Phim càng nhảm, càng thu lắm tiền?

(Dân trí) - Đó là một trong những nội dung tham luận gây chú ý trong khuôn khổ của Hội thảo khoa học toàn quốc về “Vấn đề đạo đức xã hội trong văn học nghệ thuật hiện nay”, diễn ra ở TPHCM vào ngày 11/11/2014.

Vấn đề trên đã được Đạo diễn - NSND Đặng Nhật Minh đưa ra để minh chứng cho thực trạng của tình hình phim Việt nói chung trong những năm gần đây. Bên cạnh một số rất ít bộ phim được đầu tư về nội dung kịch bản mang tính nhân văn hay thông điệp ý nghĩa thì vẫn còn đó những bộ phim mang mác “nhảm nhí”. Kể cả những phim tham dự hay đạt giải Bông sen vàng, Cánh diều vàng… đều chưa có nhiều tác phẩm thể hiện bản sắc văn hóa dân tộc sâu sắc.

Thế nhưng, vấn đề được đặt ra rằng “Phim càng nhảm nhí thì càng thu lắm tiền?” và điều này đã trở thành tiêu chí hàng đầu trong cách làm phim của các đạo diễn bây giờ? Trả lời cho câu hỏi, chính tác giả cũng đã khẳng định điều này là có và khiến ông phải suy nghĩ khá nhiều khi những nhận định ấy lại được phản hồi từ một số đạo diễn và người trong nghề. Có lẽ, yếu tố kinh doanh và lợi nhuận ngày càng lấn át hết giá trị văn hóa và nghệ thuật chân chính trong các bộ phim đương đại.

Các đại biểu tham gia thảo luận tại hội thảo vào chiều 11/11/2014
Các đại biểu tham gia thảo luận tại hội thảo vào chiều 11/11/2014

Nói thêm về vấn đề này, Đạo diễn - NSND Đặng Nhật Minh chia sẻ: “Có người bảo, tuy những phim đó bị gọi là nhảm nhí nhưng đạo diễn của phim thì có tay nghề. Đây có phải là sự ngộ nhận? Thật ra, với con mắt của người trong nghề thì họ chẳng có tay nghề gì hết. Họ chỉ học được một vài thủ pháp, kỹ xảo của nước ngoài, mà nhiều kỹ xảo bây giờ có thể lấy từ trên mạng xuống một cách dễ dàng. Nếu gọi đó là nghề thì đó là nghề bắt chước”.

Lý giải cho những bộ phim “nhảm nhí” mà hầu hết là phản ánh những câu chuyện trong giới showbiz, giói đại gia, chân dài, ở nhà biệt thự, đi xe hơi này, Đạo diễn NSND Đặng Nhật Minh nói: “Làm nghệ thuật là phản ánh thực tế mà mình đang sống. Môi trường sống của đội ngũ đạo diễn hiện nay lại chủ yếu là giới showbiz, là các ca sĩ, đại gia… Môi trường sống mà họ trải nghiệm như vậy nên họ phản ánh cuộc sống trên phim như vậy là điểu dễ hiểu. Họ chẳng gắn bó gì với nông thôn thì làm sao để phản ánh được nông thôn trên phim…”

Tiếp tục thể hiện nỗi trăn trở trước vấn đề này, tác giả bài tham luận còn đưa ra một ví dụ cụ thể khác trong những buổi giao lưu tại các trường đại học. Câu nói mà tác giả nhận được từ các sinh viên là “Chúng em cảm thấy ‘bơ vơ’ về văn hóa, thật khó để biết đâu là phim nghệ thuật, đâu là phim thị trường trong hàng loạt các phim hiện nay”. Phải chăng, giới trẻ Việt đang thiếu đi sự định hướng về mặt tư tưởng văn hóa để có thể tự tin chọn lựa cho mình sản phẩm văn hóa đẹp mà thưởng thức?

Cũng hướng về chủ đề chính của Hội thảo năm nay, Thứ trưởng Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch Vương Duy Biên nhận định một cách khái quát hơn: “Để có được một xã hội đạo đức thì phải có những con người đạo đức. Tương tự, để có những tác phẩm văn học, nghệ thuật đạo đức thì cũng phải có những người nghệ sĩ đạo đức”. Song song đó, thứ trưởng cũng nhắc về trách nhiệm và nghĩa vụ lớn lao của những người làm công tác quản lý văn hóa trong tình hình hiện nay.

Đặc biệt, nhấn mạnh về ý nghĩa của chủ đề hội thảo năm nay, Nguyên Tổng bí thư BCH Trung Ương Đảng Lê Khả Phiêu cũng đã chia sẻ những quan điểm của mình xung quanh khái niệm “đạo đức xã hội” trong văn học, nghệ thuật: “Mọi thao tác nghệ thuật có thể là muôn hình muôn vẻ, mọi cảm hứng có thể diễn ra theo nhiều cung bậc nhưng tất cả đều nhằm chuyển tải một thông điệp xã hội của người nghệ sĩ trước các vấn đề đặt ra, trong đó đạo đức xã hội là một trong những vấn đề quan trọng nhất”.

Hội thảo khoa học toàn quốc về “Vấn đề đạo đức xã hội trong văn học, nghệ thuật hiện nay” đã được khai mạc vào sáng 11/11/2014 tại TPHCM. Với 84 bài tham luận của nhiều tác giả trên khắp cả nước được gửi về, con số này được xem là kỷ lục so với các hội thảo được tổ chức những năm trước đây. Điều đó cho thấy, vấn đề đạo đức xã hội là vấn đề đang nhận được sự quan tâm đặc biệt của xã hội nói chung và của những người hoạt động trong lĩnh vực văn học nghệ thuật nói riêng. Sau buổi khai mạc, hội thảo đã tiếp tục diễn ra những buổi thảo luận xung quanh các đề tài gửi về của các đại biểu vào chiều 11/11/2014 và khép lại bằng buổi lễ bế mạc vào sáng 12/11/2014.

Bài và ảnh: Trí Hòa