DMagazine

Quốc Cơ - Quốc Nghiệp: Cú ngã bất tỉnh vì giọt nước, vinh quang và đánh đổi

(Dân trí) - Một tối cuối năm 2016, trời lạnh âm độ C, hai anh em Quốc Cơ - Quốc Nghiệp mặc thêm áo khoác, vội vã bắt xe đến Nhà thờ Chánh tòa Girona (Tây Ban Nha) sau khi hoàn thành show diễn phục vụ khách Tây.

(Dân trí) - Một tối cuối năm 2016, trời lạnh âm độ C, hai anh em Quốc Cơ - Quốc Nghiệp mặc thêm áo khoác, vội vã bắt xe đến Nhà thờ Chánh tòa Girona (Tây Ban Nha) sau khi hoàn thành show diễn phục vụ khách Tây.

Quốc Cơ - Quốc Nghiệp: Cú ngã bất tỉnh vì giọt nước, vinh quang và đánh đổi - 1

Sau 5 tiếng xe chạy, khi đến nơi, ngước nhìn 90 bậc thang cao vút dẫn lên Nhà thờ, Cơ và Nghiệp choáng váng. Trước đó, không có một bậc thang mẫu nào cao đến như thế để hai anh em tập luyện. Nhưng đây sẽ là nơi họ biểu diễn xác lập kỷ lục Guinness vào 2 tuần sau. 

Trời lạnh cóng, gió thổi phần phật, đi bộ lên đã tốn sức, huống hồ là chồng đầu đi một mạch lên cao trong vài chục giây ít ỏi. Hai anh em thở dài, bảo nhau "thôi rồi, xong rồi, không làm được đâu" và trở về khách sạn. Đêm đó, Cơ và Nghiệp không thể chợp mắt. 

22/12/2016, ngày biểu diễn xác lập kỷ lục Guinness, trời lạnh âm 2 độ C. Hai anh em để mình trần, tập trung khởi động và nén lại những lo lắng. Giây phút Cơ dang tay đỡ Nghiệp để em trai xoay người chồng đầu, rồi bước lên từng bậc thang, khán giả và các trang tin truyền thông địa phương có mặt ở đó đồng loạt giơ điện thoại, máy quay lên. Không khí trở nên hồi hộp. Người xem nín thở theo dõi từng bước di chuyển của hai chàng trai đến từ Việt Nam. Có lúc, cậu em trai ở phía trên loạng choạng. Có lúc, người anh như kiệt sức và không trụ vững.  

Bước qua bậc thang thứ 90, đồng hồ dừng lại ở con số 52 giây. Những tràng vỗ tay, những tiếng hò hét chúc mừng Quốc Cơ và Quốc Nghiệp vang lên. Hai anh em không giấu nổi sự xúc động, ôm nhau sau khi hoàn thành một kỳ tích. 

Quốc Cơ - Quốc Nghiệp: Cú ngã bất tỉnh vì giọt nước, vinh quang và đánh đổi - 3

"Trước khi bắt đầu, chúng tôi chỉ muốn cố gắng cho một lần duy nhất, một lần thôi cũng được. Chúng tôi khát khao mang xiếc Việt Nam đến thế giới nên khó khăn đến mấy cũng xem như đây là cơ hội. Chỉ trong hơn một tuần, chúng tôi vừa biểu diễn ở Pháp, vừa quyết liệt giảm cân, tập luyện. Ngày biểu diễn, thời tiết lạnh âm độ khiến cơ bắp chúng tôi không còn dẻo dai, độ nóng ở bàn chân khi chạm bậc thềm cũng giảm. Nhưng từ bậc thang đầu tiên đến bậc thang 90 là 52 giây, khoảnh khắc công bố kỷ lục anh em tôi không thể tin nổi", Quốc Cơ nhớ lại.

