Rộn rã tết “mừng lúa mới” vùng cao

(Dân trí) - Tết mừng lúa mới được người đồng bào vùng cao tổ chức để mừng vụ mùa được bội thu. Ngày này cũng là dịp để mọi người tỏ lòng thành kính với tổ tiên và các vị thần nông sau một mùa vụ thuận lợi.

Từ sáng sớm, khắp các ngả đường đổ về chợ tết đều tấp nập. Là một chợ xã phục vụ cho bà con trong vùng và các xã phụ cận nhưng hiếm khi chợ xã Thông Huề - Trùng Khánh (Cao Bằng) lại đông như vậy, người người ra chợ cứ chen nhau mà đi. Năm nào cũng vậy, thành một quy tắc bất dịch, trong khoảng thời gian sau tiết Bạch lộ và trước Thu phân tháng tám, 15 ngày đó chọn ra ngày Thìn để tổ chức “ăn tết”. Vì có hai ngày thìn nên mọi người tự dặn nhau chọn ngày đón tết thuận lợi nhất, khi mà khắp cánh đồng đã chuyển sang màu vàng óng, nhà nhà chuẩn bị đón những mẻ thóc lúa đầy bồ.

Bát canh lúa là món quan trọng nhất trong mâm cỗ mừng lúa mới của đồng bào vùng cao.
Bát canh lúa là món quan trọng nhất trong mâm cỗ mừng lúa mới của đồng bào vùng cao.

Bát canh lúa là món quan trọng nhất trong mâm cỗ mừng lúa mới của đồng bào vùng cao.

Trên mâm cỗ tết mừng lúa mới không thể thiếu được nồi nước đun bằng vài bông lúa được tuyển chọn rất kỹ, bông nào mẩy và nhiều hạt được mang ra đun trong nồi nước sôi. Sau khi trình lên bàn thờ tổ tiên, khai bữa cơm gia đình, mọi thành viên sẽ uống ngụm nước đó để tượng trưng cho bữa cơm bằng lúa mới thu hoạch.

Bà Hoàng Thị Hạnh, ở xã Đức Hồng, huyện Trùng Khánh cho biết: Chẳng cần đợi đến ngày họp chợ phiên, ngày này hễ ai có thứ gì bán được thì đều mang ra chợ bán, người mua cũng dồn thì ra chợ tạo nên sự đông vui nhộn nhịp chẳng khác gì chợ tết.

Theo các cụ già ở xã Thông Huề thì phong tục này thường được người dân địa phương tổ chức vào chiều tối, khi mà mọi người đi làm đều về nhà để sum họp sau đó làm mâm cỗ cúng lên tổ tiên trình báo một mùa màng hiệu quả.

Đầu giờ chiều, không khí tết càng thêm rộn ràng. Nhà nhà đều chuẩn bị từ trước một con vịt. Khắp bờ sông, bờ mương đều gặp cảnh mọi người đang thịt và vặt lông, rồi họ nói chuyện về mùa màng tốt tươi một cách vui vẻ.

Những chiếc khèn bằng cọng rơm và vỏ măng 
Những chiếc khèn bằng cọng rơm và vỏ măng 
Những chiếc khèn bằng cọng rơm và vỏ măng tấu lên những bản nhạc báo hiệu mùa màng đã tốt tươi.

Bạn Ngân Bá Minh, sinh viên Trường Đại học Nông lâm Thái Nguyên, cho biết: Là một ngày tết quan trọng của dân tộc, ngày nghỉ tôi tranh thủ về quê để đón tết “mừng lúa mới” cùng gia đình, chuẩn bị tinh thần bước vào mùa thu hoạch bội thu nhưng cũng khá vất vả.

Ngày này vui nhất có lẽ là đám trẻ con, bởi ai ai cũng được mặc quần áo mới, được làm những chiếc khèn bằng những cọng rơm, loa “khuếch đại” âm thanh bằng những bẹ măng, chúng thi nhau làm khèn để kêu to và vang xa nhất.

Những chiếc khèn chỉ có giá trị duy nhất trong ngày này vì người địa phương quan niệm rằng thổi kèn sớm quá lũ chuột nghe thấy sẽ phá hoại mùa màng. Lúc này đây là thời điểm thích hợp để tấu lên những bản nhạc báo hiệu mùa màng đã tốt tươi, chuẩn bị tinh thần để thu hoạch, bước vào mùa vụ sản xuất mới.

 
Thế Cường - Xuân Thái