DNews

Cuộc "tái định cư cho người âm" trước ngày đường Vành đai 4 đi qua

Ngọc Tân

(Dân trí) - Tại ngôi làng ven Hà Nội nơi người dân đã đồng lòng nhường đất xây vành đai 4, các đòi hỏi về phong tục và tâm linh vẫn khiến công cuộc di dời không mấy dễ dàng.

Cuộc "tái định cư cho người âm" trước ngày đường Vành đai 4 đi qua

Khi một nghĩa trang cổ kính ở làng An Định (Nghĩa Lộ, Yên Nghĩa, Hà Đông) trở nên huyên náo bởi tiếng máy xúc và hàng trăm hộ dân tới di dời mồ mả, ông Lê Xuân Kỷ tìm đến phần mộ bố đẻ của mình, cẩn thận cắm 9 cây cọc quanh nấm đất và giăng dây để bánh xích không nghiến qua.

Trong hơn 1.000 ngôi mộ phải di dời khỏi nghĩa trang An Định để nhường đất xây đường Vành đai 4, ông Kỷ cho biết ngôi mộ của bố mình cùng khoảng 20 mộ nữa còn nằm chờ, chưa thể bốc đi.

"Các cụ" nhường đất cho vành đai 4

Nghĩa Trang An Định giống như nhiều nghĩa trang thôn quê khác, được thiết kế không theo hàng lối. Những ngôi mộ nhỏ lẻ nằm xem lẫn lăng mộ tổ bề thế của các dòng họ. Quan cảnh nông thôn tạo sự tương phản khi cách đó 500m là bến xe BRT, ga tàu điện Yên Nghĩa và những dãy chung cư đông đúc của quận Hà Đông.

Cuộc tái định cư cho người âm trước ngày đường Vành đai 4 đi qua - 1

Công trường dự án Vành đai 4 đã tiến sát đến nghĩa trang An Định, đòi hỏi mồ mả phải sớm được di dời (Ảnh: Ngọc Tân).

Ông Lê Xuân Kỷ nhận mình là con cháu họ Lê - dòng họ lớn ở làng An Định đã sinh ra cố Đại tướng Lê Trọng Tấn. Khi dự án Vành đai 4 đi qua, mộ tổ họ Lê cùng nhiều dòng họ khác trong làng phải di dời.

"Dân ở đây ủng hộ chủ trương, chấp nhận di dời. Mấy hôm trước được ngày đẹp, họ đi bốc mộ đông như trẩy hội", ông Kỷ kể lại. Chỉ trong vài ngày của tháng 11 âm lịch, hơn 1.000 ngôi mộ đã được di dời đến nghĩa trang mới.

Báo cáo trong chuyến thị sát của Bí thư Hà Nội Đinh Tiến Dũng, Giám đốc Ban quản lý dự án giao thông thành phố cho biết đã có gần 8.000 ngôi mộ tại Hà Nội được di dời để nhường đất cho Vành đai 4, tương đương hơn 85,27% kế hoạch.

Bí thư vui mừng, đánh giá cao tinh thần làm việc khẩn trương, trách nhiệm của địa phương trong công tác giải phóng mặt bằng.

Trước đó, việc xây một nghĩa trang mới nằm gần nghĩa trang cũ trên địa bàn một quận của Hà Nội vốn không hợp quy định. Trong quá trình di dời mồ mả, Hà Nội chủ trương quy tập mộ về các nghĩa trang tập trung, không được phát sinh thêm các nghĩa trang nhỏ lẻ ở cấp xã phường.

Cuộc tái định cư cho người âm trước ngày đường Vành đai 4 đi qua - 2

Nghĩa trang mới được xây giữa cánh đồng, nằm cách nghĩa trang cũ 1km (Ảnh: Ngọc Tân).

Tuy nhiên, điều này vấp phải khó khăn do người dân địa phương không muốn di dời mồ mả ra ngoài phạm vi thôn, xã.

Quận Hà Đông cùng các huyện có đường Vành đai 4 đi qua đã xin cơ chế đặc thù, cho phép cải tạo, chỉnh trang các nghĩa trang hiện có tại thôn, xã, phường để quy tập mồ mả. Việc này được chấp nhận và trở thành cơ chế đặc thù đẩy nhanh tiến độ GPMB dự án vành đai 4.