Cột mốc 22/12/2016 khi ấy cũng đánh dấu lần đầu tiên, tên tuổi NSƯT Quốc Cơ - NSƯT Quốc Nghiệp được vinh danh tại kỷ lục Guinness thế giới, khởi đầu cho chuỗi liên tiếp lập 4 kỷ lục sau đó, trước khi hai anh em kết thúc sự nghiệp chinh chiến quốc tế hồi tháng 2 năm nay.

Hai thập kỷ gắn bó với nghề xiếc, đó là một hành trình rất dài…

Quốc Cơ - Quốc Nghiệp: Cú ngã bất tỉnh vì giọt nước, vinh quang và đánh đổi - 5

Một buổi chiều tháng 5 đổ lửa ở Sài Gòn, chúng tôi hẹn gặp NSƯT Quốc Cơ - NSƯT Quốc Nghiệp tại nhà riêng. Bất chấp trời nắng nóng, hai nghệ sĩ tranh thủ tập luyện trước giờ phỏng vấn. Mặc dù đã ngưng thi đấu quốc tế, Quốc Cơ - Quốc Nghiệp vẫn duy trì thói quen và kỷ luật tập luyện hằng tuần. Các con của anh em Cơ - Nghiệp cũng tham gia trong phòng tập cùng cha, được cha hướng dẫn từng chút một. Thi thoảng, các bé tỏ ra mệt mỏi, được cha động viên, dỗ dành và tiếp tục rèn những động tác thăng bằng, nhào lộn…

Hành trình chinh phục đỉnh cao của Quốc Cơ Quốc Nghiệp (Video: Ngà Trịnh).

Quay ngược thời gian trở về đầu thập niên 90, tại một căn nhà rộng vỏn vẹn 15m2 trong hẻm nhỏ Sài Gòn, cũng có một người cha nghiêm khắc, rèn "kỷ luật sắt" cho con như vậy… Đó là ông Giang Kiếm Thanh - thầy thuốc, võ sư kiêm diễn viên xiếc và là cha của anh em Cơ - Nghiệp. 

Thời gian đó, vợ ông bị bệnh tim, một mình ông gồng gánh mưu sinh nuôi cả nhà. Nhiều đêm ông mất ngủ vì thương vợ, thương 3 đứa con. Cuộc sống khó khăn cũng là lý do ông Thanh rèn luyện tính kỷ luật, tính tự lập từ sớm cho các con Mỹ Phụng, Quốc Cơ và Quốc Nghiệp.

Quốc Cơ - Quốc Nghiệp: Cú ngã bất tỉnh vì giọt nước, vinh quang và đánh đổi - 7

Lên 4- 5 tuổi, 3 chị em đã được cha hướng dẫn tập võ, luyện xiếc thăng bằng, tung hứng, nhào lộn... Với ông Thanh, đây là cách ông "trao cần câu cơm", dạy nghề truyền thống của gia đình để các con mưu sinh sau này. Trên tường nhà treo dòng chữ tiếng Hoa: "Bạn muốn huy hoàng, phải chịu khó". Ngày nào, người cha cũng bắt các con đọc theo và tập luyện.

Tuổi thơ của Quốc Cơ, Quốc Nghiệp là chuỗi ngày miệt mài khổ luyện. Mỗi ngày, hai anh em được tập 2 giờ vào buổi tối sau khi đã làm xong bài tập về nhà. Những lần té ngã, bầm tím chân tay nhiều vô số kể. Nhưng cả hai đều có tính cách lì lợm, kiên trì. Càng khó càng muốn chinh phục. Có đau, có ngã thì cũng khóc một chút rồi lau nước mắt, tiếp tục cố gắng.

"Ngày nhỏ, các bạn đồng trang lứa có thể thoải mái chơi đùa nhưng chúng tôi thì không. Ngày nghỉ hầu như chỉ có ăn - ngủ - tập. Sự nghiêm khắc của ba giúp chúng tôi học tính kỷ luật, rèn sức khỏe và có nhiều kỹ năng sống. Trên tất cả, ba muốn mấy anh em có cuộc sống tốt hơn, muốn thành danh trong nghề", Quốc Nghiệp chia sẻ với phóng viên Dân trí.

