Đến thăm làng nghề phở sắn độc nhất vô nhị ở Quảng Nam

(Dân trí) - Thị Trấn Đông Phú (huyện Quế Sơn, Quảng Nam) được biết đến với làng nghề truyền thống phở sắn có từ lâu đời. Món phở sắn tuy dân dã, mộc mạc nhưng có sức hút kỳ lạ, kỳ vọng sẽ mở ra một hướng phát triển cho những người dân nơi đây. Đây cũng là làng nghề có một không hai ở Quảng Nam nói riêng và cả nước nói chung.

Đến với Quế Sơn, ngoài món đặc sản gà tre Đèo Le nổi tiếng còn có một món ăn dân dã, mộc mạc nhưng đậm đà hương vị quê hương đó là phở sắn.

Ông Trương Đăng Nhẫn bên thiết bị tạo hình bán tự động cho sợi phở sắn
Ông Trương Đăng Nhẫn bên thiết bị tạo hình bán tự động cho sợi phở sắn

Từ lâu đời, cây sắn (khoai mì) trở thành cây lương thực quan trọng nuôi sống con người và chăn nuôi gia súc, gia cầm. Người Quế Sơn cần cù, chịu khó và giàu sáng kiến đã biến loại cây chủ lực quê mình thành món đặc sản mà “ăn một lần là nhớ mãi”. Giờ đây phở sắn đang kỳ vọng sẽ mở ra một hướng đi phát triển cho người dân nơi đây.

Vực dậy một làng nghề

Theo các bậc cao niên, phở sắn Quế Sơn được hình thành và phát triển vào những năm đầu thập niên 60 của thế kỷ XX. Nhưng do chiến tranh, loạn lạc và các yếu tố xã hội khác tác động, mãi đến giữa thập niên 80 cây sắn mới lại được đưa vào đầu tư canh tác và phát triển.

Sợi phở sắn trắng mịn, đều và đẹp mắt
Sợi phở sắn trắng mịn, đều và đẹp mắt

Nghề phở sắn cũng được khởi động trở lại ở các địa phương trung du của huyện Quế Sơn như: thị trấn Đông Phú, xã Quế Châu, Quế Thuận, Quế Minh... Nhưng đông nhất và tập trung chủ yếu là tại tổ dân phố Thuận An của thị trấn Đông Phú.

Làng nghề phở sắn Đông Phú hiện có 12 hộ gia đình và hơn 40 lao động tham gia sản xuất. Trước đây, khi chưa được người tiêu dùng biết đến, nên mỗi hộ làm nghề này chỉ để trang trải kiếm thêm thu nhập trong gia đình. Mỗi ngày, mỗi hộ chỉ làm được 15-20 kg phở sắn, với giá bán từ 3.000-3.500 đồng/kg.

Niềm vui từ sự đổi mới của quê hương nhờ món ăn dân dã đậm chất quê hương
Niềm vui từ sự đổi mới của quê hương nhờ món ăn dân dã đậm chất quê hương

Năm 2012, làng nghề phở sắn do ông Dương Ngọc Xinh làm đại diện được Trung tâm khuyến nông và tư vấn công nghệ Quảng Nam phối hợp với Phòng Kinh tế hạ tầng huyện Quế Sơn hỗ trợ thiết bị công nghệ, tạo hình bán tự động cho sợi phở sắn, trị giá 60 triệu đồng làm thí điểm để nhân rộng làng nghề.

Nhờ áp dụng công nghệ đã giải phóng bớt sức lao động cho người làm nghề, bên cạnh đó sợi phở cũng được ép mịn hơn, nhanh, đều và đẹp mắt hơn.

Sợi phở sắn giống như “hàng rào B40”
Sợi phở sắn giống như “hàng rào B40”

Nhiều năm trở lại đây nghề làm phở sắn Quế Sơn có nhiều khởi sắc. Tiếng tăm món phở mang tên vùng đất anh hùng, với những con người cần cù, giàu ý chí bắt đầu lan dần khắp các tỉnh, thành khác.

Bà Trần Thị Chung – một người làm phở sắn ở đây - cho biết: “Nhận thấy hữu ích của công nghệ, tôi mạnh dạn vay vốn ngân hàng chính sách xã hội huyện đầu tư gần 50 triệu đồng để nâng cấp lại thiết bị của mình theo mô hình bán tự động. Hiện nay, mỗi ngày trung bình sản xuất được 50-60kg phở sắn, bán cho các tiểu thương với giá 20.000 đồng/kg. Ước tính mỗi tháng sau khi trừ các chi phí thu lãi gần 10 triệu đồng, bình quân thu nhập đầu người là 3-4 triệu/người/tháng”.

