“Trái tim đàn bà” - “ngọn lửa nhỏ” trong mùa đông lạnh lẽo

(Dân trí) - “Trái tim đàn bà” tập hợp những tản văn của mục “Ngọn lửa nhỏ” trên báo Phụ Nữ kể từ năm 2014 do nhà báo Nguyễn Quỳnh Hương chắp bút. Cuốn sách được xem như một “ngọn lửa nhỏ” sưởi ấm trái tim trong mùa đông lạnh giá.

Chị cho biết: “Chúng tôi mong muốn mỗi sáng đầu tuần, bạn đọc mở báo sẽ có một góc nhỏ của sống chậm, tình yêu thương, quay về những giá trị tự nhiên và nhân bản, tôn trọng và nâng niu khác biệt của mỗi cá nhân... Ở đó là những thủ thỉ như cách chúng ta ngồi bên cạnh người thân thiết của mình. Một cuộc trò chuyện bên cốc trà buổi sáng, có thể chỉ là độc thoại và ta được tin rằng có người đang thích thú lắng nghe mình nói và khi đứng dậy ta thấy yêu cuộc sống này hơn. Cái tên nghe có vẻ hơi “ngôn tình” của quyển sách hóa ra lại cực kỳ thật thà.Thôi thì, từ cái góc nồng ấm của một trái tim đàn bà, mình nhìn cuộc đời vậy…”

Nhà báo Nguyễn Quỳnh Hương - tác giả của Trái tim đàn bà.
Nhà báo Nguyễn Quỳnh Hương - tác giả của "Trái tim đàn bà".

Trải rộng trên các đề tài từ tình yêu thương, tình cảm gia đình, những mối quan hệ xã hội cho đến những vấn đề của đời sống, “Trái tim đàn bà” được tác giả Nguyễn Quỳnh Hương luận bàn bằng những câu chuyện vô cùng dung dị, nhưng gây xúc động mạnh mẽ bởi việc phát hiện ra những điều li ti ngọt ngào của cuộc sống. Và chị hân hoan biến những điều vụn vặn trên thành những dòng viết chân thành và giàu sức truyền cảm.

Tập sách “Trái tim đàn bà” là một điều tâm huyết nhỏ bé được tác giả ấp ủ để dành tặng cho độc giả - “như điều an ủi, như một bàn tay nắm, như lòng biết ơn, như chút hơi ấm - mà chúng ta có thể đền đáp cho đời sống quá đỗi cảm động và kỳ diệu này!”.

Mạch nguồn xuyên suốt của tác phẩm nằm ở tình yêu thương, mà cụ thể hơn chính là tình cảm gia đình và tình yêu cuộc sống. Tình cảm gia đình và đặc biệt là tình mẫu tử được bộc lộ một cách ngọt ngào, gần gũi và ấm áp thông qua những câu chuyện liên quan đến con gái tác giả, và đặc biệt là những dòng viết dường như được viết riêng dành cho mẹ cha và quê hương. Bên cạnh đó, tình yêu thiết tha dành cho cuộc sống cũng là một điểm rõ nét của tập sách “Trái tim đàn bà”. Thể hiện qua những bài viết “nâng niu” hình ảnh phụ nữ và trẻ em, những nương nhẹ nhân văn dành cho bất cứ ai, khuyến khích chúng ta quay về với những giá trị tự nhiên và nhân bản vốn có.

Có lẽ chính bởi cái chất giản dị và trong trẻo, mà bất cứ độc giả nào cũng có thể soi chiếu thấy một phần cuộc sống và con người mình trong từng trang sách, để từ đó dễ dàng đồng cảm và đem lòng yêu mến “Trái tim đàn bà”. Tập sách này có thể được ví như một cốc trà ấm áp vào mùa đông, cốc nước mát khi người đương cơn khát, chăn nệm mềm và thơm sau một ngày mỏi mệt… là tất cả những gì có thể phần nào giúp người đọc trở nên trong trẻo và nhẹ lòng hơn, mặc cho cuộc sống ngoài kia vô số những bộn bề, khốc liệt.

“Trái tim đàn bà” còn mang một nét hấp dẫn khác, quyển sách được thiết kế như một cuốn Art book với một “nhịp kể” khác là những bức tranh của họa sĩ Nguyễn Thanh Bình.

Tranh của họa sĩ Nguyễn Thanh Bình mang màu sắc của sự bình yên, trong sáng và đượm âu yếm, đến từ hình ảnh những người phụ nữ trẻ, những vũ công Ballet duyên dáng hay những em nhỏ ngây thơ. Điều này – một cách vô tình – đã hòa hợp tuyệt đối với tinh thần xuyên suốt của tập sách “Trái tim đàn bà”.

“Trái tim đàn bà” được thiết kế như một cuốn Art book.
“Trái tim đàn bà” được thiết kế như một cuốn Art book.

Nguyễn Quỳnh Hương nói, “Tranh anh Bình là một thế giới tinh khiết của âu yếm ngọt ngào và thanh thản. Xem tranh mẹ con, trẻ nhỏ của Nguyễn Thanh Bình - luôn thấy thân thương. Như dáng hình này, cử chỉ này, tinh thần này... chính là người thân của mình, đứa con của mình, thậm chí chính mình. Anh Bình rất kiệm màu, những màu "signature" của anh không nhiều nhưng biểu cảm mạnh, chỉ riêng với sắc trắng và nâu, Nguyễn Thanh Bình đã kể được "ngàn lẻ một" câu chuyện kỳ thú.

Anh Bình vẽ nỗi buồn, vẽ nhớ nhung, vẽ cô đơn, vẽ ngây thơ, vẽ những ao ước...thì đều được lọc qua thứ ánh sáng trong vắt của một đôi mắt nhìn chưa bao giờ thôi trìu mến. Thế giới mà anh Bình vẽ nên khiến tôi xúc động lắm, nên tôi thật vui mừng và vinh dự khi được họa sĩ Nguyễn Thanh Bình cho dùng tranh trong quyển sách bé nhỏ của mình. Và nếu bạn cầm trên tay “Trái tim đàn bà”, bạn sẽ thấy tranh Nguyễn Thanh Bình và phần chữ của Nguyễn Quỳnh Hương là hai giọng kể song song về lòng âu yếm và yêu dấu đời sống này”.

Hà Tùng Long