Quốc Cơ - Quốc Nghiệp: Cú ngã bất tỉnh vì giọt nước, vinh quang và đánh đổi - 9

Hình phạt của ông Thanh vô cùng nghiêm khắc. Trong lúc tập không được đùa giỡn, nói chuyện, chơi ra chơi và tập ra tập. Nếu làm sai, ông phạt các con làm thêm động tác khó. Phạt các con, ông cũng tự phạt chính mình bằng cách tập cùng con. 

"Rất khó tìm được một người nào đó có thể rèn luyện con theo cách của ba chúng tôi. Bậc làm cha làm mẹ nào cũng sẽ đau lòng khi thấy con cái mình như vậy. Nhưng ngày đó, nghề xiếc không phổ biến, không được quan tâm như nhiều bộ môn nghệ thuật khác. Ba đã truyền động lực để chúng tôi phấn đấu từng ngày. Anh em tôi được mọi người nhớ đến tên tuổi như hôm nay là nhờ công sức của ba", Quốc Nghiệp tâm sự.

Quốc Cơ - Quốc Nghiệp: Cú ngã bất tỉnh vì giọt nước, vinh quang và đánh đổi - 11

Đúng như mơ ước của người thầy thuốc họ Giang năm xưa, các con của ông đều đã thành danh trong nghề. NSƯT Quốc Cơ, NSƯT Quốc Nghiệp lần lượt lập gia đình, sống tại những căn hộ chung cư sang trọng ở một khu đắt đỏ tại TP Thủ Đức. Cát-xê quảng cáo, cát-xê biểu diễn quốc tế hay những hoạt động kinh doanh đã giúp anh em Cơ - Nghiệp có cuộc sống sung túc, thoải mái về vật chất.

Nhưng để đạt được thành công như ngày hôm nay, con đường của hai anh em không trải đầy hoa hồng. 

Quốc Cơ - Quốc Nghiệp: Cú ngã bất tỉnh vì giọt nước, vinh quang và đánh đổi - 13

Cuối thập niên 1990, đầu thập niên 2000, cơ sở vật chất của Đoàn xiếc TPHCM vẫn còn nghèo nàn. Nghề xiếc nhọc nhằn, nhiều nguy hiểm, tập luyện cả tháng trời chỉ để đổi lấy 10 phút trên sân khấu. Vất vả là vậy song cát-xê của họ rất bèo bọt. Các tiết mục xưa cũ như lắc vòng, đi dây… được xem là "nòng cốt" của nghề xiếc nhưng cũng không đủ hấp dẫn khán giả giữa nhiều loại hình giải trí của xã hội hiện đại.

Tuổi thiếu niên, anh em Quốc Cơ - Quốc Nghiệp và chị gái thường theo cha biểu diễn góp vui ở các đoàn lân sư rồng, biểu diễn và tập luyện ở Đoàn xiếc TPHCM, thi đấu tại các kỳ Đại hội thể dục thể thao toàn quốc…

Cát-xê ít ỏi, lương tháng của 2 anh em đủ mua gạo cho 5 khẩu phần ăn trong nhà. Mâm cơm gia đình hôm nào có thịt thì cha mẹ nhường hết cho 2 anh em. Anh trai bao giờ cũng nhường cho em phần ngon. Dẫu chật vật, họ vẫn không ngừng cố gắng. Xem những chương trình xiếc quốc tế qua tivi, Quốc Cơ, Quốc Nghiệp không thể rời mắt, mê mẩn trước những tiết mục hấp dẫn, kịch tính và ước ao một ngày nào đó, họ cũng sẽ làm được.

