Phát hiện sắc phong cổ gần 400 năm

(Dân trí) - Trong khi đi sưu tầm, số hóa tài liệu Hán Nôm ở huyện Thạch Hà (Hà Tĩnh) Đoàn chuyên gia Thư viện Khoa học Tổng hợp TP. Hồ Chí Minh và Bảo tàng tỉnh Hà Tĩnh đã phát hiện một văn bản sắc phong quý hiếm có niên đại cách nay gần 400 năm.

Đạo sắc phong quý hiếm này hiện đang được lưu giữ tại dòng họ Lê Tự ở xóm Văn Minh, xã Thạch Tân, huyện Thạch Hà đã được các chuyên gia phát hiện trong khi đi sưu tầm, số hóa tài liệu Hán Nôm hôm 9/6 vừa qua.

Hiện Đạo sắc này đang được lưu giữ tại dòng họ Lê Tự ở xóm Văn Minh, xã Thạch Tân, huyện Thạch Hà
Hiện Đạo sắc này đang được lưu giữ tại dòng họ Lê Tự ở xóm Văn Minh, xã Thạch Tân, huyện Thạch Hà

Qua khảo sát nội dung cho biết, sắc phong này ban cho cụ Lê Biên. Niên đại ban sắc là năm Đức Long nguyên niên (1629) đời vua Lê Thần Tông, sắc phong đã bị ẩm mốc, rách và mất một số chữ.

Đây là đạo sắc ban cho Lê Biên vì có công phò giúp Thanh đô vương đi đánh giặc các xứ.

Sử sách cho biết, vào năm 1623 (tức năm Quý Hợi), chúa Trịnh Tùng qua đời, khi đó dư đảng của họ Mạc là Mạc Kính Khoan đang chiếm cứ ở vùng đất Cao Bằng nghe tin bèn kéo quân từ Cao Bằng xuống Gia Lâm. Lúc này, Trịnh Tráng  (1577 - 1657) đã lên kế vị ngôi chúa. Ông bèn đem vua Lê chạy vào Thanh Hóa lánh nạn. Đến tháng 8 năm Quý Hợi (1623), chúa Trịnh Tráng đem quân đi đánh các xứ và phá được quân của Kính Khoan ở Gia Lâm, giúp giữ yên kinh thành. Sau đó, chúa Trịnh Tráng lại rước vua Lê trở về kinh đô. Đến mùa đông năm đó vua Lê đã phong cho Trịnh Tráng làm Nguyên soái Thống quốc chính Thanh đô vương.

Cụ Lê Biên vì có công phò giúp chúa Trịnh Tráng đem quân đi đánh các xứ giành được thắng lợi, lập nhiều công lao, nên đã được nhà vua ban sắc gia phong chức tước.

Các chuyên gia trong đoàn nhận định, đạo sắc này là tư liệu quý để nghiên cứu về một giai đoạn lịch sử đầy biến động trong lịch sử dân tộc.

Xuân Sinh