Chương trình biểu diễn thực cảnh Ấn tượng Hạ Long: Sản phẩm du lịch cho đêm Hạ Long

(Dân trí) - Công ty TNHH MTV Phát triển du lịch Chúng Phát (Tập đoàn Chúng Phát, Ma Cao, Trung Quốc) vừa có đề xuất đầu tư Dự án “Biểu diễn thực cảnh Ấn tượng Hạ Long” tại khu vực Quảng trường Cột 3, phường Hồng Hải (TP Hạ Long). Đây được coi là vị trí “đắc địa”, bởi nơi đây đã và đang có quy hoạch cho hàng loạt dự án đầu tư cơ sở hạ tầng lớn phục vụ cho du lịch, như Bảo tàng - Thư viện, Quảng trường, Cung quy hoạch và triển lãm, khách sạn cao cấp, bến du thuyền, cảng khách...

Quá trình tìm hiểu đầu tư tại Quảng Ninh, Công ty Chúng Phát đã sớm nhận ra, du lịch trên địa bàn hiện phong phú về sản phẩm du lịch ngày nhưng lại nghèo sản phẩm du lịch cho đêm Hạ Long. Việc đầu tư chương trình biểu diễn thực cảnh trên Vịnh Hạ Long chính là để phục vụ nhu cầu vui chơi, giải trí của du khách vào buổi tối. Tại Trung Quốc, chương trình biểu diễn thực cảnh Ấn tượng chị Lưu Ba tại trấn Dương Sóc, Quế Lâm (Quảng Tây, Trung Quốc) khá nổi tiếng, được nhiều người biết đến và được xem là cơ hội “đổi đời” cho mảnh đất nghèo Dương Sóc năm nào.

Chương trình biểu diễn thực cảnh Ấn tượng Hạ Long: Sản phẩm du lịch cho đêm Hạ Long - 1

 

Bà Dương Mẫn, Giám đốc điều hành dự án tại Việt Nam (Tập đoàn Chúng Phát, Ma Cao, Trung Quốc) giới thiệu về khu vực xây dựng chương trình biểu diễn thực cảnh tại cuộc họp với lãnh đạo tỉnh, các sở, ban, ngành, đơn vị ngày 1-7-2015.

Không giống Dương Sóc phát triển du lịch gần như từ con số không, Vịnh Hạ Long đã được vinh danh di sản - kỳ quan thế giới, chính vì vậy, Quảng Ninh kỳ vọng sản phẩm du lịch này sẽ ở đẳng cấp cao hơn, tạo sức hút với không chỉ du khách châu Á mà là du khách toàn thế giới. Theo giới thiệu của lãnh đạo Tập đoàn Chúng Phát, chương trình biểu diễn thực cảnh Ấn tượng Hạ Long sẽ tương tự như tại nước bạn, nhưng khác với Dương Sóc là vùng sông ngòi, chương trình tại Hạ Long sẽ trình diễn ở sân khấu nổi trên biển, khán đài tựa lưng vào núi, hướng ra biển, sử dụng các dãy núi trên Vịnh để tạo bối cảnh Hạ Long. Với khung cảnh non nước tự nhiên này, các màn biểu diễn thực cảnh sẽ thể hiện các truyền thuyết dân gian, văn hoá và con người Hạ Long, ứng dụng công nghệ la-ze tiên tiến tạo hiệu ứng biểu diễn đặc biệt. Dự kiến, chương trình diễn ra trong khoảng 65-75 phút, có sự tham gia của 480 diễn viên và nhân viên.

