Công tác nhân sự tại kỳ họp bất thường được tiến hành thận trọng, chặt chẽ

Phùng Minh

(Dân trí) - Tổng Thư ký Quốc hội Bùi Văn Cường khẳng định, công tác nhân sự tại 2 kỳ họp bất thường được tiến hành thận trọng, chặt chẽ, thực hiện đúng chủ trương của Đảng, bảo đảm quy trình, theo quy định.

Sáng 14/2, tại cuộc họp của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, ông Bùi Văn Cường - Tổng Thư ký Quốc hội đã trình bày báo cáo tổng kết kỳ họp bất thường lần thứ 2 và lần thứ 3 của Quốc hội khóa XV.

Ông Bùi Văn Cường cho biết, kỳ họp bất thường lần 2 mặc dù diễn ra trong 4 ngày vào thời điểm ngay sau Tết Dương lịch 2023 và kỳ họp bất thường lần thứ 3 diễn ra trong ngày sát Tết Nguyên đán, nhưng với tinh thần khẩn trương, trách nhiệm, Quốc hội đã hoàn thành toàn bộ chương trình đề ra với kết quả đạt được rất quan trọng.

Công tác nhân sự tại kỳ họp bất thường được tiến hành thận trọng, chặt chẽ - 1

Tổng Thư ký Quốc hội Bùi Văn Cường (Ảnh: Phạm Thắng).

Cụ thể, Quốc hội đã xem xét, thông qua một luật, 3 nghị quyết và xem xét, quyết định công tác nhân sự thuộc thẩm quyền. Các nội dung được Quốc hội xem xét, quyết định góp phần tháo gỡ kịp thời nhiều khó khăn, vướng mắc trong thực tiễn, tạo tiền đề quan trọng để thực hiện nhiệm vụ các năm tiếp theo.

Ông Cường khẳng định, thành công của 2 kỳ họp bất thường tiếp tục khẳng định bản lĩnh, quyết tâm chính trị của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội trước những vấn đề cấp bách, cần xử lý ngay của đất nước, sự nỗ lực đổi mới, hành động quyết liệt vì lợi ích của cử tri và nhân dân. Qua đó cũng thể hiện sự lãnh đạo đúng đắn, xuyên suốt, kịp thời của Đảng, sự phối hợp chặt chẽ của toàn hệ thống chính trị.

Trong đó, về công tác nhân sự, ông Bùi Văn Cường cho biết tại kỳ họp bất thường lần thứ 2, Quốc hội đã xem xét, quyết định cho thôi làm nhiệm vụ đại biểu đối với 2 đại biểu Quốc hội, phê chuẩn việc miễn nhiệm 2 Phó Thủ tướng Chính phủ và phê chuẩn bổ nhiệm Phó Thủ tướng Chính phủ đối với ông Trần Hồng Hà và ông Trần Lưu Quang.

Tại kỳ họp bất thường lần thứ 3, Quốc hội đã xem xét, quyết định việc miễn nhiệm chức vụ Chủ tịch nước nhiệm kỳ 2021 - 2026 và cho thôi làm nhiệm vụ đại biểu Quốc hội khóa XV đối với ông Nguyễn Xuân Phúc.

"Công tác nhân sự tại hai kỳ họp bất thường được tiến hành thận trọng, chặt chẽ, thực hiện đúng chủ trương của Đảng, bảo đảm quy trình, thủ tục chặt chẽ theo quy định, đúng nguyên tắc tập trung dân chủ, công khai, minh bạch, đạt được sự thống nhất cao của các vị đại biểu Quốc hội", ông Cường khẳng định.

Ngoài ra, tại kỳ họp bất thường đã thông qua Luật Khám bệnh, chữa bệnh với nhiều nội dung rất quan trọng, góp phần khắc phục những hạn chế, bất cập và giải quyết những vấn đề mới phát sinh.

Quốc hội cũng đã ban hành Nghị quyết về quy hoạch tổng thể quốc gia thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050. Đây là nội dung lớn, mới, khó, phức tạp, chưa có tiền lệ và được xây dựng lần đầu theo quy định của Luật Quy hoạch, nên Quốc hội đã dành thời gian thỏa đáng để thảo luận.

Nghị quyết về việc tiếp tục thực hiện một số chính sách trong phòng, chống dịch Covid-19 và sử dụng giấy đăng ký lưu hành thuốc, nguyên liệu làm thuốc hết thời hạn hiệu lực từ ngày 1/1/2023 đến ngày 31/12/2024 cũng đã được Quốc hội xem xét, thảo luận kỹ lưỡng và thông qua, nhằm bảo đảm cơ sở pháp lý tiếp tục tổ chức thực hiện đồng bộ, hiệu quả công tác phòng, chống dịch…

Mặc dù vậy, Tổng Thư ký Quốc hội Bùi Văn Cường cũng nhìn vậy, việc gửi tài liệu đến đại biểu Quốc hội tại kỳ họp bất thường vẫn còn chậm, gây khó khăn cho đại biểu trong việc nghiên cứu, góp ý. Việc bố trí thời gian thảo luận nội dung về quy hoạch còn ít, nhiều đại biểu đăng ký nhưng chưa được phát biểu…

Phó chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương cho rằng việc gửi chậm tài liệu thường được các cơ quan đổ lỗi cho khách quan. Trong đó có 5 lý do được nêu ra là do mới, khó, các địa phương báo cáo chậm, công việc nhiều và nguồn lực không đủ để làm.

Ông Trần Quang Phương đề nghị các bộ, ngành cần có phản ứng chính xác, linh hoạt, đánh giá đầy đủ tác động kỹ lưỡng và nghiên cứu thấu đáo để dự báo trước được các tình huống nhằm có đủ căn cứ cho các cơ quan thẩm tra.

Trong khi đó, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đề nghị các cơ quan liên quan rút kinh nghiệm về công tác chuẩn bị nội dung, tiến độ công việc, thời hạn gửi hồ sơ, tài liệu,… đảm bảo đúng theo các quy định của pháp luật.