Thảm họa tiềm ẩn từ thời cổ đại

(Dân trí)- Nghiên cứu từ một mẫu đất có niên đại khoảng 34-37 nghìn năm, các nhà khoa học đã phát hiện ra một loại vi-rút cổ đại vẫn có khả năng phục hồi.

Sau hơn 34.000 năm, các nhà khoa học phát hiện thấy một loài vi-rút cổ dại vẫn có khả năng được phục hồi nếu hội tụ đủ điều kiện thuận lợi. Điều này dấy lên một lo ngại về một thảm họa có thể xảy ra từ “cảm giác an toàn giả tạo” mà chúng ta vẫn lầm tưởng từ bấy lâu nay.

Thảm họa tiềm ẩn từ thời cổ đại

Vi-rút Pithovirus sibericum với kích thước lớn bất thường có niên đại hơn 34 nghìn năm mới được phát hiện và hồi sinh bởi các nhà khoa học.

Nằm sâu dưới lớp băng vĩnh cửu vùng Siberi, gần 30m phía dưới mặt đất, một loài vi-rút cổ đại nằm ẩn dấu suốt nhiều thế kỉ. Hiện nay, nó đã được tìm thấy và hồi sinh, nhờ công của một nhóm nhà khoa học Pháp. Khả năng sống sót và hồi sinh của nó vượt xa những gì các nhà khoa học có thể tưởng tượng.

Trong hàng chục nghìn năm, loài vi-rút này đã bị đóng băng hoàn toàn. Nhưng nó không chết đi, một phần vì theo định nghĩa của sinh vật học thì chúng không phải sinh vật sống. Các loài vi-rút đều cần có tế bào vật chủ để sinh sản, và giữa các giai đoạn sinh sản thì chúng là loại vật chất ở trạng thái trơ gọi là virion, tương đối giống với các loại hạt cây.

Vào năm 2000, các nhà khoa học là Jean-Michel Claverie và Chantel Abergel (Viện vi sinh học Địa Trung Hải) đã tới Anyuysk, một vùng biệt lập ở khu vực Chukotka của Siberi để tìm một loài vi-rút mới ở môi trường chưa từng được khám phá. Người ta từng dự đoán rằng có các sinh vật có thể bị đóng băng hàng chục nghìn năm và có thể hồi sinh thành công, do đó các nhà nghiên cứu đã khoan sâu vào lòng đất đóng băng dọc bờ sông Anuy để tìm kiếm chúng.

Thảm họa tiềm ẩn từ thời cổ đại

Khu vực Chukotka (đánh dấu màu đỏ) nơi các nhà khoa học lấy mẫu thử nghiệm để tìm kiếm loài vi-rút mới chưa từng được khám phá.

Họ xử lý các lõi đất khoan được một cách vô cùng cẩn thận, tráng bên ngoài một lớp cồn để diệt hết các vi khuẩn trong không khí, sau đó trích ra một mẫu đất nhỏ ở trung tâm lõi và lưu giữ trong túi vô trùng. Sử dụng phương pháp xác định niên đại bằng carbon, các nhà khoa học cho biết mẫu đất này có niên đại khoảng 34 đến 37 nghìn năm.

Qua hơn 10 năm, sau khi đã phân tích các mẫu đất, cuối cùng các nhà khoa học đã công bố về một loại vi-rút vô cùng lạ thường vượt ra ngoài sự tưởng tượng ở trong mẫu đất đóng băng vĩnh cửu.

"Chúng tôi đoán rằng mẫu virion này vẫn có khả năng lây nhiễm sau từng đó năm. Sự bất ngờ này là nằm ở việc loài vi-rút này rất lớn và thuộc loài khác hẳn với những loài vi-rút hiện đại.", giáo sư Claverie cho biết.

Tới năm 2003, mọi người đều nghĩ rằng vi-rút rất nhỏ bé, hoàn toàn vô hình dưới kính hiển vi thường và chỉ bằng một phần nhỏ của tế bào vi sinh. Nhưng sau đó, nhiều loại vi-rút khổng lồ đã được tìm thấy, bao gồm cả Pandoravirus, được Claverie và Abergel phát hiện trong một mẫu nước lấy ngoài khơi Chile với chiều dài kỉ lục là 1 micromet.

Nhưng loại vi-rút Pithovirus sibericum mà họ mới tìm thấy lại có chiều dài tới 1.5 micromet, lớn gấp 10-100 lần so với các loại vi-rút có kích cỡ trung bình. Dưới kính hiển vi, chúng có thể được thấy rất rõ ràng dưới dạng một hình bầu dục với viền đen và một đầu hở, kích cỡ tương đương 1 tế bào vi sinh.

Hình chụp chi tiết trên kính hiển vi của vi-rút Pithovirus sibericum.

Hình chụp chi tiết trên kính hiển vi của vi-rút Pithovirus sibericum.

Với các nhà khoa học, khía cạnh quan trọng nhất của phát hiện mới này là những gì họ khám phá được khi cách ly ADN của vi-rút và lập bản đồ gen của nó. Ngoài ra, vi-rút này còn có thể sống sót hơn 30 nghìn năm trong đất đóng băng. Vì các loài vi-rút không có các hoạt động duy trì sự sống như các sinh vật khác, chúng có thể sống sót ở trạng thái trơ lâu hơn rất nhiều. Nếu giới hạn duy nhất là thời gian ADN của chúng có thể tồn tại thì có khả năng là chúng có thể sinh tồn trong nhiều triệu năm trước khi bị hư hại bởi phóng xạ tự nhiên của trái đất.

Phan Hạnh
Theo Smithsonian