Những ngôi mộ tươi

Trở lại nghĩa trang An Định, trên nền đất ngổn ngang gạch vỡ sau cuộc "đại khai quật", người đàn ông trung tuổi đứng trầm ngâm. Ông nhìn về phía nấm đất được giăng dây, phải nhìn kỹ lắm mới thấy một lọ hoa sứ nhô lên giữa đám cỏ dại.

"Bố tôi nằm xuống mới gần 3 năm, mộ hung táng, giờ chưa dám bốc lên ngay", ông Kỷ nói.

Theo phong tục các cụ để lại, những ngôi mộ hung táng phải chờ 3 năm mới được cải táng. Ông Kỷ băn khoăn vì trước đây quanh nghĩa trang bốn bề là ruộng nước, giờ không ai trồng lúa, nghĩa trang khô không có nước, ông sợ kỳ hạn hung táng của cha mình phải kéo dài hơn.

Cuộc tái định cư cho người âm trước ngày đường Vành đai 4 đi qua - 3
Cuộc tái định cư cho người âm trước ngày đường Vành đai 4 đi qua - 4

Người dân địa phương gọi những ngôi mộ hung táng chưa đủ năm như của nhà ông Kỷ là "mộ tươi". Ở nghĩa trang An Định còn gần 10 ngôi mộ như vậy. Có mộ mới chôn hơn 1 năm, chính quyền không kịp ngăn cản. 

Để bảo vệ những phần mộ tươi, có nhà hàn khung sắt, quây tôn xung quanh. Trong bối cảnh cả nghĩa trang đã di dời gần xong, những ngôi mộ phải nằm chờ đủ năm đủ tháng khiến cả gia chủ lẫn chính quyền địa phương đều khó xử.

Sang ngắm nghía nghĩa trang mới, ông Kỷ rất ưng mắt. Ông cũng nóng lòng đưa mộ bố sang đó bởi vị trí đẹp hơn nghĩa trang cũ, lại chẳng biết chậm trễ có còn suất hay không. Khi ban giải phóng mặt bằng của địa phương đến thúc giục, ông Kỷ đành giải thích rằng mộ bố mình chôn chưa đủ năm và xin khất đến giữa năm 2024 sẽ di dời.

Phóng viên hỏi chính quyền địa phương có thúc ép di dời nữa không, ông Kỷ lắc đầu. "Chuyện tâm linh, ai cũng hiểu", ông nói.

Cuộc tái định cư cho người âm trước ngày đường Vành đai 4 đi qua - 5

Người dân làng An Định tấp nập di dời mồ mả để nhường đất cho vành đai 4 (Ảnh: Ngọc Tân).

Câu chuyện của nhà ông Kỷ là điển hình về bất cập trong việc giải phóng mặt bằng để xây dựng các công trình trọng điểm. Nó cũng cho thấy để chuẩn bị cho một dự án trọng điểm, nhà chức trách cần dự trù quỹ đất từ sớm như thế nào.

Hung táng không phải là lý do duy nhất khiến mồ mả chậm di dời. Tại An Định còn hơn 10 ngôi mộ khác đang nằm lại vì thầy bói phán gia chủ chưa "được tuổi". Con cả không được tuổi thì xem tuổi con thứ, nhưng có nhà tất cả con cái đều không ai được tuổi để bốc mộ cho các cụ.

Trường hợp đặc biệt là ngôi mộ kép của bố mẹ ông Nguyễn Phương Nam. Ngôi mộ xây bằng đá xanh với hoa văn điêu khắc tinh xảo. Ông Nam cho biết mộ mới xây xong năm 2021 với kinh phí 100 triệu đồng.

Cuộc tái định cư cho người âm trước ngày đường Vành đai 4 đi qua - 6

Ngôi mộ đá của ba mẹ ông Nam (Ảnh: Ngọc Tân).

Người đàn ông nói giọng miền Nam cho biết khi nghe tin làm đường Vành đai 4, ông bay từ Vũng Tàu ra Hà Nội để lo di dời mộ của bố mẹ.

Vì tiếc nuối kiến trúc đẹp của ngôi mộ, ông đã thuyết phục được chính quyền địa phương cho tháo dỡ từng phần và lắp đặt lại nguyên trạng kết cấu mộ tại nghĩa trang mới. Điều này vốn không dễ dàng bởi mồ mả di dời về nghĩa trang mới phải xây lại theo đúng kích cỡ, quy chuẩn.

