Vị già làng mang sắc phục Công an ở Thượng Minh

Bài 1: Trăn trở về một tộc người "không biết xếp vào đâu"

Đi cùng với chúng tôi, anh Ma Đình Quan, Phó Chủ tịch UBND xã Hồng Quang bảo: "Mời đoàn xuống thăm cổng làng. Chiếc cổng này do "Già làng" Đỗ Tiến Thùy tặng bà con Thượng Minh"…

Tuyên Quang có lẽ là một trong những tỉnh trung du, miền núi phía Bắc có hệ thống đường giao thông khá tốt. Ngoài các tuyến quốc lộ, đường nội tỉnh về đến nhiều thôn bản đều được thảm nhựa hoặc bê tông phẳng lì. Vậy mà cũng phải mất 2 giờ đồng hồ từ TP Tuyên Quang, chiếc ôtô 5 chỗ của chúng tôi mới vào đến thôn Thượng Minh. Ngay đầu thôn, sừng sững chiếc cổng làng bằng bê tông, phía dưới khung hợp kim mái lợp ngói đỏ có hàng chữ "Làng văn hóa thôn Thượng Minh".

Đi cùng với chúng tôi, anh Ma Đình Quan, Phó Chủ tịch UBND xã Hồng Quang bảo: "Mời đoàn xuống thăm cổng làng. Chiếc cổng này, do "Già làng" Đỗ Tiến Thùy tặng bà con Thượng Minh"… Chúng tôi trầm trồ ngắm chiếc cổng làng khang trang bằng bê tông cốt thép, có 2 cột trụ hình chóp được trang trí bằng những viên đá cuội to dán quanh thân cột. Ở một chân cột, có gắn tấm biển: "Đại tá Đỗ Tiến Thùy, Phó Giám đốc Công an tỉnh Tuyên Quang, kính tặng".

Thôn Thượng Minh thuộc xã Hồng Quang, huyện Lâm Bình, là địa bàn cư trú của một số dân tộc anh em như người Kinh, người Pà Thẻn, người Dao… Từ năm 2015 trở về trước, có một nhóm người được gọi là tộc Thủy, gồm vài chục nóc nhà với khoảng 140 khẩu. Trước đây, khi bà con ra ủy ban làm giấy tờ tùy thân, tờ khai có phần ghi "Dân tộc", họ tự nhận mình là "Thủy".

Bài 1: Trăn trở về một tộc người không biết xếp vào đâu - 1

Đại tá Đỗ Tiến Thùy thường xuyên gần gũi, nắm bắt nguyện vọng của bà con Thượng Minh. Ảnh: CTV

Bà con khai thế nào thì cán bộ xã xác nhận vậy, từ bao đời nay mọi việc vẫn thế. Tuy nhiên, cùng với sự phát triển của đời sống xã hội, đặc biệt là sự hoàn thiện các quy định pháp luật về dân cư và các chính sách ưu đãi đồng bào dân tộc thiểu số, vùng sâu, vùng xa… thì việc khai thành phần dân tộc phải được chuẩn hóa. Trong danh mục 54 dân tộc Việt Nam, theo các quy định của pháp luật đã được minh định từ nhiều năm trước, không có dân tộc nào là "Thủy". Đây chính là vướng mắc khó gỡ khi triển khai thực hiện Đề án 06 của Chính phủ. Vì thông tin cập nhật phải đảm bảo các yêu cầu "đúng, đủ, sạch, sống" thì hệ thống mới chấp nhận dữ liệu được nhập và việc khai thác, sử dụng dữ liệu mới phát huy được hiệu quả.

Vướng mắc này được Đảng ủy, Ban Giám đốc Công an tỉnh Tuyên Quang trăn trở, bàn bạc tìm cách tháo gỡ. Nhiều tổ công tác được cử về Thượng Minh khảo sát, đánh giá; riêng Đại tá Đỗ Tiến Thùy, Phó Giám đốc Công an tỉnh, phụ trách mảng quản lý hành chính và phong trào, đã nhiều lần về Thượng Minh, vào từng hộ dân thăm hỏi, nắm bắt tâm tư, nguyện vọng và những khó khăn của bà con.

Trao đổi với PV, Đại tá Đỗ Tiến Thùy cho biết: "Trong quá trình lực lượng Công an cơ sở làm căn cước công dân (CCCD) theo đề án của Chính phủ, chúng tôi được anh em báo cáo vướng mắc là, ở thôn Thượng Minh có một nhóm người nhận mình là người dân tộc Thủy. Đây là vấn đề đã tồn tại nhiều năm, mặc dù chính quyền các cấp rất quan tâm tháo gỡ nhưng chưa tìm được cách giải quyết triệt để. Qua nghiên cứu, tôi thấy không có người Thủy trong danh mục 54 dân tộc Việt Nam, trong các văn kiện của Đảng và Nhà nước cũng không có tên dân tộc Thủy".

