Nettop Atom: Vừa túi tiền với người “nhập môn” CNTT

Những máy tính để bàn sơ cấp Nettop được dùng để chỉ các máy tính để bàn sử dụng bộ vi xử lý Intel Atom có thiết kế nhỏ gọn, tiết kiệm điện năng và giá thành hợp lý.

Gần 2 năm trước, thị trường máy tính Việt Nam bùng nổ những chiếc máy tính để bàn với mẫu mã nhỏ gọn. Dòng sản phẩm này được gọi bằng một cái tên “ngồ ngộ”: Nettop - thuật ngữ của Intel đưa ra trên thị trường cách đây gần 4 năm và giờ đây dòng sản phẩm này được Intel gọi là những máy tính để bàn sơ cấp.

Mở đầu một xu hướng

Những máy tính để bàn sơ cấp được dung để chỉ các máy tính để bàn sử dụng bộ vi xử lý Intel Atom có thiết kế nhỏ gọn, tiết kiệm điện năng và giá thành hợp lý. Đúng với tên gọi, dòng sản phẩm này được các nhà sản xuất hướng tới những đối tượng sử dụng phổ thông, với những nhu cầu cơ bản như: lướt web, xử lý ứng dụng văn phòng, xem phim, chơi game phổ thông... Được sử dụng là bộ não của dòng sản phẩm này, bộ xử lý Atom không chỉ phát huy những ưu điểm như tiêu thụ điện năng ít, mức độ tỏa nhiệt thấp mà còn có giá trị là giá thành của máy rẻ vì giá của Atom thấp hơn nhiều lần so với các dòng xử lý khác được bán rộng rãi trên thị trường. Tập đoàn Intel cho biết 65% nettop bán ra tại khu vực châu Á – Thái Bình Dương (APAC) có giá từ 200-400 USD, 35% trong số này có giá từ 200 - 300 USD, trong quý 3/2009, dòng sản phẩm máy tính để bán sơ cấp này chiếm 7% trong thị trường máy tính để bàn khu vực APAC, các kênh bán lẻ khu vực Đông Nam Á chiếm 19% thị phần dòng sản phẩm máy tính để bán sơ cấp này bán ra trong APAC, phần lớn khách hàng là người lần đầu tiên mua máy tính, và tính từ quý 4/2008 đến quý 2/2009, lượng máy tính để bàn và dòng sản phẩm máy tính để bán sơ cấp này bán ra trong khu vực Đông Nam Á tăng 24%.

Từ khi dòng sản phẩm bộ vi xử lý Intel Atom xuất hiện nhiều trên thị trường thông qua nhóm sản phẩm như netbook và máy tính để bán sơ cấp, Intel không giấu tham vọng sẽ “điều chỉnh hành vi tiêu dùng” của người tiêu dùng tại các thị trường mà nền công nghệ thông tin mới phát triển. Thông điệp đó đã nhiều lần được Intel tại Việt Nam và nhiều nhà sản xuất máy tính truyền đi tại các hội nghị khách hàng hoặc các chương trình giới thiệu sản phẩm mới. Ông Phạm An Dương, Giám đốc Marketing của Intel Việt Nam cho rằng, với nhóm tiêu dùng có thu nhập thấp như công nhân, viên chức, sinh viên, học sinh, kể cả các doanh nghiệp vừa và nhỏ chỉ có những nhu cầu cơ bản như sử dụng những ứng dụng văn phòng, xem phim độ phân giải thấp, nghe nhạc, lướt web…, bộ vi xử lý Atom là sự lựa chọn tốt nhất. “Thay vì đi mua những sản phẩm đã qua sử dụng, với số tiền 4 – 5 triệu đồng, người tiêu dùng hoàn toàn có quyền sử dụng những sản phẩm mới với những bộ Nettop. Nếu biết sử dụng, những bộ máy tính này sẵn sàng đáp ứng những nhu cầu sử dụng hàng ngày”, ông Dương nói thêm về vai trò của những bộ Nettop trong những ngôi nhà mới bắt đầu sử dụng.

Song song với việc phát triển các sản phẩm máy tính khác, các nhà sản xuất và lắp ráp máy tính trên thế giới cũng như tại Việt Nam liên tục đưa ra các dòng sản phẩm máy tính để bán sơ cấp sử dụng các bộ vi xử lý Intel Atom mới nhất vào những sản phẩm của mình như Atom D410 và D510 với các mức giá chỉ hơn 6 triệu một chút và đã có màn hình đi kèm.  
 
Nettop Atom: Vừa túi tiền với người “nhập môn” CNTT - 1
Nettop Atom: Vừa túi tiền với người “nhập môn” CNTT - 2
Bộ máy tính để bàn sơ cấp của Silicom SingPC E441 hiện đang bán trên thị trường với giá 6,061,000 đồng (bao gồm VAT), sử dụng bộ vi xử lý Intel Atom D410 và có sẵn màn hình LCD 18,5 inch

Nhiều chương trình tiếp thị

Không chỉ chú trọng đến các đối tượng như doanh nghiệp vừa và nhỏ mà Intel Việt Nam, thông qua các đối tác đã thực hiện chương trình nhiều chương trình phổ cập tin học cho giáo viên, học sinh… Trong đó, chương trình “Máy tính học đường” chính thức khởi động từ tháng 8/2009 cho đến năm 2011 với mục tiêu: 1 triệu máy tính giá rẻ cho các đối tượng trên. Thực hiện chương trình trên, vào khoảng cuối năm 2008, các nhà lắp ráp máy tính trong nước đã tổ chức những chương trình bán hàng với sự tham gia của các nhà sản xuất linh kiện và nhà nhập khẩu. Trong chương trình “Lộc xuân Atom” (thực hiện từ tháng 12/ 2008 – 6/2009), Silicom đã bán được khoảng 26.500 bộ. Nhiều nhà phân phối khác như: CMS, Huetronics, Anh Đức… tham gia chương trình “máy tính cho ngành Y” do bộ Y tế, Intel và tập đoàn bưu chính viễn thông Việt Nam (VNPT) cùng phối hợp triển khai để giúp nhân viên ngành y tế tiếp cận với máy tính… Đây là cơ hội cho người tiêu dùng tiếp cận máy tính với chi phí thấp nhất nhưng đáp ứng mọi nhu cầu sử dụng cơ bản hàng ngày. Một giám đốc kinh doanh hệ thống bán lẻ sản phẩm công nghệ tại TP.HCM nhận xét: “Sở dĩ bộ máy tính Atom bán chạy là do giá rẻ. Trọn bộ có cả màn hình mà giá chỉ hơn 6 triệu đồng một chút là chấp nhận được với nhiều gia đình muốn mua máy tính để học tập và giải trí”.

Cần có một cái nhìn đúng đắn giữa nhu cầu sử dụng và thu nhập của người tiêu dùng, nhất là nhóm đối tượng có nhu cầu “vừa phải” với chiếc máy tính. Thay vì chọn những sản phẩm có cấu hình cao đắt tiền, nên lựa chọn cho ngôi nhà của mình một chiếc máy tính để bán sơ cấp này là giải pháp hợp lý và khôn ngoan nhất.