Ngôi nhà mới cho "người âm"

Tại nghĩa trang mới nằm cách làng An Định 1km, khói bốc lên từ các lò hóa vàng, quện với bụi từ những ngôi mộ đá granito đang được mài nhẵn. 

Ông Nam đi đi lại lại, nhìn người thợ xây trát kín từng kẽ gạch của ngôi huyệt mộ mà ông chuẩn bị cho bố mẹ mình. Để chịu tải được khối đá xanh sắp di dời về, ông cho làm móng huyệt thật vững chắc.

Cuộc tái định cư cho người âm trước ngày đường Vành đai 4 đi qua - 7

Tại nghĩa trang mới, ông Nam cho xây móng kỹ càng để chuyển mộ của ba mẹ đến (Ảnh: Ngọc Tân).

Cuộc tái định cư cho người âm trước ngày đường Vành đai 4 đi qua - 8

Ông Nguyễn Phương Nam (Ảnh: Ngọc Tân).

Ngôi mộ của bố mẹ ông Nam được đặt ở cách xa mộ tổ của các dòng họ. Ông bảo phải làm vậy vì mộ nhà mình cao, nằm kế bên mà mộ tổ nhà người ta lại thấp hơn thì không thuận mắt.

Ông Nguyễn Văn Điển, quản trang của nghĩa trang An Định cũ, giờ là người phụ trách nghĩa trang mới rộng 12.000m2. Ông cho biết mồ mả của 15 dòng họ trong làng đã chuyển tới đây để nhường đất xây đường Vành đai 4. Riêng họ Nguyễn đã có tới 4-5 ngành không liên quan đến nhau, được phân biệt bằng tên đệm như Nguyễn Văn, Nguyễn Bá... 

Vị quản trang cho biết các ngôi mộ lẻ đều đồng kích cỡ và xếp thẳng hàng lối. Nhưng đã có một cuộc thảo luận sôi nổi về việc mộ của các cụ tổ dòng họ sẽ to như thế nào. 

"Có nhà kiến nghị xây mộ tổ 10m2, rộng 5m, dài 2m, nhưng không đủ đất mà xây. Họp bàn, nhất trí, rồi đành chấp nhận là 4m2 cũng được", ông Điển kể.

Cuộc tái định cư cho người âm trước ngày đường Vành đai 4 đi qua - 9

Mộ tổ tại nghĩa trang mới được thống nhất kích thước rộng 2,6m, dài 1,5m, cao 2m (Ảnh: Ngọc Tân).

Lo xong "quy chuẩn" cho mộ tổ, địa phương lại phải tính toán vì tốc độ lấp đầy nghĩa trang quá nhanh, trong khi số mồ mả phát sinh còn chưa tính hết được.

Chỉ tính riêng quá trình di dời mộ của các hộ dân đã ghi nhận thêm hơn 100 bộ hài cốt vô danh. Ông Điển quả quyết số này sẽ còn tăng thêm nữa khi đơn vị thi công nhận mặt bằng và bắt đầu cào bóc lớp đất bề mặt.

Trên địa bàn Hà Nội, xã Văn Bình (Thường Tín) giữ "kỷ lục" về số mộ vô danh phát sinh khi làm Vành đai 4 với hơn 1.000 ngôi. Khi nhà thầu đã đưa máy móc vào làm đường, thi thoảng vẫn phải gọi chính quyền địa phương vì chạm trúng mồ mả.

Cuộc tái định cư cho người âm trước ngày đường Vành đai 4 đi qua - 10

Vành đai 4 đi qua một nghĩa trang (đã di dời) tại xã Văn Bình, huyện Thường Tín (Ảnh: Ngọc Tân).

Chính quyền địa phương chi trả cho mỗi ngôi mộ di dời hơn 14 triệu đồng, kèm theo khoản thưởng 2 triệu đồng nếu tự giác di dời sớm trong năm nay. Ngoài ra, trường hợp đào trúng mộ vô chủ trong lúc khai quật, hộ dân đào trúng sẽ được hỗ trợ thêm 5 triệu đồng để xây mộ cho người vô danh.

"Cầm 5 triệu đi xây ngôi mộ còn lỗ, nhưng lỗ vẫn phải làm. Nhiều nhà xây mộ rất tử tế cho người vô danh vì thực tâm không biết đấy có phải các cụ nhà mình không", ông Điển nói.

Cuộc tái định cư cho người âm trước ngày đường Vành đai 4 đi qua - 11

Ông Nguyễn Văn Điển (Ảnh: Ngọc Tân).