"Sẽ không ai tin có một nhạc sỹ Dương Thụ nếu biết tuổi thơ tôi..."

(Dân trí) - “Sẽ không ai tin rằng có một nhạc sĩ tên Dương Thụ nếu biết tuổi thơ của tôi như thế nào, tuổi trẻ tôi như thế nào…” người viết nên những bản nhạc trong trẻo, dịu dàng, “không lỗi mốt” đã kể về mình như thế.

Mở đầu chuỗi chương trình Cửa sổ âm nhạc, Live concert “Dương Thụ - Những câu chuyện kể của tôi” không do tác giả tự kể, người kể là những nghệ sĩ. Nếu khán giả mong đợi một câu chuyện có mở đầu, kết thúc có lớp lang thì hẳn sẽ thất vọng.
 
Bởi “câu chuyện kể của tôi” ấy “vượt ra khỏi tuyến tính thời gian của một chặng đường hay điểm nhấn không gian một chuyến đi. Những người thực hiện chương trình tôn trọng cảm xúc của tác giả và muốn ghi dấu trong lòng công chúng hình dung về nhạc sĩ” như lời ca sĩ Mỹ Linh chia sẻ trong buổi họp báo ra mắt chương trình.

Nhạc sĩ Dương Thụ trong Live concert Dương Thụ - Những câu chuyện kể của tôi
Nhạc sĩ Dương Thụ trong Live concert "Dương Thụ - Những câu chuyện kể của tôi"

Không mang những vấn đề chính trị, những thông điệp lớn lao vào nhạc, ca khúc của Dương Thụ chỉ đơn thuần ghi lại cảm xúc của một người bình thường, ít ai biết đến. Song ông đã có thể gạt bỏ “lo lắng sẽ không xứng đáng với điều mà nhiều người mong mỏi” như đã từng chia sẻ trong buổi họp báo bởi trước giờ biểu diễn khá sớm, sảnh Nhà hát lớn đã nhộn nhịp người xem.
 
Họ đến để gặp gỡ, trò chuyện với nhạc sĩ hoặc mua một cuốn “Cà phê … mưa” để ông kí tặng. Hàng ghế khán giả dường như không còn chỗ trống. Nhiều khuôn mặt bừng sáng niềm vui, ngân nga theo một vài giai điệu quen thuộc.

Có lẽ là muộn màng sau 50 năm sáng tác và sản xuất âm nhạc, tác giả “Gọi anh” mới cho ra mắt liveshow của riêng mình. Song dù muộn, nhạc sĩ đã “chọn lựa” được cho đêm nhạc những nghệ sĩ “đo ni đóng giày” với từng ca khúc mà ông gọi bằng cái tên trìu mến “những người cháu của tôi”. Một số ca sĩ đã từng đưa âm nhạc Dương Thụ ghi dấu trong lòng khán giả nhiều năm về trước và một lần nữa làm cho những sáng tác ấy thăng hoa trên sân khấu nhà hát Lớn tối 9/11.

Nhạc sĩ Dương Thụ kí tặng khán giả
Nhạc sĩ Dương Thụ kí tặng khán giả

Được nhắc tên đầu tiên khi tác giả giới thiệu, ca sĩ Hồng Nhung “người giúp khán giả biết có một nhạc sĩ tên Dương Thụ” đằm thắm, ngọt ngào mà không cũ kĩ ở hai ca khúc đã quen thuộc. Không rực rỡ, Hồng Nhung trong tà áo dài trắng với giọng hát hào sảng đã làm sống lại nỗi nhớ Hà Nội trong Dương Thụ. Không phải nhớ vẻ đẹp thơ mộng, tươi vui mà nhớ từng ngày mùa đông xao xác hay những buổi chia ly không thể nguôi ngoai.
 
Khi những ca từ “phố xá vẫn thế, liễu vẫn mềm, rủ bóng xuống mặt hồ/Xóm ngõ vẫn thế, vẫn rất gần, mà em xa vời quá” ngân lên, khán giả càng thêm hiểu hơn tình yêu của người con đi xa với quê hương. Và thật không sai khi người ta còn gọi Bống là Họa mi bởi chưa ai “hót trong mưa” da diết, say đắm như chị.
 
Trong đêm nhạc này, Cô Bống đã trả lại hit “Vẫn hát lời tình yêu” ngày nào cho Mỹ Linh, ca khúc được dành tặng riêng cho Tóc Ngắn lúc chị mới 17 tuổi. Khi đã cảm nhận đủ những mất mát trong tình yêu, diva Mỹ Linh thể hiện đầy đủ triết lí tình yêu của Dương Thụ đó là: “Sự đổ vỡ để người ta nhìn về phía trước, để tiếng chim lại hót, đó là sự lạc quan mà tôi yêu nhất”.

