Sự kết hợp đặc biệt trong triển lãm “Son+”

(Dân trí) - Sáng 6/7, tại Bảo tàng Mỹ thuật TP HCM đã khai mạc triển lãm “Son+” trưng bày các tác phẩm sơn mài, điêu khắc độc đáo.

“Son+” triển lãm các tác phẩm sơn mài là chủ yếu, với sự kết hợp của 4 họa sĩ, trong đó 3 họa sĩ vẽ sơn mài truyền thống và một hoạ sĩ đồ họa.

Họa sĩ Nguyễn Thành Quốc Thạnh và họa sĩ Võ Nam giới thiệu mỗi người hơn 10 tác phẩm với khuynh hướng sáng tác hiện thực lãng mạn. Tham gia nhóm triển lãm có hai họa sĩ trẻ Phạm Thanh Toàn và Nguyễn Ngọc Liêm.

Bốn hoạ sĩ tại buổi khai mạc triển lãm “Son+”.
Bốn hoạ sĩ tại buổi khai mạc triển lãm “Son+”.

Họa sĩ Phạm Thanh Toàn mang tới tiển lãm 9 tác phẩm sơn mài và hai tác phẩm điêu khắc thể hiện cái tôi nội tâm bên trong đầy biến động và khát khao vươn tới của tuổi trẻ. Nguyễn Ngọc Liêm mang tới hơn 60 tác phẩm màu bột với kích thước nhỏ chủ yếu tranh tĩnh vật và phong cảnh, toát lên vẻ đẹp giản dị, bình yên.

Để làm nghệ thuật, Nguyễn Ngọc Liêm cho biết, anh phải làm một công việc khác hoàn toàn không liên quan đến hội họa.

“Lý do chính là tôi muốn công việc để kiếm sống phải cho nguồn thu nhập ổn định và tách bạch rạch ròi với hội hoạ. Hồi tháng 2 - năm 2017, tôi có tham gia và nằm trong top 20 - nhóm chung kết cuộc thi dành cho họa sĩ trẻ chuyên nghiệp nên cũng có trải nghiệm về việc đem tác phẩm của mình ra với công chúng và giới chuyên môn làm nghề.

Tôi coi chuyện vẽ là một niềm hạnh phúc. Khi vẽ tranh, tôi cảm thấy rất dễ chịu. Tôi nghĩ nếu tác phẩm mang giá trị cao thì cho dù chất liệu nào, khổ nào, người thưởng thức sẽ nhận ra. Chọn chất liệu nào tuỳ vào sự lựa chọn phù hợp với từng hoạ sĩ ở thời điểm hiện tại họ chọn nó, và đó cũng chỉ là phương tiện để chuyển tải ý đồ nghệ thuật” - Nguyễn Ngọc Liêm tự tin nói.

Tác phẩm “Vua” - sơn mài của họa sĩ Phạm Thanh Toàn.
Tác phẩm “Vua” - sơn mài của họa sĩ Phạm Thanh Toàn.

Họa sĩ trẻ Phạm Thanh Toàn nổi bật với các bức: “Con báo bay” (1,2 m x 2m, sơn mài truyền thống), “Vua” - (1m x 2m, sơn mài truyền thống). Được đào tạo trong trường Mỹ thuật TPHCM nên Phạm Thanh Toàn vẫn chú trọng sáng tác với sáng tác truyền thống. Họa sĩ cho biết anh cố gắng bằng mọi cách vẽ được nhiều và kéo dài thời gian vẽ.

“Trước khi suy nghĩ về việc vẽ được cái gì và khẳng định được cái tôi nghệ thuật của mình thì phải vẽ nhiều trước đã. Trong quá trình tư duy, suy luận về nó, tôi tin rằng chắc chắn sẽ tìm ra được con đường của mình” - Họa sĩ trẻ Phạm Thanh Toàn khẳng định.

“Con báo bay” nổi bật đầy cá tính nhưng vẫn vô cùng lãng mạn của họa sĩ Phạm Thanh Toàn.
“Con báo bay” nổi bật đầy cá tính nhưng vẫn vô cùng lãng mạn của họa sĩ Phạm Thanh Toàn.

“Theo tôi, vấn đề làm nghệ thuật và làm kinh tế khác nhau hoàn toàn. Chuyện cầm cự với cuộc sống bằng cách làm kinh tế kiếm sống cần rất cân nhắc kẻo sẽ đưa kinh doanh vào nghệ thuật, không những hiệu quả về mặt kinh doanh không như ý muốn mà nó lại khác hẳn với làm nghệ thuật chân chính. Tôi muốn công việc nghệ thuật phải là công việc thuần tuý nghệ thuật chân chính và không dính dáng gì đến kinh doanh” - Phạm Thanh Toàn tự sự.

Theo đuổi chất liệu sơn mài truyền thống rất vất vả, chi phí chất liệu rất cao, tác phẩm nặng, làm một tấm kích thước 1,2m x 2m thì một họa sĩ không thể nhấc nổi. Ngôn ngữ sơn mài cũng đã quá cũ, nên việc làm mới nó không hề dễ dàng.

“Chất liệu sơn mài khá tổng hợp, trong đó có nhiều thành phần, có cả kim loại, sơn, vôi, hoá chất và chất liệu thiên nhiên nữa, tuỳ theo ý đồ của mỗi người, tác giả sẽ tự chọn phương án lên một tác phẩm hợp lý nhất. Có những bức thì cần vẽ tới năm lớp nhưng có những tác phẩm chỉ cần một lớp.

Tôi cũng thử nghiệm rất nhiều với các chất xúc tác để đạt được hiệu quả mong muốn. Nhưng sự thật là 80% các thử nghiệm của tôi thất bại. Quá nhiều khó khăn với sơn mài nhưng tôi cương quyết không bỏ cuộc để có thể tìm ra được kỹ thuật mới ưng ý” - Họa sĩ Phạm Thanh Toàn cho biết.

Hoạ sĩ Siu Quý - Phó Chủ tịch Hội Mỹ thuật TPHCM phát biểu: “Điều đặc biệt của triển lãm này là sự kết hợp của các thế hệ hoạ sĩ 60 và 30, trong đó có hai người thầy là họa sĩ Võ Nam và họa sĩ Nguyễn Thành Quốc Thạnh, kết hợp cùng với hai học trò là họa sĩ trẻ Nguyễn Ngọc Liêm và Phạm Thanh Toàn. Thế hệ đi trước đã khẳng định bút pháp thuộc hàng gạo cội, còn ngôn ngữ mới mẻ của hai bạn họa sĩ trẻ mang đến sức sống mới, sôi động mà vẫn rất lãng mạn cho nghệ thuật “già” như sơn mài, điêu khắc”.

Hòa Bình