Phục trang trong cải biên nghệ thuật: Sáng tạo bao nhiêu là đủ?

Tiến Thịnh

(Dân trí) - Theo các nhà nghiên cứu, khi những cải biên trong thiết kế quá chú trọng vào nét đẹp và tính hấp dẫn mà bỏ qua những ghi chép từ lịch sử, thì cũng là lúc việc sáng tạo phục trang cho phim lịch sử cần đặt ra những giới hạn cần thiết.

Vấn đề phục trang trong cải biên điện ảnh

Phim cổ trang đang chiếm thị phần nhất định trong các nền điện ảnh lớn của thế giới như Mỹ, Hàn Quốc, Trung Quốc, Ấn Độ. Những bộ phim dã sử, lịch sử lồng ghép yếu tố văn hóa, ẩm thực, y học, pháp luật, tư tưởng… dần vượt khỏi biên giới quốc gia, thu hút khán giả thế giới tìm hiểu về văn hóa, lịch sử và con người bản địa. 

Để đến gần hơn với thị hiếu khán giả, một số phim lịch sử, cổ trang chọn cách tiếp cận theo hướng "tạo sốc" trong thẩm mỹ, dùng tư duy hiện đại để áp đặt vào thiết kế trang phục. Điều này, vô hình trung lại gây phản ứng ngược, tạo làn sóng tranh cãi.

Chẳng hạn, một số tác phẩm của điện ảnh Trung Quốc, Hàn Quốc đã vấp phải những phản ứng trái chiều khi trang phục được thiết kế táo bạo, tạo hình nhân vật nữ hở hang, phản cảm, bị đánh giá là không phù hợp với bối cảnh lịch sử.

Ngược lại, những phim lịch sử khác như Gladiator, Braveheart hay "Anh hùng thành Troy", dù còn những tranh luận về tính "sử" trong các thiết kế, nhưng vẫn được đón nhận với doanh thu phòng vé ngất ngưởng, phần phục trang được đánh giá cao.

ThS. Diễm Trang (Đại học Văn Lang) cho biết: "Trang phục có thể không hoàn toàn chính xác về mặt lịch sử nhưng phải tạo được điểm nhấn, thể hiện được màu sắc và nền văn hóa của từng dân tộc".

Phục trang trong cải biên nghệ thuật: Sáng tạo bao nhiêu là đủ? - 1
Trang phục trong phim Braveheart (Ảnh: Pinterest).

Đồng tình với quan điểm trên, ThS. Hoàng Dạ Vũ (Phó viện trưởng Viện Sân khấu - Điện ảnh) cho biết: "Có thể thấy, "hào nhoáng", "cầu kỳ", "đẹp" thôi là chưa đủ, khán giả vẫn luôn có sự quan tâm đặc biệt tới tính "sử" trong trang phục, và luôn đánh giá trang phục gắn với các yếu tố thẩm mỹ của bối cảnh trong phim. Sáng tạo dù có bay bổng tới đâu, cũng không nên đánh mất cốt lõi và khả năng nhận diện nền văn hóa quốc gia. Không thể nhân danh sáng tạo mà bóp méo hình ảnh, bởi phục trang cũng thể hiện văn hóa của dân tộc trong từng thời kỳ".

Sáng tạo phục trang cần cân bằng giữa nghiên cứu và sáng tạo

Để có những góc nhìn và hướng đi bài bản hơn cho phục trang trong phim sử Việt, tại hội thảo quốc tế "Di sản văn hóa lịch sử và cải biên nghệ thuật" (ICHCHAA) 2022, hơn 47 nhà nghiên cứu, nhà thực hành nghệ thuật đã cùng thảo luận, tiếp cận vấn đề cả từ góc độ lý thuyết và thực tiễn.

Phục trang trong cải biên nghệ thuật: Sáng tạo bao nhiêu là đủ? - 2
ThS. Diễm Trang từ Đại học Văn Lang (áo cam) chia sẻ tại hội thảo (Ảnh: TNA Entertainment).

ThS. Diễm Trang (Đại học Văn Lang) nhận định: "Đã qua rồi cái thời vơ đại các mẫu phục trang cổ bắt mắt của Trung Hoa, lai căng một cách tùy tiện phục sức Việt qua các thời kỳ. Một bộ phim cổ trang chỉn chu hôm nay phải có sự nghiên cứu về chất liệu màu sắc, họa tiết, kiểu dáng của trang phục, vũ khí, dụng cụ sinh hoạt. Các thành tố cơ bản của văn hóa bao gồm ăn - mặc - ở - đi lại đều phải được chú trọng".

Bàn về ứng dụng chất liệu văn hóa lịch sử trong thiết kế, ThS. Trần Minh Nhựt (Đại học Hoa Sen) cho rằng cần phải có sự chuẩn bị công phu, tìm tòi các hiện vật, thiết kế đạo cụ, phục trang sao cho phù hợp với lối sống và sinh hoạt trong từng thời kỳ, để đưa trang phục xưa của Việt Nam ra với thế giới.

Phục trang trong cải biên nghệ thuật: Sáng tạo bao nhiêu là đủ? - 3
Trang phục She-Kings được trưng bày tại hội thảo, nhận được những nhận xét, phản hồi từ các nhà nghiên cứu (Ảnh: TNA Entertainment).

Dưới góc nhìn nghề nghiệp, nhà thiết kế Tom Nguyễn (phụ trách tạo hình nữ tướng trong dự án She-Kings) cũng cho rằng sáng tạo để tiếp cận khán giả, nhưng cũng cần chú trọng tới các ghi chép lịch sử, các nghiên cứu về trang phục qua các thời kỳ.

Về lựa chọn thiết kế phục trang, Tom cho biết cảm hứng thiết kế của anh dựa trên nghiên cứu về nền văn hóa Đông Sơn thời kỳ Lạc Việt, thông qua việc khảo cứu các mẫu cổ vật còn sót lại, kết hợp với kiến thức giải phẫu học, kỹ thuật hiện đại để sáng tạo nên phục trang nhân vật.

Phục trang trong cải biên nghệ thuật: Sáng tạo bao nhiêu là đủ? - 4

 Hình ảnh bộ sưu tập She-Kings (Ảnh: TNA Entertainment).

Phục trang trong cải biên nghệ thuật: Sáng tạo bao nhiêu là đủ? - 5
Nhà thiết kế Tom Nguyễn (áo thun trắng sọc) phụ trách tạo hình các nữ tướng trong phim huyền sử Trưng Vương (Ảnh: TNA Entertainment).

Đồng tình với quan điểm cần dung hòa giữa tính hàn lâm và nghệ thuật, nhà sản xuất Janet Ngo - Giám đốc ICHCHAA 2022, Giám đốc Điều hành TNA Entertainment cho rằng: "Sáng tạo cần có trách nhiệm và tôn trọng tiền nhân. Sáng tạo phải dựa trên nền tảng văn hóa, căn tính cốt lõi của nhân vật để xây dựng tạo hình, vừa phải đạt tính thẩm mỹ vừa phải phù hợp với sự tiếp nhận lịch sử của xã hội".