Bước đột phá cải thiện môi trường nông thôn ở Vĩnh Phúc

(Dân trí) - Sau hơn 2 tháng thực hiện “Cuộc vận động xây dựng, cải tạo hệ thống thu gom nước thải và vệ sinh môi trường ở khu dân cư – Xây dựng nông thôn mới kiểu mẫu” do tỉnh Vĩnh Phúc phát động, bộ mặt nông thôn Vĩnh Phúc có những thay đổi rõ rệt.

Điểm nhấn dễ nhận thấy nhất mà cuộc vận động này đã và đang mang lại chính là tình trạng ô nhiễm môi trường được cải thiện. Kết quả này cũng khẳng định tính đúng đắn và hợp lòng dân của một chủ trương.

Khi đề cập đến vấn đề xây dựng, cải thiện hệ thống thu gom nước thải và vệ sinh môi trường ở khu dân cư – Xây dựng nông thôn kiểu mẫu, nhiều người không để ý kỹ sẽ cho rằng, đây là một chủ trương của Đảng và Nhà nước hướng tới mục tiêu cải thiện môi trường sống của người dân trên cả nước. Căn cứ vào chủ trương này, các địa phương sẽ triển khai thực hiện sao cho phù hợp với đặc thù của địa phương mình. Tuy nhiên, thực tế không phải như vậy. Đây là chủ trương riêng của Đảng bộ và chính quyền nhân dân tỉnh Vĩnh Phúc, xuất phát từ tình trạng ô nhiễm môi trường tại các địa phương và mong muốn cải thiện, nâng cao đời sống tinh thần của người dân.

Dù cuộc vận động mới triển khai được hơn 2 tháng, nhưng những kết quả tích cực và hiệu ứng xã hội của Cuộc vận động mang lại đã để lại ấn tượng không nhỏ đối với du khách và lãnh đạo một số địa phương trên cả nước muốn đến tìm hiểu, tham quan, học tập.

Bước đột phá cải thiện môi trường nông thôn ở Vĩnh Phúc - 1

Bước chuyển trong thực hiện tiêu chí môi trường, ý thức giữ gìn vệ sinh của người dân ngày càng được nâng lên.

Tính đến cuối tháng 7/2019, sau 9 tuần triển khai, đã có 37 xã, phường, thị trấn đăng ký và triển khai thực hiện xây dựng, cải tạo hệ thống cống, rãnh, thoát nước thải ở khu dân cư với tổng chiều dài gần 32km. Riêng 2 xã làm điểm là Tam Phúc và Nghĩa Hưng của huyện Vĩnh Tường đã hoàn thành 100% khối lượng. Xã Vân Hội và xã Hoàng Hoa của huyện Tam Dương đã hoàn thành gần 60% khối lượng việc.

Kết quả cho thấy là đường làng ngõ xóm ở những nơi đã triển khai được cải tạo khang trang, sạch đẹp hơn trước, mùi xú uế bốc lên từ các cống rãnh lộ thiên đã bị triệt tiêu. Kèm theo đó, ruồi muỗi và nhiều loại côn trùng gây hại cho sức khỏe con người cũng bị hạn chế tối đa,…

Không chỉ đợi đến lúc có chủ trương về cải thiện môi trường sống ở khu dân cư, những năm qua, tỉnh Vĩnh Phúc đặc biệt quan tâm đến công tác bảo vệ môi trường, thông qua nhiều chủ trương, chính sách, nguồn lực để bảo vệ, xử lý, khắc phục tình trạng ô nhiễm môi trường. Nhờ đó, nhận thức về bảo vệ môi trường của nhân dân từng bước được nâng cao, mức độ ô nhiễm môi trường từng bước được kiềm chế.

Tuy nhiên, sự phát triển nhanh về các mặt KT-XH phát sinh không ít mặt trái, trong đó, có vấn đề ô nhiễm môi trường trong các khu dân cư có nơi, có lúc đến mức báo động, ảnh hưởng tiêu cực đến sức khỏe và đời sống của nhân dân. Việc xử lý, giải quyết tình trạng ô nhiễm môi trường là vấn đề cấp bách, đòi hỏi cả hệ thống chính trị cùng toàn thể người dân vào cuộc. Quán triệt tinh thần này, tỉnh Vĩnh Phúc đã phát động “Cuộc vận động xây dựng, cải tạo hệ thống thu gom nước thải và hệ sinh thái môi trường ở khu dân cư – xây dựng nông thôn mới kiểu mẫu” với mục đích tuyên truyền, vận động nhân dân hiểu được ý nghĩa, tầm quan trọng và lợi ích của công việc, nhằm nâng cao chất lượng sống của người dân.

Đánh giá chung cho thấy, ngay sau khi tỉnh Vĩnh Phúc phát động “Cuộc vận động xây dựng, cải tạo hệ thống thu gom nước thải, cải tạo hệ thống thu gom nước thải và vệ sinh môi trường ở khu dân cư – Xây dựng nông thôn mới kiểu mẫu”, tuyệt đại đa số các địa phương, ban ngành đoàn thể trên địa bàn đã trực tiếp bắt tay vào cuộc thông qua việc thành lập các Ban chỉ đạo và xây dựng kế hoạch thực hiện. MTTQ các cấp trong tỉnh đã chủ động phối hợp chặt chẽ với các tổ chức chính trị xã hội bám sát tinh thần chỉ đạo của tỉnh về chủ trương, cơ chế, nguyên tắc triển khai hỗ trợ, huy động nhân dân tham gia xây dựng, cải tạo cống rãnh thoát nước, khắc phục ô nhiễm môi trường tại các khu dân cư để tuyên truyền, phổ biến rộng rãi trong nhân dân. 100% các khu dân cư trên địa bàn tỉnh Vĩnh Phúc đã thành lập các tiểu Ban chỉ đạo, tổ chức công tác họp bàn công khai, dân chủ về các cơ chế hỗ trợ, hình thức thực hiện nhằm tạo sự đồng thuận trong nhân dân.

Tuy nhiên, bên cạnh mặt tích cực, thì ở một số địa phương còn có tư tưởng trông chờ, ỷ nại vào sự hỗ trợ của nhà nước, coi đây là việc của nhà nước và chính quyền. Có đơn vị (xã làm điểm), người dân không tham gia họp và xin rút không triển khai thực hiện như xã Hợp Châu (Tam Đảo)…

PV