Một ngày tháng 11/2003, Quốc Nghiệp ngồi ăn bữa cơm cùng đại gia đình trước khi theo đoàn xiếc TPHCM lên đường lưu diễn ở châu Âu. Sau bữa ăn, ông nội dặn dò Nghiệp giữ gìn sức khỏe, biểu diễn thành công, móc tiền túi dúi vào tay cháu. Đó cũng là lần đầu tiên, Nghiệp được đi nước ngoài. Cậu bé Quốc Nghiệp năm đó chững chạc sớm, 14 tuổi tự tin kéo vali ra sân bay. "Đó thật sự là một trong những kỷ niệm đáng nhớ nhất của tôi", Quốc Nghiệp nói. 

"Càng lớn, chúng tôi càng muốn rèn luyện qua những bài tập khó, cường độ cao hơn. Để có được một tiết mục độc đáo, kiếm được tiền trang trải cuộc sống là rất khó khăn. Chúng tôi chấp nhận bỏ công sức rèn luyện trong nhiều năm, chấp nhận thu nhập không ổn định, sống nhờ vào đồng lương ít ỏi của đoàn xiếc. May mắn, anh em tôi có cơ hội để vượt lên", Quốc Cơ nhớ lại cột mốc thay đổi sự nghiệp. 

Quốc Cơ - Quốc Nghiệp: Cú ngã bất tỉnh vì giọt nước, vinh quang và đánh đổi - 15

Năm 2003, đoàn xiếc TPHCM mời nghệ sĩ Quý Toại truyền lại cho anh em Cơ - Nghiệp tiết mục "Sức mạnh đôi tay". Năm đó, Cơ 19 tuổi, còn Nghiệp tròn 14. Ban đầu, hai anh em gặp nhiều khó khăn vì vốn quen với các tiết mục biểu diễn đơn. Sau 7 năm kiên trì, những động tác và sự kết hợp của hai anh em trở nên nhuần nhuyễn, ăn ý. Điểm hấp dẫn nhất là màn chồng đầu và đi trên từng bậc thang cheo leo. 

Tiết mục này đã biểu diễn vài ngàn lần, cả trong và ngoài nước, mang lại cho Quốc Cơ - Quốc Nghiệp danh tiếng, thu nhập, rất nhiều giải thưởng lớn hay chuyến lưu diễn nước ngoài. Trong các cuộc thi quốc tế, rất nhiều đại diện các đoàn xiếc lớn trên thế giới trầm trồ trước sức mạnh và sự khéo léo của Quốc Cơ - Quốc Nghiệp, lựa chọn tiết mục về biểu diễn cho đoàn mình. Thương hiệu "Giang Brothers" cùng áo dài, lá cờ Việt Nam đi khắp 5 châu, lập nên những kỷ lục và tinh thần tự hào cho xiếc Việt Nam.

Tất nhiên, những chuyến lưu diễn nước ngoài liên tục của hai chàng trai Cơ - Nghiệp không phải lúc nào cũng chỉ là vì danh tiếng hay thù lao hậu hĩnh. Có những chuyến đi cực kỳ vất vả, diễn xong là lên xe đi 500-700km trong đêm, đường xấu và trời rét. Nhưng sáng ra đến nơi, hai chàng trai vẫn lao vào tập miệt mài…

Quốc Cơ - Quốc Nghiệp: Cú ngã bất tỉnh vì giọt nước, vinh quang và đánh đổi - 17

Trong cuộc trò chuyện, khi tôi hỏi về những thất bại, cú ngã hay lần chấn thương ám ảnh nhất, NSƯT Quốc Cơ và NSƯT Quốc Nghiệp đều trầm ngâm suy nghĩ. Họ không kể khổ, không điểm lại những nỗi đau hay sự đánh đổi, chỉ trả lời đơn giản: "Trên đời này mọi thứ đều nằm ở 2 chữ được và mất". Với anh em họ Giang, họ may mắn sống được với nghề, nhưng cũng mất rất nhiều để có được ngày hôm nay.

