Truyền hình Mỹ ám ảnh với những kẻ giết người hàng loạt

(Dân trí) - Hiện tại, truyền hình Mỹ có 20 chương trình làm về đề tài tội phạm, trong đó nhân vật chính là những kẻ giết người hàng loạt. Trong một số vụ án có thật, kẻ sát nhân đã thú nhận rằng kế hoạch của chúng bắt đầu từ chính những chương trình truyền hình.

Trước những sự vụ bạo lực xảy ra tại trường tiểu học Sandy Hook, tại rạp chiếu phim bang Colorado và cuộc thi chạy marathon ở thành phố Boston, người dân Mỹ đang tìm kiếm nguyên nhân để đổ lỗi và họ bắt đầu quan tâm tới trách nhiệm của điện ảnh - truyền hình.

Các nhà nghiên cứu xã hội học cũng bắt đầu tiến hành những cuộc điều tra, phân tích tính bạo lực trên truyền hình Mỹ và phát hiện ra rằng truyền hình Mỹ giờ đây bị ám ảnh về những kẻ giết người hàng loạt.

Truyền hình Mỹ ám ảnh với những kẻ giết người hàng loạt

Bộ phim “Hannibal” làm về một nhân vật tội phạm giả tưởng rất nổi tiếng trong phim Mỹ - một kẻ giết người hàng loạt.

Mới đây, truyền hình nước này lại có thêm 7 chương trình mới làm về những kẻ giết người, nâng tổng số chương trình về đề tài tội phạm hiện đang phát sóng tại Mỹ lên con số 20.

Người ta đã chỉ ra được mối liên hệ giữa những sự vụ giết người và các chương trình được chiếu trên truyền hình, theo đó, nhiều kẻ sát nhân sau khi bị bắt đã thú nhận rằng hành vi tội ác của chúng bắt đầu được lên kế hoạch sau khi xem các chương trình truyền hình về đề tài tội phạm.

Truyền hình Mỹ ám ảnh với những kẻ giết người hàng loạt

Bộ phim “The Following” kể về một vị giáo sư ở trường Đại học bỗng thay tính đổi nết và trở thành một kẻ giết người man rợ.

Một ví dụ điển hình được đưa ra là chương trình “Dexter” của kênh truyền hình Showtime, trong chương trình này, đã có 125 vụ giết người khủng khiếp được đưa ra phân tích, mổ xẻ, vô tình đã làm nảy sinh những ý tưởng điên rồ, bệnh hoạn trong đầu 3 kẻ giết người và một kẻ suýt nữa đã thực hiện được hành vi này.

Trong những vụ án có liên quan tới các chương trình truyền hình, cảnh sát đều trích dẫn lại nguyên vẹn những lời khai của kẻ sát nhân, trong đó, những kẻ phạm tội gần đây ở Mỹ thường xem các chương trình giống như “Dexter” để chuẩn bị lên kế hoạch cho hành động tội ác.

Truyền hình Mỹ ám ảnh với những kẻ giết người hàng loạt

Bộ phim “Dexter” kể về một nhân vật giết người vì công lý, anh ta tìm giết những kẻ xấu và cách thức thực hiện để đòi lại công lý của nhân vật Dexter khiến người xem phải rùng mình.

Những kênh truyền hình lớn của Mỹ hiện nay đều có những chương trình làm về đề tài tội phạm, như “The Following” của kênh Fox, “Bate Motel” của kênh A&E, “Hannibal” của kênh NBC…

Khi những nhà sản xuất của các chương trình mang đậm tính bạo lực này được phỏng vấn, đa số họ đều cho rằng các chương trình này chỉ phản ánh thực trạng bạo lực tồn tại trong xã hội, họ không kích động bạo lực, vì vậy, chương trình của họ sẽ không làm gia tăng bạo lực trong xã hội.

Về mặt này, dường như các đài truyền hình Mỹ đang cố gắng né tránh sự thật và không trung thực với chính mình. Khi họ gây ảnh hưởng tích cực trong xã hội, ngay lập tức họ nhận công về mình, nhưng nếu có vấn đề xảy ra, họ đều nói đó không phải trách nhiệm của truyền hình.

Trước đây, các kênh truyền hình Mỹ đã sản xuất ra nhiều chương trình khai thác cuộc sống của những người đồng tính, giúp xã hội Mỹ trong những thập niên qua thay đổi hoàn toàn cách nhìn nhận đối với người đồng tính. Người Mỹ đã lên tiếng ủng hộ cho việc hợp pháp hóa hôn nhân đồng tính.

“Trước thắng lợi này, truyền thông luôn tự hào và nhắc tới công lao của mình. Họ tiến hành những cuộc điều tra xã hội cho thấy 27% người Mỹ thay đổi cách nhìn về người đồng tính nhờ vào các chương trình truyền hình. Ngược lại, truyền hình Mỹ không muốn đối mặt với hậu quả do những chương trình bạo lực gây ra bởi các nhà sản xuất không hoàn toàn trung thực”, ông Dan Gainor, phó chủ tịch Hiệp hội Văn hóa và Truyền thông Mỹ nhận định.

Gần đây, rất nhiều nghệ sĩ Hollywood đã lên tiếng phản đối bạo lực trên phim ảnh và truyền hình, trong đó có những người còn ghê sợ chính mức độ bạo lực xuất hiện trong chương trình mà họ nhận lời tham gia.

Nam diễn viên Jim Carrey của phim "Kick-Ass 2" (2013) mới đây đã trả lời báo chí rằng: “Tôi bắt đầu đóng phim Kich-Ass 2 một tháng trước khi xảy ra vụ thảm sát ở trường tiểu học Sandy Hook. Giờ đây, tôi đã ý thức đầy đủ hơn về mức độ bạo lực trong phim Hollywood. Tôi không ủng hộ điều này. Tôi xin lỗi những bạn đồng nghiệp đã cùng tôi thực hiện Kich-Ass 2 nhưng tôi không ngại nói lên sự thật rằng bộ phim của chúng ta quá bạo lực”.

Bộ phim “Crime Scene Investigation” làm về quá trình điều tra những vụ án kinh hoàng nhất nước Mỹ.

Bộ phim “Crime Scene Investigation” làm về quá trình điều tra những vụ án kinh hoàng nhất nước Mỹ.


“Criminal Minds” là một bộ phim truyền hình làm về đề tài tội phạm. Số kẻ giết người hàng loạt mà nó đề cập tới đã vượt qua con số 100 khiến viễn cảnh bạo lực trong phim trở nên rất ám ảnh.

 
 
Pi Uy
Theo Hollywood Reporter