Cùng với sân khấu, khán đài nổi trên biển được thiết kế phục vụ hàng nghìn du khách mỗi “show” diễn, dự án còn đề xuất đầu tư một cây cầu dẫn nối từ bờ ra khán đài trên Vịnh. Bà Dương Mẫn, Giám đốc điều hành dự án tại Việt Nam của Tập đoàn Chúng Phát, phân tích: Xây cầu dẫn là chúng tôi tính đến việc phục vụ cho từ 4.000-5.000 khán giả của “show” diễn thứ 2 trong một đêm diễn. Nếu có cầu sẽ đảm bảo việc di chuyển của khán giả được an toàn hơn là sử dụng tàu, thuyền. Đây cũng là một hạng mục đầu tư lớn trong dự án, nếu bỏ chúng tôi sẽ giảm bớt về kinh phí nhưng sẽ giảm về sức hấp dẫn và không đảm bảo an toàn cho du khách. Cây cầu được thiết kế không chỉ để chống sự ăn mòn của nước biển, chống được bão gió mà còn được thiết kế đẹp, mộng mơ cho du khách tham quan gắn với chương trình biểu diễn thực cảnh Hạ Long. Nó cũng là 1 sản phẩm văn hoá chứ không chỉ thuần tuý là phương tiện giao thông...

Chuẩn bị cho dự án này, cũng theo bà Dương Mẫn, Công ty Chúng Phát đã có một quá trình làm việc, khảo sát kỹ thực tế tại Quảng Ninh. Dự án có tổng mức đầu tư rất lớn, dự kiến trên 50 triệu USD (hơn 1.000 tỷ VND). Khâu chuẩn bị nếu triển khai ngay từ bây giờ thì dự kiến đến cuối năm 2016 sẽ chính thức công diễn chương trình.

Thiện chí của tỉnh

Xác định sản phẩm dự án đem lại sẽ rất độc đáo, hấp dẫn lại là sản phẩm mới lạ, phục vụ cho du lịch đêm của Hạ Long - thứ mà Quảng Ninh đang thiếu, tại cuộc họp nghe doanh nghiệp trình bày ý tưởng về dự án vào ngày 1-7 vừa qua, lãnh đạo tỉnh Quảng Ninh cũng như đại diện các sở, ban, ngành, địa phương liên quan đều bày tỏ sự đồng thuận, nhất trí cao với việc đầu tư dự án.

Không chỉ đồng thuận, tỉnh đã chỉ đạo các đơn vị vào cuộc hỗ trợ cho doanh nghiệp những điều kiện thuận lợi, tháo gỡ những khó khăn trong quá trình triển khai dự án. Đơn cử như với vướng mắc về luồng tuyến, tỉnh giao Sở GT-VT làm việc với các ngành chức năng để điều chỉnh về luồng tuyến, đưa ra phía ngoài khu vực dự án. Các đơn vị cũng lưu ý doanh nghiệp cần nghiên cứu giải pháp xử lý phù hợp với các hạng mục đầu tư theo thực tế vùng nước, điều kiện khí hậu, thuỷ triều cũng như các quy hoạch công trình khu vực lân cận... Về kịch bản chương trình, đồng chí Nguyễn Đức Long, Phó Bí thư Tỉnh uỷ, Chủ tịch UBND tỉnh, yêu cầu: Kịch bản biểu diễn thực cảnh phải đảm bảo đây là một chương trình  hấp dẫn, “độc nhất vô nhị” gây ấn tượng cho du khách toàn thế giới. Quảng Ninh có một nền văn hoá Hạ Long riêng, hội tụ văn hoá vùng đồng bằng sông Hồng, vì vậy, mong muốn thực cảnh phải toát lên văn hoá Việt Nam, văn hoá của Hạ Long, thể hiện tích “rồng hạ” độc đáo cho du khách hiểu hơn về truyền thuyết này khi đến với Vịnh Hạ Long. Cần có chuyên gia văn hoá của Việt Nam tham gia vào kịch bản để hiện thực hoá ý tưởng tuyệt vời này của nhà đầu tư…

Tất cả đều cho thấy thiện chí của tỉnh với mục tiêu đảm bảo cho doanh nghiệp đầu tư có hiệu quả cao, đem lại sản phẩm du lịch tốt nhất cho Hạ Long, Quảng Ninh.

Theo Ngọc Mai

Báo Quảng Ninh