Tục nhỏ tiết gà lên đầu gối trong ngày cưới của người Khơ-mú

(Dân trí) - Trong ngày cưới, cô dâu, chú rể sẽ phải chìa đầu gối ra cho ông mối nhỏ tiết gà. Nếu giọt tiết chảy theo ống chân xuống thì hai vợ chồng sẽ sống hạnh phúc, viên mãn. Nếu giọt tiết chảy lệch sang một bên hoặc chia làm 2 ngã thì cuộc sống hôn nhân sẽ phải đối mặt với nhiều thử thách.

Điệu múa của người Khơ - mú (ảnh Internet)
Điệu múa của người Khơ - mú (ảnh Internet)

Cùng với người Thái và người H’mông, người Khơ – mú là cộng đồng có lịch sử sinh sống lâu đời nhất ở miền Tây Nghệ An. Người Khơ – mú sinh sống tập trung chủ yếu ở các huyện Tương Dương, Kỳ Sơn. Trải qua nhiều biến cố thăng trầm của lịch sử, người Khơ Mú vẫn giữ được những nét đẹp riêng có của mình, đặc biệt là trong đời sống văn hóa tinh thần.

Người Khơ – mú ăn Tết Nguyên đán chung với cả nước nhưng vẫn có “Tết” riêng của mình, vào sau mùa gặt, thường là vào tháng 9, tháng 10 âm lịch. Tết cơm mới là nét văn hóa không thể thiếu của người Khơ – mú, diễn ra khi thóc lúa đã chất đầy kho, đó cũng là khi bản làng vào thời điểm no ấm nhất. Đây cũng là mùa cưới của người Khơ – mú.

Người Khơ – mú luôn chung thủy với chế độ một vợ, một chồng. Người phụ nữ được tôn trọng và bình đẳng như những thành viên khác trong gia đình và trong xã hội. Ngày nay, đám cưới của người Khơ – mú đã được đơn giản hóa đi so với trước rất nhiều nhưng vẫn duy trì được nét độc đáo riêng có của dân tộc mình. Khi người con trai, con gái ưng nhau, nếu người con trai nhận thấy cô gái có đầy đủ phẩm chất của người vợ tốt, người mẹ đảm sẽ bàn bạc với gia đình đưa ông mối sang hỏi vợ.

Trong lễ hỏi (nhiều khi không kém phần long trọng so với lễ cưới) thường không thể thiếu trầu cau, món cá suối, thịt lợn và thịt sóc khô – những thứ đã được chuẩn bị trước đó cả tháng trời. Thường lễ hỏi được thực hiện trước lễ cưới chính thức khoảng chừng 1 tháng.

Trong khoảng thời gian đó, nhà gái phải chuẩn bị váy mới cho cô dâu, chăn, khăn… cho đôi tân lang tân nương. Vào ngày cưới, gia đình nhà gái cũng cố gắng tùy theo điều kiện của mình để chuẩn bị quà hồi môn cho con, thường là bằng vàng. “Nhà giàu thì cho con gái nhiều, nhà không giàu thì cho ít nhưng cũng phải được nửa chỉ vàng”, bà Moong Thị Sâm (SN 1949, bản Na Én – Minh Tiến, xã Lượng Minh, Tương Dương, Nghệ An) cho biết.

Cuộc sống vợ chồng có hạnh phúc, yên ấm là do sự hòa hợp, cảm thông và chia sẻ chứ không hoàn toàn phụ thuộc vào hướng đi của giọt tiết gà (trong ảnh là ông Moong Văn Cang và vợ)
Cuộc sống vợ chồng có hạnh phúc, yên ấm là do sự hòa hợp, cảm thông và chia sẻ chứ không hoàn toàn phụ thuộc vào hướng đi của giọt tiết gà (trong ảnh là ông Moong Văn Cang và vợ)

Ngày cưới, nhà trai phải chuẩn bị mâm cỗ cho khách khứa cả hai bên. Đó không chỉ là ngày vui của hai họ mà là ngày vui chung của cả bản. Người Khơ - mú thường rước dâu về ban đêm bởi theo quan niệm của bà con, đây là quãng thời gian yên tĩnh, nên cuộc đưa dâu sẽ không gặp trở ngại. Việc đưa dâu suôn sẻ thì cuộc sống của hai vợ chồng sau này cũng gặp nhiều thuận lợi. Đoàn rước dâu phải là số chẵn (12, 14, 16… người), được lựa chọn kỹ càng từ những gia đình hạnh phúc, yên ấm, có kinh tế, có uy tín trong cộng đồng hoặc có địa vị xã hội.

Trong lễ cưới của người Khơ – mú (cũng như trong các lễ, tết) không thể thiếu món ăn chế biến từ gà. Đặc biệt, trong nghi thức cưới hỏi, con gà được sử dụng như một thứ bùa phép để mang lại hạnh phúc cho đôi vợ chồng trẻ. Ông Seo Khăm My (SN 1933) nói: “Vào ngày cưới, nhà trai phải chuẩn bị sẵn một con gà trống khỏe mạnh. Trong lễ nhập nhà cho cô dâu, ông thầy mo sẽ lấy dao cắt một đường ở phía trên mỏ con gà cho chảy máu rồi dùng tiết gà nhỏ lên đầu gối của cô dâu, chú rể. Nếu giọt tiết mà chảy thành một đường thẳng theo sống chân xuống dưới thì đôi vợ chồng đó sẽ có cuộc sống yên ấm, hòa thuận, sinh nhiều con trai, con gái, mọi điều xui xẻo, không vui sẽ không xảy ra.

Nếu giọt tiết chảy lệch sang một bên hay chia làm hai ngã thì cuộc sống của hai vợ chồng được dự báo sẽ phải trải qua nhiều chông gai, trắc trở”. Sau khi lễ cúng hoàn tất, ông thầy mo sẽ dùng tiết gà quệt một đường từ dưới chân lên đầu gối của cô dâu, chú rể với ý nghĩa cầu may mắn, hạnh phúc, ấm no sẽ đến với gia đình mới này.

“Tục nhỏ tiết gà lên đầu gối trong đám cưới của người Khơ – mú vẫn được duy trì như một nghi thức từ tổ tiên truyền lại. Đó là một nét độc đáo trong đời sống tinh thần, tâm linh của người Khơ – mú. Ngày nay, trai gái yêu nhau, lấy nhau, sống với nhau có hạnh phúc hay không là do sự hòa hợp, thông cảm, sẻ chia và thấu hiểu lẫn nhau chứ không phải phụ thuộc vào hướng chảy của giọt tiết gà. Nhưng nghi thức nhỏ tiết gà giúp họ lường trước những khó khăn, thuận lợi sẽ xảy ra trong cuộc sống hôn nhân để điều chỉnh mình cho phù hợp”, Moong Văn Cang (SN 1935, bản Minh Tiến, Lượng Minh, Tương Dương) cho hay.

Hoàng Lam