Sở VHTT TPHCM nêu khó khăn trong việc quản lý các cuộc thi sắc đẹp

Mộc Khải

(Dân trí) - Sở Văn hóa và Thể thao TPHCM đã có báo cáo gửi UBND TPHCM liên quan đến thực tiễn quản lý Nhà nước về hoạt động biểu diễn nghệ thuật và các cuộc thi sắc đẹp trên địa bàn TPHCM.

Trong báo cáo do bà Nguyễn Thị Thanh Thúy - Phó giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao TPHCM - ký ngày 14/11 có nêu, mỗi năm trên địa bàn TPHCM có rất nhiều chương trình biểu diễn nghệ thuật và các cuộc thi sắc đẹp được tổ chức. Phần lớn các chương trình, cuộc thi đều được cơ quan có thẩm quyền tiếp nhận, chấp thuận.

Tuy nhiên, bên cạnh đó vẫn còn nhiều chương trình, cuộc thi tổ chức "chui", không được tiếp nhận, chấp thuận hoặc được tiếp nhận, chấp thuận nhưng đơn vị tổ chức thực hiện không đúng nội dung thông báo, văn bản chấp thuận của cơ quan chức năng dẫn đến công tác phối hợp xử lý còn bị động, tạo dư luận không tốt trong xã hội.

Sở VHTT TPHCM nêu khó khăn trong việc quản lý các cuộc thi sắc đẹp - 1

Ban Tổ chức Miss Peace Vietnam 2022 từng bị phạt 55 triệu đồng do tổ chức vòng sơ tuyển tại TPHCM khi chưa được cấp phép (Ảnh: Ban Tổ chức).

"Trên thực tế, hầu như các cuộc thi người đẹp đều tổ chức thành nhiều vòng thi (vòng loại, bán kết, chung kết) và các vòng thi sẽ diễn ra ở nhiều tỉnh, thành phố khác nhau. Trước đây, các cuộc thi người đẹp cấp toàn quốc, khi được cơ quan có thẩm quyền cấp giấy phép, Ban Tổ chức cuộc thi sẽ gửi thông báo đến các địa phương có diễn ra các vòng thi.

Tuy nhiên, theo quy định hiện nay tại Nghị định 144/2020/NĐ-CP, thẩm quyền thuộc về Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố, trong khi Nghị định chưa quy định cụ thể về việc chấp thuận cho tổ chức vòng thi hoặc cuộc thi, do đó đề nghị Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch hướng dẫn cụ thể hơn để các địa phương áp dụng thi hành", báo cáo nêu rõ.

Bên cạnh đó, phía Sở Văn hóa và Thể thao TPHCM cũng cho biết, trong thực tế còn nhiều cách hiểu khác nhau về cụm từ "phục vụ nội bộ cơ quan và tổ chức", dẫn tới việc biến tướng trong tổ chức biểu diễn nghệ thuật, thi người đẹp, người mẫu trên địa bàn, rất khó kiểm soát, ngăn chặn từ ban đầu. Đó cũng là một trong những khó khăn, vướng mắc trong việc xử phạt vi phạm hành chính.

Đơn vị này cho rằng một số nội dung quy định tại Nghị định số 144/2020/NĐ-CP cần được hướng dẫn cụ thể hơn để tạo sự thống nhất trong việc tổ chức thực hiện của các cơ quan quản lý Nhà nước địa phương; đồng thời tạo điều kiện thuận lợi cho các tổ chức, cá nhân kinh doanh hoạt động nghệ thuật biểu diễn.