Chuyển đổi số báo chí là xu thế tất yếu của báo chí hiện đại

Đức Văn

(Dân trí) - Theo ông Lê Quốc Minh, Tổng Biên tập báo Nhân Dân, chuyển đổi số là xu thế tất yếu của báo chí hiện đại để phục vụ độc giả tốt nhất, nhanh nhất.

Sáng 30/11, tại Thái Bình đã diễn ra Hội thảo khoa học quốc gia với chủ đề "Chuyển đổi số báo chí, xuất bản - Lý luận và thực tiễn".

Hội thảo "Chuyển đổi số báo chí, xuất bản - Lý luận và thực tiễn" do báo Nhân Dân, Nhà xuất bản Chính trị quốc gia Sự thật, báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam, Học viện Báo chí và Tuyên truyền và Tỉnh ủy Thái Bình phối hợp tổ chức.

Tham dự hội thảo có ông Lê Quốc Minh, Tổng Biên tập báo Nhân Dân, Phó Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương, Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam; ông Ngô Đông Hải, Bí thư Tỉnh ủy Thái Bình; PGS.TS Vũ Trọng Lâm, Giám đốc, Tổng Biên tập Nhà xuất bản Chính trị quốc gia Sự thật, TS Nguyễn Công Dũng, Tổng Biên tập báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam.

Hội thảo còn có sự tham gia của các lãnh đạo quản lý lĩnh vực báo chí, xuất bản, các chuyên gia trong lĩnh vực đào tạo báo chí, lãnh đạo các cơ quan báo chí, các đơn vị xuất bản trong cả nước.

Phát biểu khai mạc hội thảo, ông Lê Quốc Minh, Tổng Biên tập báo Nhân dân cho rằng, cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư với sự thay đổi nhanh chóng của kỹ thuật và công nghệ tác động nhiều tới việc vận hành, phát triển của các cơ quan báo chí. Trước những thách thức và cơ hội này, Chính phủ đã ban hành Quyết định số 348/QĐ-TTg ngày 6/5/2023 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chiến lược "Chuyển đổi số báo chí đến năm 2025, định hướng đến năm 2030".

Chuyển đổi số báo chí là xu thế tất yếu của báo chí hiện đại - 1

Ông Lê Quốc Minh, Tổng Biên tập báo Nhân dân phát biểu tại hội thảo (Ảnh: Đức Văn).

Theo đó mục tiêu của chiến lược là: "Chuyển đổi số báo chí nhằm mục tiêu xây dựng các cơ quan báo chí theo hướng chuyên nghiệp, nhân văn, hiện đại; làm tốt sứ mệnh thông tin tuyên truyền phục vụ sự nghiệp cách mạng của Đảng, sự nghiệp đổi mới của đất nước; đảm bảo vai trò dẫn dắt, định hướng dư luận xã hội, giữ vững chủ quyền thông tin trên không gian mạng; đổi mới hiệu quả trải nghiệm của độc giả; tạo nguồn thu mới; thúc đẩy phát triển ngành công nghiệp nội dung số".

Đồng thời, chuyển đổi số là xu thế tất yếu của báo chí hiện đại để phục vụ độc giả tốt nhất, nhanh nhất. Chuyển đổi số không đơn giản là đầu tư thiết bị công nghệ, phần mềm mà phải chính là thay đổi tư duy từ lãnh đạo đến cán bộ, phóng viên, nhân viên; là đổi mới toàn bộ quy trình sản xuất nội dung, quy trình kinh doanh, quy trình vận hành tòa soạn.

Chuyển đổi số phải bảo đảm chất lượng báo chí ngày càng cao, xây dựng đội ngũ độc giả trung thành. Các cơ quan báo chí phải mạnh dạn triển khai hoạt động chuyển đổi số; không ngừng sáng tạo, vừa làm vừa điều chỉnh thay vì chờ đợi; tăng cường công tác đào tạo, đổi mới hình thức đào tạo; xây dựng kho dữ liệu dùng chung, công cụ đo lường, thu thập dữ liệu độc giả... Như vậy, chuyển đổi số mới có thể thành công, đạt hiệu quả…

Ông Ngô Đông Hải, Bí thư Tỉnh ủy Thái Bình cho biết, trong lĩnh vực báo chí, tỉnh Thái Bình đã có những đầu tư về con người, cơ sở vật chất, động viên, khuyến khích tạo điều kiện cho các cơ quan báo chí phấn đấu thành cơ quan truyền thông đa nền tảng, đa phương tiện, đẩy mạnh cơ hội liên kết, tương tác với bạn đọc trên các phương tiện khác nhau, nhất là tập trung cải thiện nâng cao chất lượng nội dung, công tác quản lý.

Nhờ đó, lĩnh vực truyền thông trên địa bàn tỉnh có nhiều chuyển đổi mạnh mẽ, tiếp cận tốt hơn đến người dân.

Chuyển đổi số báo chí là xu thế tất yếu của báo chí hiện đại - 2

Ông Ngô Đông Hải, Bí thư Tỉnh ủy Thái Bình phát biểu tại hội thảo (Ảnh: Đức Văn).

Hội thảo là dịp để các cơ quan báo chí truyền thông cả nước, đặc biệt các cơ quan báo chí, đơn vị xuất bản tỉnh Thái Bình có cơ hội trao đổi, học hỏi, lắng nghe những gợi mở mới để tiếp tục làm tốt hơn công tác chuyển đổi số trong báo chí, xuất bản và các lĩnh vực khác.

Tại hội thảo, các chuyên gia, nhà khoa học ở Trung ương và các cán bộ hoạt động thực tiễn tại địa phương đã phát biểu, tham luận, phân tích, đánh giá và đóng góp ý kiến, cung cấp những mô hình mới, cách làm hay, kinh nghiệm thực tiễn quốc tế và trong nước phong phú, sinh động, đưa ra những giải pháp phù hợp nhất về chuyển đổi số trong xuất bản và báo chí.

Từ đó, góp phần tác động và định hướng chính sách đến các cơ quan quản lý nhà nước trong lĩnh vực này, cung cấp những hiểu biết, bài học quý cho các đơn vị báo chí, xuất bản Việt Nam.

Tại hội thảo, các đại biểu tham luận, làm rõ 3 nội dung cơ bản: Báo chí, xuất bản trong chuyển đổi số, cơ sở lý luận và thực tiễn; báo chí, xuất bản trong chuyển đổi số, thực trạng và kinh nghiệm; báo chí, xuất bản trong chuyển đổi số, những vấn đề đặt ra, định hướng, giải pháp và khuyến nghị.