Quốc Cơ - Quốc Nghiệp: Cú ngã bất tỉnh vì giọt nước, vinh quang và đánh đổi - 19

Lần đầu Quốc Cơ gặp chấn thương là năm 1999. Ở tuổi 15, Quốc Cơ vẫn là một vận động viên xiếc mới vào nghề. Mỗi buổi diễn, anh nhận vị trí diễn lót cho các nghệ sĩ thuộc loại hình nghệ thuật khác. Có lần, anh đứng trên tấm ván, chuẩn bị thực hiện động tác bật cầu, lộn 2 vòng trên không trung. Thông thường, Quốc Cơ sẽ rơi xuống đúng vị trí chiếc ghế, nhưng ngày hôm đó anh nhào lộn và đáp sai vị trí, té chảy máu đầu. Sợ cha mẹ lo lắng, Quốc Cơ tìm cách giấu cho đến khi khâu vết thương xong xuôi. 

Một lần khác tại Đài Loan, Quốc Nghiệp cũng gặp chấn thương nặng. Đó là năm 2009, thời điểm hai anh em vừa bắt đầu biểu diễn "Sức mạnh đôi tay" tại các chuyến lưu diễn thế giới. Thông thường, tiết mục này được tập nhuần nhuyễn, ít sai sót. Nhưng ngày hôm đó, một giọt nước rơi xuống cầu thang đã khiến Quốc Cơ loạng choạng, bước hụt chân. Chỉ trong một giây tích tắc, Quốc Nghiệp ngã xuống sàn, bất tỉnh, không biết tính mạng sẽ ra sao. Khi đó, Quốc Cơ đau lòng như bị ai đó đâm vào tim. 

Đối với Quốc Nghiệp, anh nhớ lại tai nạn năm đó với suy nghĩ "tôi đau 1 thì anh Cơ đau 10". Sau tai nạn, đốt sống cổ của Nghiệp bị lún xuống nhưng may mắn không ảnh hưởng tính mạng. Tỉnh dậy, anh chỉ sợ duy nhất một điều, đó là không được làm nghề nữa. 

Quốc Cơ - Quốc Nghiệp: Cú ngã bất tỉnh vì giọt nước, vinh quang và đánh đổi - 21

Năm 2018, khi tập luyện để tham dự Britain's Got Talent, Quốc Nghiệp cũng bị ngã dẫn đến chấn thương nặng. Cột sống cổ của anh sau những lần tai nạn, chấn thương bị vẹo nhiều và ngày càng cong ngược so với những người bình thường. Thậm chí bác sĩ từng cảnh báo nếu diễn thêm nữa sẽ có nguy cơ bị liệt, nằm một chỗ.

"Anh em tôi thành công nhưng cũng đánh đổi nhiều thứ. Mọi điều trên thế gian này đều nằm ở chữ được và mất. Chúng tôi yêu nghề, đi được với nghề và cũng mất rất nhiều mới có được ngày hôm nay. Mỗi một vị trí trong nghề xiếc đều có những độ khó khác nhau. Chúng tôi chọn lối đi nguy hiểm, nâng cấp độ khó không chỉ vì thu nhập mà còn vì muốn nâng cao tinh thần, ý chí", Quốc Cơ và Quốc Nghiệp chia sẻ.

Mỗi lần Quốc Cơ - Quốc Nghiệp lưu diễn và thực hiện thử thách chồng đầu, người lo lắng, hồi hộp nhất không ai khác hơn là cha mẹ của họ. Lần đầu tiên hai anh em biểu diễn "Sức mạnh đôi tay" ở đoàn xiếc TPHCM, khán giả vỗ tay còn 2 vị phụ huynh thì ngồi khóc. 

