Chủ tịch nước dự Lễ kỷ niệm 135 năm ngày sinh Chủ tịch Tôn Đức Thắng

Nguyễn Cường

(Dân trí) - Tối 19/8, tại thành phố Long Xuyên, tỉnh An Giang long trọng tổ chức Lễ kỷ niệm 135 năm ngày sinh Chủ tịch Tôn Đức Thắng. Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng tới dự lễ kỷ niệm.

Cùng dự có nguyên Chủ tịch nước: Nguyễn Minh Triết, Trương Tấn Sang, Nguyễn Xuân Phúc; nguyên Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng; các đồng chí lãnh đạo, nguyên lãnh đạo các cơ quan Trung ương; lãnh đạo các tỉnh, thành phố; lãnh đạo, nguyên lãnh đạo tỉnh An Giang qua các thời kỳ...

Chủ tịch nước dự Lễ kỷ niệm 135 năm ngày sinh Chủ tịch Tôn Đức Thắng - 1

Chủ tịch Tôn Đức Thắng đã cống hiến trọn đời cho dân tộc, trở thành huyền thoại của cách mạng Việt Nam (Ảnh: Nguyễn Cường).

Lễ kỷ niệm diễn ra với các tiết mục hoạt cảnh sân khấu đặc sắc, tái hiện cuộc đời và sự nghiệp cách mạng của Chủ tịch Tôn Đức Thắng. Sau các hoạt cảnh là chương trình nghệ thuật với chủ đề: An Giang - Khát vọng thăng hoa.

Chủ tịch Tôn Đức Thắng sinh ngày 20/8/1888 trong một gia đình có truyền thống yêu nước ở cù lao Ông Hổ, xã Mỹ Hòa Hưng, tổng Định Thành, tỉnh Long Xuyên (nay thuộc thành phố Long Xuyên, tỉnh An Giang). Ông có tên thường gọi là Hai Thắng; bí danh Thoại Sơn.

Trong cuộc đời hoạt động cách mạng, dù ở bất cứ cương vị nào, ông luôn thể hiện nhân cách của người cộng sản chân chính, một tấm gương đạo đức cách mạng sáng ngời.

Chủ tịch nước dự Lễ kỷ niệm 135 năm ngày sinh Chủ tịch Tôn Đức Thắng - 2

Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng trao quà của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng gửi tặng Đảng bộ và nhân dân tỉnh An Giang (Ảnh: CTV).

Phát biểu tại lễ kỷ niệm, Bí thư Tỉnh ủy An Giang Lê Hồng Quang nhắc lại lời của Chủ tịch Hồ Chí Minh: "Đồng chí Tôn Đức Thắng là một gương mẫu đạo đức cách mạng: suốt đời cần, kiệm, liêm, chính; suốt đời hết lòng, hết sức phục vụ cách mạng, phục vụ nhân dân".

Ông Quang cũng cho biết, Đảng bộ và nhân dân An Giang kế thừa, phát huy truyền thống tốt đẹp của dân tộc; noi gương Chủ tịch Tôn Đức Thắng, luôn đoàn kết, phấn đấu hoàn thành tốt mục tiêu, nhiệm vụ đề ra, góp phần thực hiện thắng lợi sự nghiệp cách mạng vẻ vang của Đảng.

Từ tỉnh thiếu lương thực trong những năm 1975 sau giải phóng, đến nay, An Giang trở thành một trong các tỉnh đứng đầu cả nước về sản lượng nông nghiệp, góp phần quan trọng đảm bảo an ninh lương lực quốc gia và xuất khẩu; tốc độ tăng trưởng kinh tế được duy trì, khôi phục và phát triển; thu nhập và đời sống của người dân ngày càng được nâng lên.