Phở sắn phải phơi cho tròn một nắng
Phở sắn phải phơi cho tròn một nắng

Ông Trương Đăng Nhẫn (tổ trưởng tổ làng nghề phở sắn Đông Phú, Quế Sơn), cho biết: “Phở sắn Quế Sơn ngày càng được thị trường ưa chuộng, chọn làm món quà mang hương vị quê hương. Nhưng hiện nay, đầu ra sản phẩm còn hạn chế so với số lượng có thể làm ra mỗi ngày. Chúng tôi cũng đã từng mang sản phẩm đi dự triễn lãm để quảng bá với mong muốn mở rộng thị trường. Hy vọng thời gian tới thương hiệu phở sắn Đông Phú sẽ vươn xa hơn nữa để mở ra hướng đi ổn định hơn cho người dân nơi đây”.

UBND tỉnh Quảng Nam cũng đã ban hành quyết định về việc công nhận phở sắn Đông Phú - huyện Quế Sơn là làng nghề của tỉnh Quảng Nam. Đăng ký bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ về nhãn hiệu tập thể Đông Phú cho sản phẩm phở sắn theo giấy chứng nhận của Cục Sở hữu trí tuệ Bộ KH-CN từ năm 2009.

Đậm đà một hương vị quê hương

Sợi phở sắn người ta vẫn thường gọi vui là “hàng rào B40” bởi hình dạng của nó giống những tấm lưới B40. Quy trình làm phở sắn rất công phu, chất lượng làm ra hơn nhau ở chỗ khéo tay và kinh nghiệm tích cóp được. Ngày nào cũng vậy, để kịp giao hàng cho khách, thợ làm sắn phải dậy từ sáng tinh mơ để ngâm, trộn và ép bột.

Đặc sản phở sắn, niềm tự hào của người Quế Sơn
Đặc sản phở sắn, niềm tự hào của người Quế Sơn

Trước tiên củ sắn được xay ra thành bột. Bột sắn ngâm khử độ chua, sau đó khuấy thành hồ. Thời gian ngâm bột có thể kéo dài đến khi nào đạt độ trong, khử được vị chua trong sắn.

Để làm bánh sắn, đầu tiên cho bột tinh vào nồi bắt lên bếp khuấy đều tay (hiện nay dùng máy móc để khuấy), đun nhỏ lửa cho bột chín đều và khỏi bị cháy sém dưới đáy nồi. Sau khi bột chín, để nguội rồi bỏ lên máy ép các sợi bột nhỏ, các sợi trong sẽ rơi xuống. Người thợ nhanh tay đưa vỉ vào để hứng, các sợi phở nhỏ đan lồng vào nhau như hình mắc lưới. Những tấm phở này sẽ được mang đi phơi khô sao cho tròn một nắng.

Giấy chứng nhận, bình chọn là sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu năm 2014 của ông Trương Đăng Nhẫn
Giấy chứng nhận, bình chọn là sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu năm 2014 của ông Trương Đăng Nhẫn

Phở sắn Quế Sơn thơm ngon, khó lẫn với bất kỳ món quà quê nào bởi nguyên liệu được chắt lọc từ sự tinh túy nhất của cây sắn và một quy trình chế biến hết sức công phu, kỹ lưỡng qua bàn tay khéo léo, tài hoa của những người thợ nơi đây.

iai đoạn nấu bột sắn tinh để cho ra những sợi sắn trắng, dẻo, dai thơm ngon
iai đoạn nấu bột sắn tinh để cho ra những sợi sắn trắng, dẻo, dai thơm ngon

Từ sợi phở sắn Quế Sơn có thể chế biến ra nhiều món ăn hấp dẫn. Trong đó hấp dẫn và lôi cuốn nhất có lẽ là món phở sắn nấu với cá lóc đồng. Vị dai dai, bùi bùi của sợi phở, vị ngọt của cá lóc đồng, vị giòn giòn chát chát của bắp chuối non cùng những hương vị tươi ngon, thơm mát của các loại rau đồng quê... Tất cả hòa quyện, cộng hưởng cùng nhau tạo nên một hương vị quê nhà khó cưỡng.

Món ăn dân dã, mộc mạc mà thân thương giờ đã góp phần giúp người dân Quế Sơn thay da đổi thịt, đường làng ngõ xóm được bê tông hóa, nhà ngói, nhà cao tầng mọc lên san sát nhau... mở ra một hướng phát triển bền vững cho người dân nơi đây.

Nghề làm phở sắn ở Quế Sơn

Ông Bùi Văn Minh – Phó Chủ tịch thị trấn Đông Phú (Quế Sơn, Quảng Nam) cho biết: “Hiện nay ở Đông Phú còn một vài hộ vẫn còn sử dụng phương pháp thủ công để sản xuất phở sắn. Nghề phở sắn luôn là nghề chủ đạo mang lại nguồn thu nhập chính cho người dân Thuận An và họ vẫn ngày đêm cố gắng giữ lửa nghề, tâm huyết cha ông từ bao đời nay. Chúng tôi sẽ cố gắng làm hết sức để góp phần đưa phở sắn Quế Sơn đến nhiều thị trường tiềm năng hơn nữa, khẳng định thương hiệu phở sắn truyền thống”.

N.Linh-C.Bính