Ông Thanh nhớ rõ từng lần các con bị chấn thương, dù nặng hay nhẹ. Mỗi khi xem lại video cũ, ông thấy đau xót cho những gì các con phải đánh đổi để có được vinh quang. Kể cả những năm sau này, dù con đã trưởng thành, có nhiều kinh nghiệm, gia đình vẫn ngóng chờ, dõi theo từng bước chân. Như đêm mùng 2 Tết năm 2020, Quốc Cơ, Quốc Nghiệp lên đường sang Đức biểu diễn. Ông Thanh phụ con soạn đồ, đạo cụ, xếp vali, còn bà Nga (mẹ Quốc Cơ - Quốc Nghiệp) đi theo từng bước, tay cầm điện thoại quay lại cảnh các con bước lên taxi. 

Có lúc, trong thâm tâm người cha, ông tự trách bản thân, sợ rằng mình chọn sai đường cho các con. Nhưng nhìn các con thành công, hoàn thành vai trò của nghệ sĩ đóng góp cho nước nhà, ông xem đây là niềm hãnh diện to lớn.

Quốc Cơ - Quốc Nghiệp: Cú ngã bất tỉnh vì giọt nước, vinh quang và đánh đổi - 22

Tuy nhiên, Quốc Cơ - Quốc Nghiệp khẳng định rằng: "Trên tất cả, chúng tôi mong muốn anh em nghệ sĩ cố gắng để tạo được dấu ấn Việt Nam trên trường quốc tế. Chấn thương, tai nạn, thất bại cản trở tinh thần chúng tôi rất nhiều. Nhưng ra thế giới, chúng tôi bất chấp, quyết không nản chí. Ngày nay, nghề xiếc đỡ vất vả hơn xưa nhưng cuộc sống diễn viên xiếc vẫn còn nhiều khó khăn. Nghệ sĩ xiếc khó tập trung tập được tiết mục đỉnh cao vì họ còn mang nhiều gánh nặng mưu sinh. Chúng tôi muốn truyền cảm hứng cho các diễn viên xiếc, các nghệ sĩ trẻ noi theo. Chúng tôi hy vọng với những gì đã làm, các bạn sẽ cùng nhau đưa xiếc Việt Nam lên một tầm cao mới".

Quốc Cơ - Quốc Nghiệp: Cú ngã bất tỉnh vì giọt nước, vinh quang và đánh đổi - 24

***

Cuộc trò chuyện của chúng tôi thi thoảng bị gián đoạn khi các con của Quốc Cơ - Quốc Nghiệp thấm mệt, nũng nịu đòi cha dẫn về, đưa đi chơi. Nói về việc để 2 cậu con trai Vĩ Lâm - Hùng Tâm tiếp nối truyền thống gia đình, Quốc Nghiệp và Quốc Cơ bật cười cho biết họ không đặt quá nhiều áp lực, kỳ vọng. Qua những bài tập lúc rảnh rỗi dịp cuối tuần, 2 nghệ sĩ muốn rèn cho con sự kiên nhẫn, cân bằng, sức khỏe dẻo dai. Đó chính là nền tảng để các con có thêm kỹ năng sống và sẵn sàng vượt qua mọi thử thách trong cuộc đời.

Sau tất cả, điều mà anh em Cơ - Nghiệp trân trọng, biết ơn nhất chính là gia đình - "mỏ neo", hậu phương vững chắc cho họ trong hành trang cuộc sống và sự nghiệp. "Ba mẹ, vợ và các con là nguồn tinh thần, động lực to lớn cho chúng tôi vững tin và thực hiện được mọi mơ ước vì gia đình, vì nghề xiếc và đất nước", anh em NSƯT Quốc Cơ - NSƯT Quốc Nghiệp chia sẻ với Dân trí.

Quốc Cơ - Quốc Nghiệp: Cú ngã bất tỉnh vì giọt nước, vinh quang và đánh đổi - 26

Nội dung: Bích Phương
Ảnh: Nam Anh, Facebook nhân vật
Video: Ngà Trịnh
Thiết kế: Đỗ Diệp

Quốc Cơ - Quốc Nghiệp: Cú ngã bất tỉnh vì giọt nước, vinh quang và đánh đổi - 29