theo nhiệm kỳ 5 năm khó trong việc tích lũy các bằng khen để đảm bảo tiêu chuẩn khen cao…).

Mỗi địa phương một đại biểu Quốc hội chuyên trách thì thi đua với ai?

Thảo luận về chính sách thi đua, khen thưởng với đại biểu Quốc hội, Trưởng ban Công tác đại biểu Nguyễn Thị Thanh phản ánh, năm 2020 có đến 25 tỉnh đại biểu Quốc hội hoạt động chuyên trách không được khen thưởng nên "anh em tủi thân". Bà Thanh nêu lý do, đại biểu Quốc hội do địa phương quản lý nhưng lại "ăn lương" Quốc hội nên không được quan tâm.

Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định nhận xét, hiện đại biểu Quốc hội đang "đứng ngoài" luật Thi đua, khen thưởng. Các cơ quan cũng không xét thi đua, không bình bầu lao động tiên tiến hay đánh giá hoàn thành, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ với đại biểu Quốc hội.

Theo ông Định, không chỉ có đại biểu chuyên trách, mà cả đại biểu kiêm nhiệm, nếu đi họp đầy đủ, đóng góp tích cực thì vẫn nên được khen thưởng.

"Hội đồng Thi đua khen thưởng Trung ương không có đại diện của Quốc hội. Lâu nay, hình như Quốc hội "đứng ngoài" lĩnh vực này" - Phó Chủ tịch Quốc hội nói.

Đại biểu Quốc hội tâm tư Ủy ban 75 năm hoạt động chưa được khen thưởng - 2

Chủ nhiệm UB Pháp luật của Quốc hội Hoàng Thanh Tùng phát biểu tại phiên thảo luận.

Chia sẻ vấn đề này, Chủ nhiệm UB luật Hoàng Thanh Tùng nhận định, hiện tại, việc thi đua khen thưởng với đại biểu dân cử, trong đó có đại biểu Quốc hội vướng mắc rất nhiều, nhưng tờ trình dự án luật lại không nêu phương án để xử lý.

Ông Tùng phân tích: "Về nguyên tắc, hình thức khen thưởng phải gắn với phong trào thi đua, nhưng dự luật không nói gì đến thi đua cho đại biểu. Hiện nay, mỗi địa phương có một đại biểu chuyên trách, chỉ có một số địa phương có 2 đại biểu thì thi đua với ai, có tổ chức thi đua 63 tỉnh, thành phố với nhau không?".

Chủ nhiệm UB Pháp luật cho rằng, nên nghiên cứu để có hình thức khen thưởng đặc thù cho đại biểu, có khen thưởng theo nhiệm kỳ và đột xuất, gắn với thành tích của đại biểu.

"Như UB Pháp luật, đã 75 năm song hành với lịch sử Quốc hội mà chưa bao giờ được khen thưởng gì cả, như thế có hợp lý không?" - ông Tùng băn khoăn.