Bộ trưởng điện thoại cho Bí thư tỉnh, “thúc” sử dụng văn bản điện tử, ký số

Phương Thảo

(Dân trí) - Nghe các tỉnh thành báo cáo về khó khăn khi xây dựng, ứng dụng Chính phủ điện tử, Bộ trưởng, Chủ nhiệm VPCP Mai Tiến Dũng điện thoại ngay cho một Bí thư tỉnh ủy vận động dùng ngay chữ ký số.

Chiều 11/9, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ (VPCP) Mai Tiến Dũng, Tổ trưởng Tổ công tác của Thủ tướng chủ trì buổi kiểm tra, đôn đốc 7 tỉnh Hà Nam, Nam Định, Bắc Giang, Bắc Ninh, Vĩnh Phúc, Phú Thọ, Thái Bình về nhiệm vụ cải cách hành chính và xây dựng Chính phủ điện tử.

Cuộc họp diễn ra tại Trung tâm thông tin, chỉ đạo, điều hành của Chính phủ để đại diện các tỉnh thành tận mắt thấy quy trình kiểm soát, vận hành hệ thống báo cáo, gửi nhận văn bản, cổng dịch vụ công quốc gia từ Chính phủ xuống các bộ, ngành, địa phương.

Bộ trưởng điện thoại cho Bí thư tỉnh, “thúc” sử dụng văn bản điện tử, ký số - 1
Tổ trưởng Tổ Công tác của Thủ tướng nghe đại diện các tỉnh thành báo cáo về tiến độ thực hiện nhiệm vụ cải cách hành chính, xây dựng Chính phủ điện tử tại địa phương.

Thực hiện hình thức

Kết quả kiểm tra của Tổ công tác cho thấy, về tình hình triển khai kết nối liên thông gửi, nhận văn bản điện tử và xử lý hồ sơ công việc trên môi trường điện tử, đã có 7/7 tỉnh đã kết nối, liên thông gửi, nhận văn bản điện tử qua Trục liên thông văn bản quốc gia và hầu hết đã thực hiện gửi, nhận văn bản điện tử 4 cấp hành chính. Số lượng văn bản điện tử gửi, nhận qua Trục liên thông tăng đáng kể so với cùng kỳ năm trước như Hà Nam, Phú Thọ, Bắc Giang.

Một số tỉnh đạt tỷ lệ cao về gửi, nhận văn bản giữa các cơ quan trong tỉnh hoàn toàn dưới dạng điện tử như Bắc Giang 98%, Bắc Ninh 95%.

Các tỉnh đều đã triển khai phần mềm quản lý văn bản và hồ sơ công việc ở các cấp chính quyền, bước đầu đã triển khai xử lý hồ sơ công việc trên môi trường điện tử. Một số tỉnh có số lượng xử lý hồ sơ trên môi trường điện tử nhiều như Thái Bình (92%), tuy nhiên cũng còn một số tỉnh có tỉ lệ xử lý hồ sơ công việc trên môi trường điện tử chưa cao.

Hiện nay, các tỉnh như Nam Định, Hà Nam, Bắc Giang, Phú Thọ, Vĩnh Phúc đã áp dụng chữ ký số cá nhân trong gửi, nhận văn bản điện tử và xử lý công việc trên môi trường điện tử, còn Thái Bình, Bắc Ninh đang triển khai, thử nghiệm áp dụng chữ ký số cá nhân.

Về triển khai cung cấp dịch vụ công trực tuyến và tích hợp, cung cấp trên Cổng dịch vụ công quốc gia, hiện tất cả các tỉnh đã triển khai kết nối với Cổng và hoàn thành tích hợp đăng nhập một lần, đồng bộ trạng thái hồ sơ. Bắc Ninh, Hà Nam là 2 tỉnh có nhiều hồ sơ đồng bộ trạng thái trên Cổng dịch vụ công quốc gia. Tuy nhiên, nhiều tỉnh khác mới chỉ dừng ở hoàn thành kết nối kỹ thuật, chưa phát sinh giao dịch hoặc số lượng giao dịch rất ít.

