200 triệu người phải di dời do biến đổi khí hậu vào năm 2050

(Dân trí) - Theo báo cáo của Liên hợp quốc (LHQ), đến năm 2050 sẽ có đến 200 triệu người trên thế giới phải di dời do biến đổi khí hậu (BĐKH). Trong đó, Việt Nam là một trong những nước bị ảnh hưởng nặng nề nhất.

200 triệu người phải di dời do biến đổi khí hậu vào năm 2050 - 1
Việt Nam là một trong những nước bị ảnh hưởng nặng nề nhất đối với hiện tượng nước biển dâng do BĐKH (ảnh minh họa)

Ngày 13/4, LHQ đã giới thiệu Báo cáo toàn cầu về Định cư con người 2011 của Chương trình định cư Con người LHQ: “Thành phố và biến đổi khí hậu” tại Hà Nội.

Báo cáo xem xét mối quan hệ giữa đô thị hóa và vấn đề BĐKH, những ảnh hưởng của nó tới cư dân đô thị và những chính sách để ứng phó với BĐKH ở khu vực đô thị.

Hiện nay, hơn một nửa dân số thế giới đang phải sống tại các đô thị và đang tăng dần theo thời gian. Sức tiêu thụ và lối sống đô thị ngày càng gia tăng khiến cho tốc độ BĐKH càng nhanh chóng.

Số liệu báo cáo cho thấy, đến năm 2050 sẽ có đến 200 triệu người trên thế giới phải di dời do BĐKH và ước tính đến năm 2070, hầu hết các thành phố nằm trong Top 10 có nguy cơ ngập lụt đều thuộc các quốc gia đang phát triển (đặc biệt ở Trung Quốc, Ấn Độ và Thái Lan).

Cũng theo báo cáo, các thành phố phải chịu trách nhiệm tới 70% lượng phát thải khí nhà kính trong khi chỉ chiếm có 2% diện tích. Khi lượng phát thải khí nhà kính tăng, kéo theo một hệ quả là sự nóng lên toàn cầu và sẽ làm cho mực nước biển dâng.

Trong khi đó, Việt Nam lại là một trong những nước bị ảnh hưởng nặng nề nhất bởi BĐKH và đặc biệt là hiện tượng nước biển dâng, tăng sự xâm mặn, lượng mưa tăng và hạn hán trầm trọng hơn.

Theo ông Nguyễn Quang, Giám đốc Chương trình định cư Con người LHQ, có một số lượng lớn các thành phố, cơ sở hạ tầng chính và khu công nghiệp nằm dọc ven biển của Việt Nam.

Một báo cáo của ADB năm 2009 cũng cho thấy rằng sẽ có hàng triệu người dân Việt Nam sẽ bị ảnh hưởng bởi BĐKH trong một vài thập kỷ tới. Thậm chí, TPHCM và Hải Phòng nằm trong số các thành phố bị ảnh hưởng nghiêm trọng nhất trên thế giới bởi BĐKH.

Những thách thức trong đô thị trong phát triển đô thị mà các thành phố hiện đã và đang phải đối mặt như cung ứng nhà ở và cơ sở hạ tầng, di dân, sự xuống cấp của môi trường đang trở nên nghiêm trọng hơn dưới tác động của BĐKH, ví dụ như sức ép ngày càng tăng đối với việc cấp nước và sử dụng đất.

“Chính vì vậy, các thành phố của Việt Nam nên xây dựng các chiến lược phát triển thành phố với các giải pháp nhằm tăng khả năng thích ứng với BĐKH và các biện pháp giảm thiểu phát thải khí nhà kính cũng như thúc đẩy sáng kiến về thành phố sinh thái trong các chương trình hành động cụ thể” – ông Quang kiến nghị.

Lan Hương