Do "dân tộc Thủy" không nằm trong danh mục các dân tộc được công nhận tại Việt Nam nên không "xếp họ vào đâu được", vì dữ liệu không sạch, không đủ, nên không thể cấp được CCCD cho bà con. Cũng bởi vướng mắc này mà đồng bào gặp nhiều khó khăn trong giải quyết các thủ tục tư pháp, giấy tờ tùy thân và chịu nhiều thiệt thòi về quyền lợi trong tiếp nhận và hưởng các chế độ chính sách ưu đãi của Nhà nước với người dân tộc thiểu số. Điển hình là trẻ em sinh ra khó có căn cứ làm khai sinh, khi đến tuổi không làm được CCCD, khó khăn trong thủ tục cấp Bảo hiểm y tế, Bảo hiểm thất nghiệp, xếp loại hộ nghèo… Các ưu đãi phát triển kinh tế, xã hội đối với dân tộc miền núi họ không được hưởng.

Đảng ủy, Ban Giám đốc Công an tỉnh đã dành nhiều thời gian bàn bạc và đề ra quyết tâm phải giải quyết triệt để vấn đề này, nhằm thực hiện tốt Đề án 06 và bảo đảm quyền lợi của bà con cũng như an ninh trong vùng đồng bào dân tộc, không để nảy sinh mầm mống mất đoàn kết, mâu thuẫn dân tộc tại Thượng Minh. Lại thêm nhiều chuyến công tác của Đại tá Đỗ Tiến Thùy và các đơn vị chức năng của Công an tỉnh, huyện và các ban, ngành tỉnh Tuyên Quang. Qua công tác nắm tình hình tại thôn Thượng Minh, ngoài số người dân tự nhận thuộc tộc Thủy còn người Pà Thẻn, người Dao, người Kinh. Con gái người Thủy lấy chồng dân tộc khác thì con cái khai dân tộc theo bố và ngược lại để được hưởng các chế độ ưu đãi của Nhà nước. Người Thủy kết hôn với người Thủy thì không chuyển được thành phần dân tộc, dẫn đến thực tế số người Thủy rất ít tại địa phương.

"Qua nhiều lần thăm gặp, nắm bắt tâm tư, chúng tôi nảy ra ý tưởng vận động bà con ghép vào một dân tộc cùng thôn có nhiều nét tương đồng. Tìm hiểu kỹ, chúng tôi thấy ghép với dân tộc Pà Thẻn là phù hợp nhất vì bà con sống cùng địa bàn, có nhiều nét tương đồng về văn hóa, sinh hoạt" - Đại tá Đỗ Tiến Thùy nhớ lại. 

Những ngày sau đó, Đại tá Thùy và các tổ công tác thường xuyên về Thượng Minh phối hợp cùng Sở Tư pháp và UBND huyện Lâm Bình tuyên truyền, vận động, phân tích cho bà con hiểu rõ những quyền lợi nếu ghép vào dân tộc Pà Thẻn; những khó khăn, vướng mắc nếu vấn đề không được giải quyết triệt để. "Lúc đầu bà con rất băn khoăn. Tên mình một dấu chấm, dấu phẩy đã khác rồi mà! Mình cứ lên vận động, bà con nghe xuôi tai thì họ đồng ý, nhưng mình về là bà con lại tập hợp bàn lại. Họ lại không đồng tình, sợ cán bộ không giữ lời hứa. Thời gian sau thì có người đồng ý, người không đồng ý", Đại tá Thùy kể lại những ngày vất vả về địa bàn, tuyên truyền, vận động bà con.

Bài 1: Trăn trở về một tộc người không biết xếp vào đâu - 2

Cuộc sống của bà con người Pà Thẻn (Thủy) ở Thượng Minh ngày càng được nâng cao cả về vật chất và tinh thần.

Trong quá trình đó, bà con người Thủy cũng rất tâm tư. Họ viết tâm thư gửi Chính phủ; đề nghị các cơ quan, thậm chí nhờ cả Bảo tàng Dân tộc học tìm giúp các dấu tích, tài liệu chứng minh nguồn gốc tộc Thủy… Qua nhiều lần vận động, động viên và cả cam kết (từ phía công an), bà con dần hiểu ra vấn đề; các vướng mắc của người Thủy cơ bản được giải quyết. Bà con nhất trí tự nguyện cam kết ghép cùng dân tộc Pà Thẻn. Lúc được sự đồng tình của người dân, thì lại phải "thuyết phục" các cơ quan chức năng của tỉnh và báo cáo Bộ Công an, Bộ Tư Pháp và một số cơ quan của Quốc hội. Sau khi có sự thẩm định và ý kiến chỉ đạo, trả lời đồng ý của các cơ quan chức năng, Công an tỉnh Tuyên Quang lập tức điều động CBCS vận chuyển máy móc, phương tiện về tận thôn Thượng Minh tổ chức làm CCCD cho bà con.

Khi đó vẫn đang thời kỳ dịch Covid-19, song mọi ưu tiên làm CCCD đều được dành cho Thượng Minh. Cán bộ chiến sĩ Công an tỉnh, huyện, xã đã phối hợp nhịp nhàng, khẩn trương hoàn thành cấp CCCD cho dân. Trong dữ liệu dân cư, thành phần dân tộc của bà con không mất đi mà được ghi là "Pà Thẻn (Thủy)"; tạm coi "Thủy" là một nhánh của dân tộc Pà Thẻn chứ không xóa bỏ, để bà con sau này không lo mất gốc. Tiếng nói, trang phục truyền thống và bản sắc của bà con tộc Thủy vẫn được giữ nguyên và phát triển trong cộng đồng các dân tộc Việt Nam.

Theo cand.com.vn