Ca sĩ Hồng Nhung với Họa my hót trong mưa, Phố mùa đông
Ca sĩ Hồng Nhung với Họa my hót trong mưa, Phố mùa đông

Ca sĩ Mỹ Linh với Vẫn hát lời tình yêu, Bài hát ru mùa xuân
Ca sĩ Mỹ Linh với Vẫn hát lời tình yêu, Bài hát ru mùa xuân

Sự xuất hiện luôn gắn liền với những tràng vỗ tay không dứt, Tùng Dương đã gạt bỏ những định kiến nếu có cho rằng anh là người xa lạ với âm nhạc Dương Thụ khi da diết, nồng nàn với Điều còn mãi và Em đi qua tôi. Trên sân khấu, một giọng hát ma mị, “quái” dường như biến đi đâu mất chỉ để lại những nhấn nhá uyển chuyển và cảm xúc ngọt ngào, lấp đầy khoảng trống nơi cây đàn piano của nhạc sĩ Bảo Chấn.

Ca sĩ Tùng Dương làm mới lại ca khúc Điều còn mãi và Em đi qua tôi
Ca sĩ Tùng Dương làm mới lại ca khúc Điều còn mãi và Em đi qua tôi

Không áp lực hay cố tình phô bày kĩ thuật khi thể hiện Bóng tối li cafe đã quen với tiếng hát Thanh Lam, Nguyên Thảo xuất hiện nhẹ nhàng. Cô thủ thỉ chạm vào từng góc nhỏ nhất nơi trái tim khán giả, trái ngược với sức sống và nội lực tràn trề nơi “Bài hát ru cho anh” của Hà Linh. Như nhạc sĩ Dương Thụ đã từng chia sẻ với báo chí, ngoài những ca khúc rất quen sẽ có những ca khúc lạ. Cái lạ không chỉ với khán giả mà với cả ca sĩ, Trọng Tấn cái tên gắn liền với “nhạc đỏ” đã làm mới mẻ Đi về cuối biển và Trở về.

Nguyên Thảo thủ thỉ Bóng tối ly cà phê và Mơ về mẹ
Nguyên Thảo thủ thỉ Bóng tối ly cà phê và Mơ về mẹ
Hà Anh đầy nội lực qua tình khúc Bài hát ru cho anh
Hà Linh đầy nội lực qua tình khúc Bài hát ru cho anh

Không có xịt khói, màn múa bale hay phụ họa đi xe đạp, chỉ có âm nhạc. Sân khấu Live concert thiết kế tối giản hoàn toàn chỉ có dàn nhạc và ca sĩ, đúng như nhạc sĩ Dương Thụ từng tuyên bố: “Với tôi, âm nhạc chỉ để nghe, không phải để xem”. Và ông đã không “buồn ngủ” với dàn loa quá to hay quá nhỏ. Nhạc nền của ban nhạc Anh Em và dàn nhạc thính phòng đã được đặt đúng vị trí với phần xử lý âm thanh chuẩn xác của nghệ sĩ Nhất Lý.

Nhạc sĩ Bảo Chấn với những kỉ niệm vui về nhạc sĩ Dương Thụ
Nhạc sĩ Bảo Chấn với những kỉ niệm vui về nhạc sĩ Dương Thụ

Nhạc sĩ Báo Chấn đệm đàn cho ca sỹ Tùng Dương hát Mong về Hà Nội
Nhạc sĩ Bảo Chấn đệm đàn cho ca sỹ Tùng Dương hát Mong về Hà Nội
Mỹ Linh, Hồng Nhung cùng hòa giọng trong Lắng nghe mùa xuân về
Mỹ Linh, Hồng Nhung cùng hòa giọng trong Lắng nghe mùa xuân về
Tùng Dương và Mỹ Linh say đắm với Gọi anh
Tùng Dương và Mỹ Linh say đắm với Gọi anh

Như đã giới thiệu từ đầu, phải đến cuối chương trình nhạc sĩ Dương Thụ mới xuất hiện trên sân khấu để nói lời cảm ơn bởi “tôi không biết hát”. Ông đã có những tâm sự rất thật về con đường trở thành nhạc sĩ của mình: “Sẽ không ai tin rằng có một nhạc sĩ tên Dương Thụ nếu biết tuổi thơ của tôi như thế nào, tuổi trẻ tôi như thế nào”…
 
Vượt qua quãng thời gian vất vả mưu sinh làm nhiều công việc chân tay, ông cố gắng dẹp bỏ tự ti và nhiều rào cản để được vào trường nhạc. Dương Thụ không giấu được những giọt nước mắt: “Tôi từng nhìn nhạc sĩ Văn Cao bằng ánh mắt ngưỡng mộ và nghĩ rằng đó là cái gì kinh khủng lắm. Những sáng tác tôi giấu đi, không cho người khác biết vì rất xấu hổ. Tôi không có giấc mơ làm nhạc sĩ đâu. Tôi học nhạc không phải để trở thành nhạc sĩ, học nhạc vì yêu nhạc, say mê âm nhạc”.
 
Chính tình yêu, niềm say mê đã làm nên một tên tuổi với những bản nhạc trong sáng, dịu dàng, phi thời gian ấy chứ không phải ham muốn trở thành nhạc sĩ. Như nhạc sĩ Bảo Chấn có nói vui: "Anh Thụ là người lúng túng trong cuộc sống nhưng tinh tế trong âm nhạc".

Bài và ảnh: Đinh Nha Trang