Về xây dựng Hệ thống thông tin báo cáo của tỉnh và kết nối, tích hợp với Hệ thống thông tin báo cáo Chính phủ, hầu hết các tỉnh đã triển khai hoặc đang triển khai thử nghiệm Hệ thống thông tin báo cáo của tỉnh. Hà Nam, Thái Bình, Bắc Giang đang thử nghiệm kết nối 9 chỉ tiêu kinh tế-xã hội với Hệ thống thông tin báo cáo quốc gia. Bắc Ninh, Bắc Giang đã kết nối Hệ thống camera giám sát Trung tâm phục vụ hành chính công với Trung tâm thông tin, chỉ đạo điều hành của Chính phủ.

Bí thư tỉnh ủy chỉ đọc văn bản giấy, ký “tươi”

Bộ trưởng điện thoại cho Bí thư tỉnh, “thúc” sử dụng văn bản điện tử, ký số - 2
Cuộc kàm việc diễn ra tại Trung tâm thông tin, chỉ đạo, điều hành của Chính phủ.

Báo cáo nhiều vướng mắc trong thực tế triển khai Chính phủ điện tử tại các địa phương, lãnh đạo UBND tỉnh Phú Thọ cho biết, trở ngại lớn nhất là về tâm lý, sự tiếp nhận của cả cán bộ nhà nước và người dân. Nhiều tổ chức, cá nhân không muốn thực hiện thủ tục hành chính trên môi trường trực tuyến tới cấp độ 3, 4 (thanh toán trực tuyến, nhận kết quả, giấy tờ tại nhà). Tiêu biểu như các thủ tục trong lĩnh vực tài nguyên môi trường, cấp chứng nhận sử dụng đất… tâm lý chung vẫn là phải đến tận nơi, trao - nhận tận tay giấy tờ mới yên tâm.

Tương tự, đại diện UBND tỉnh Thái Bình cho biết, dù tỉnh đã hoàn thành việc kết nối, tích hợp quy trình thanh toán lên Cổng dịch vụ công quốc gia nhưng thực tế số giao dịch có thanh toán rất ít, người dân, doanh nghiệp hầu hết vẫn chưa lựa chọn phương thức này.

Khó khăn khác là việc sử dụng chữ ký số vẫn không đồng bộ giữa hệ thống các cơ quan tại tỉnh, thành ra lúc luân chuyển, trao đổi văn bản vẫn quay lại hình thức giấy tờ, chữ ký “tươi”, mặc dù, theo báo cáo của Ban Cơ yếu Chính phủ, cơ quan này đã cấp 276.000 chữ ký số, trang bị tới lãnh đạo các cơ quan Trung ương, cấp tỉnh đạt 100%, cấp cục, vụ, sở tương tương đạt hơn 90%...

Bộ trưởng Mai Tiến Dũng thốt lên: “Nhiều tỉnh thành vẫn lạc hậu, chậm thay đổi, thích ứng quá! Để tôi điện thoại trực tiếp cho Bí thư, Chủ tịch tỉnh để trao đổi việc này”.

Tổ trưởng Tổ công tác của Thủ tướng lo ngại, thời gian đến cuối năm 2020 không còn dài, yêu cầu các địa phương tích cực, quyết liệt để đẩy mạnh những thực hiện những nội dung Thủ tướng đã chỉ đạo về xây dựng Chính phủ điện tử, cải cách thủ tục hành chính.

Bộ trưởng “ấn định” 7 địa phương đến hết tháng 11/2020 hoàn thành việc kết nối với hệ thống thông tin báo cáo quốc gia, bảo đảm được mục tiêu kết nối 70% ở cấp tỉnh, 60% cấp huyện, 30% cấp xã, phường, thị trấn.

Về việc kết nối dịch vụ công với Cổng dịch vụ công quốc gia, Bộ trưởng Dũng cũng “chốt”đến hết năm 2020, có 30% dịch vụ công ở các địa phương phải thực hiện.

“Phải làm cho cả cán bộ và người dân, doanh nghiệp hiểu dịch vụ công trực tuyến là thuận lợi, hiệu quả, là công cụ để triệt tiêu tiêu cực. Gửi nhận giấy tờ trực tuyến, giải quyết hồ sơ qua mạng thì có phong bì cũng không thể nhét vào đâu được, “đỡ” cho người dân, doanh nghiệp rất nhiều” – Tổ trưởng Tổ công tác của Thủ tướng nói.

Chính phủ điện tử, theo đó, được khẳng định không chỉ giúp việc điều hành của Chính phủ mà tất cả dữ liệu, thông tin được chia sẻ, khai thác thuận tiện cũng giúp hoạt động của chính các địa phương.