Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển vùng dân tộc thiểu số và miền núi

Yên Bái khai mạc Festival Khèn Mông và Lễ hội hoa Tớ Dày 2023

Hiệp Nguyễn

(Dân trí) - Tối 23/12, UBND tỉnh Yên Bái đã tổ chức khai mạc Festival Khèn Mông và Lễ hội hoa Tớ Dày 2023.

Cũng trong buổi lễ, Ban tổ chức đã công bố Quyết định và trao Chứng nhận di sản văn hóa phi vật thể quốc gia nghệ thuật Khèn Mông, nghệ thuật dùng sáp ong tạo hoa văn trên vải của người Mông huyện Mù Cang Chải, huyện Trạm Tấu và huyện Văn Chấn.

Sự kiện là hoạt động cụ thể nhằm thực hiện dự án 9 của Chương trình mục tiêu quốc gia dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn I: 2021- 2025; góp phần nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho đồng bào các dân tộc còn gặp nhiều khó khăn, dân tộc có khó khăn đặc thù, thu hẹp khoảng cách về mức sống, thu nhập so với các dân tộc khác trong vùng; góp phần nâng cao chất lượng y tế, giáo dục, hỗ trợ cải thiện chất lượng dân số, thực hiện bình đẳng giới và giải quyết những vấn đề cấp thiết đối với phụ nữ và trẻ em; bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa truyền thống đặc sắc; đào tạo nâng cao năng lực cho cán bộ, cộng đồng và xây dựng cơ sở chính trị ở thôn bản vững mạnh; củng cố khối đại đoàn kết toàn dân tộc, góp phần xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

Trong định hướng phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội của tỉnh Yên Bái đến năm 2030 đều đưa hoạt động bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa truyền thống các dân tộc gắn với phát triển du lịch vào nhiệm vụ trọng tâm. Đây cũng là một trong những nội dung trong Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi. 

Dự buổi lễ có các đồng chí Ủy viên Trung ương Đảng: Hầu A Lềnh, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc; Y Thanh Hà Nie K'đăm, Chủ tịch Hội đồng Dân tộc Quốc hội; Đỗ Đức Duy, Bí thư Tỉnh ủy Yên Bái; lãnh đạo một số ban, bộ, ngành, cơ quan Trung ương và các tỉnh trong vùng Tây Bắc.

Yên Bái khai mạc Festival Khèn Mông và Lễ hội hoa Tớ Dày 2023 - 1

Thứ trưởng Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch Hoàng Đạo Cương trao Chứng nhận Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia "Nghệ thuật Khèn của người Mông" huyện Mù Cang Chải, huyện Trạm Tấu, huyện Văn Chấn, tỉnh Yên Bái.

Phát biểu tại buổi lễ, ông Trần Huy Tuấn - Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Yên Bái, nhấn mạnh, nghệ thuật khèn và Nghệ thuật dùng sáp ong tạo hoa văn trên vải của đồng bào dân tộc Mông là những di sản mang đậm sắc thái văn hóa; thể hiện sự sáng tạo, trình độ nghệ thuật cũng như bản lĩnh, cốt cách, văn hóa ứng xử của người Mông trong mối quan hệ giữa con người với con người, con người với thiên nhiên. 

Ông Tuấn cũng đánh giá cao và cảm ơn sự nỗ lực, cố gắng, tâm huyết của các thế hệ lãnh đạo cấp ủy, chính quyền, các nghệ nhân và nhân dân các dân tộc ba huyện Mù Cang Chải, Trạm Tấu, Văn Chấn trong việc bảo tồn, gìn giữ, phát huy giá trị di sản văn hóa phi vật thể Nghệ thuật Khèn và Nghệ thuật dùng sáp ong tạo hoa văn trên vải của người Mông.

Sự kiện 2 di sản Nghệ thuật Khèn và Nghệ thuật dùng sáp ong tạo hoa văn trên vải của người Mông 3 huyện Mù Cang Chải, Trạm Tấu,Văn Chấn cùng lúc được đón nhận quyết định Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia cùng Festival Khèn Mông và Lễ hội hoa Tớ dày 2023 nhằm tôn vinh giá trị văn hóa đặc sắc của đồng bào Mông Yên Bái, khơi dậy lòng tự hào, ý thức gìn giữ, bảo tồn và phát huy giá trị di sản. 

Tại sự kiện, du khách cũng có dịp chương trình nghệ thuật công phu, hoành tráng có chủ đề "Thanh âm giữa ngàn mây". Chương trình gồm 3 chương: Chương 1 - Khát vọng non cao, Chương 2 - Âm vang mây ngàn, Chương 3 - Điệu khèn hội tụ với sự tham gia thể hiện của các nghệ sỹ, diễn viên đến từ Thủ đô Hà Nội và Yên Bái cùng gần 2.000 diễn viên quần chúng, nghệ nhân, các em học sinh huyện Mù Cang Chải.

Khèn (tiếng H'Mông gọi là "Kềnh" hay "Khềnh") là nhạc cụ độc đáo, gắn liền với hình ảnh những chàng trai dân tộc H'Mông rắn rỏi, tài hoa hiên ngang giữa đại ngàn gió núi. 

Sáp ong người phụ nữ dân tộc Mông dùng để vẽ hoa văn có ba màu là vàng, đen và trắng. Sáp ong nấu chảy chính là "mực vẽ". Khi sử dụng, người Mông cho sáp vào một chảo gang nhỏ, đường kính khoảng 10cm, đun nhỏ lửa để sáp chảy ra tới khoảng 50 đến 60 độ là có thể dùng để vẽ.

Người Mông Yên Bái sử dụng các bút vẽ bằng đồng có nét đậm, nét thanh, hoa văn nhỏ, hoa văn hình chấm tròn và hoa văn hình xoắn ốc để vẽ hoa văn bằng sáp ong trên những vuông vải lanh nhỏ, sau đó ghép lại thành các bộ phận như: vai áo, thân váy hay tay áo, cổ áo, địu, khăn rồi khâu lại thành sản phẩm hoàn chỉnh.