“Ông Vua” nhạc cụ người Raglai!

(Dân trí) - Cũng như đồng bào các dân tộc ở Tây Nguyên, người Raglai ở miền Tây tỉnh Khánh Hòa cũng sử dụng âm nhạc, cồng chiêng trong các lễ hội, đình đám của họ. Người Raglai mượn cồng chiêng, nhạc cụ truyền thống để thể hiện tình cảm giữa người với người; ca ngợi tình yêu lao động, sản xuất; cầu cho mùa màng được tươi tốt, cuộc sống sum vầy, ấm no…

“Ông Vua” nhạc cụ người Raglai!

Tiếng chiêng của người Raglai như con suối hiền hòa!

Người ta gọi Cao Dy là truyền nhân hay “ông Vua” nhạc cụ bởi tài năng diễn tấu không chỉ các loại nhạc cụ của người Raglai mà cả các loại nhạc cụ của đồng bào các dân tộc ở Tây Nguyên, Tây Bắc... Với tài năng thiên bẩm về nhạc cụ dân tộc hiếm thấy, Cao Dy đúng là một “nghệ nhân” như cách gọi của đồng bào Raglai ở miền núi huyện Khánh Vĩnh, tỉnh Khánh Hòa.

Gặp Cao Dy trong một buổi chiều sương dưới chân núi thôn Ngã Hai (xã Khánh Phú, huyện Khánh Vĩnh), tôi không ngờ truyền nhân nhạc cụ “có một không hai” này lại trẻ đến thế. Đón khách từ phương xa đến thăm, người nghệ nhân 39 tuổi ôm chầm, nắm chặt tay khách và bắt đầu “tuôn chảy” về âm nhạc mà có lẽ cũng lâu rồi chưa ai “khơi” để anh nói.

Cao Dy vốn sinh ra trong không gian văn hóa cồng chiêng của đồng bào Raglai ở miền Tây tỉnh Khánh Hòa. Từ nhỏ Cao Dy đã sớm bộc lộ niềm đam mê cồng chiêng cháy bỏng mà bản thân ông cũng không giải thích được. Khác với những đứa trẻ cùng trang lứa, mỗi khi trong vùng có lễ mừng lúa mới, lễ bỏ mả, đám cưới… thì y như rằng có cậu bé Cao Dy ở đó. Sự hứng thú với cồng chiêng đã thôi thúc Cao Dy có mặt ở mọi lễ hội bất kể dù lớn, dù nhỏ. Người làng không hiểu vì sao một cậu bé 6-7 tuổi lại say mê cồng chiêng đến thế!

Nghệ nhân Cao Dy được coi là truyền nhân hay “ông Vua” nhạc cụ Raglai
Nghệ nhân Cao Dy được coi là truyền nhân hay “ông Vua” nhạc cụ Raglai

Cao Dy say sưa thập thò bên sàn lễ, đắm đuối nghe già làng, các bậc cao niên diễn tấu cồng chiêng hàng giờ đồng hồ mà gần như quên cả cơn đói! Sự kiên nhẫn của cậu bé cũng đã được đền đáp trong giây phút các cụ cao niên, già làng phải nghỉ giải lao, ngồi uống rượu. Cậu lao vào lặp lại các giai điệu vừa nghe và chỉ qua một vài lần diễn tấu, người ta khó phân biệt đâu là tiếng chiêng của một cậu bé và đâu là tiếng chiêng của một cụ cao niên. Thế là, những giai điệu cồng chiêng dập dìu vắt qua con suối, trầm bổng qua từng ngọn đồi, ngân vang lên tận nương rẫy, vốn là niềm khao khát bấy lâu đã trở thành một phần của Cao Dy.

Là người có đôi tai thẩm âm tinh tế và một tâm hồn âm nhạc tuyệt vời, Cao Dy dễ dàng phân biệt được tiếng chiêng của đồng bào mình so với tiếng chiêng của các dân tộc ở Tây Nguyên. “Khi ta nghe giai điệu cồng chiêng của người Ê-đê ở Tây Nguyên, có cảm giác như con voi đang hùng hổ chạy trong rừng, hay như dòng thác ào ào từ trên núi đổ xuống! Còn giai điệu chiêng của người Raglai ở miền trung du thì nghe nó nhẹ nhàng, hài hòa như tiếng suối, chảy sâu lắng, quanh năm suốt tháng vậy”, nghệ nhân Cao Dy - chia sẻ.

“Ông Vua” nhạc cụ và niềm trăn trở không muộn!

Gọi là “ông Vua” nhạc cụ dân tộc cũng dễ hiểu vì mấy ai ở đồng bào Raglai chơi giỏi nhiều loại nhạc cụ như Cao Dy. Không chỉ chơi nhạc cụ của người Raglai, Cao Dy còn “sành sỏi” nhiều nhạc cụ của các dân tộc Tây Nguyên, Tây Bắc. Có thể kể qua các loại nhạc cụ dân tộc mà Cao Dy thông thạo, như: Curea (người Ê-đê gọi là sáo đinh tút), khèn Salakhen (người Ê-đê gọi là đinh năm), Kane (người Kinh gọi là đàn cò), sáo Ta Cung (5-6 lỗ), sáo Talét (người Kinh gọi là sáo trúc), Luroh (người dân tộc Tây Bắc gọi là Khèn môi), đàn đá, đàn T’rưng...

Đang giới thiệu về tên gọi các loại nhạc cụ, bất ngờ Cao Dy cầm đàn Kane (đàn cò) đi ra sân tấu bài “Ma giêng” (nghĩa là “Tâm sự”). Âm hưởng của loại nhạc cụ này, cùng khả năng diễn tấu điêu luyện của người nghệ nhân trẻ đã làm xao xuyến, lay động người nghe. Cao Dy tiếp tục dùng khèn Salakhen (người Ê-đê gọi là đinh năm) diễn tấu thêm 2 bài: “Inh lả ơi” và “Lên nương” khiến tôi cũng phải nhúng nhảy nhịp nhàng theo làn điệu tuyệt vời của nó!

Nghệ nhân Cao Dy cùng tác giả bài viết
Nghệ nhân Cao Dy cùng tác giả bài viết

Nói về bí quyết học các loại nhạc cụ truyền thống, có lẽ không mấy ai người Raglai lại có thể học nhanh như Cao Dy. Với các loại sáo, Cao Dy chỉ cần thổi qua một hai lần là thuần thục; còn các loại khèn thì mất khoảng một đến hai tuần là nắm thành thạo bí quyết; còn với Kane (người Kinh gọi là đàn cò) thì mất khoảng một năm vì loại nhạc cụ này khá khó chơi…

Sử dụng được hàng chục nhạc cụ truyền thống nhưng với người nghệ nhân này, mỗi loại có một sức hút đặc biệt. “Loại nào mình cũng thích nhưng rất ít có cơ hội biểu diễn cho mọi người cùng nghe! Có những loại nhạc cụ khi biểu diễn cần người phụ họa nhưng ít ai làm được như mình nên thành ra nhiều khi thể hiện, biểu diễn cũng rất đơn độc!”, Cao Dy tâm sự.

Có lẽ niềm trăn trở lớn nhất của Dao Dy hiện nay là không để mai một văn hóa truyền thống của đồng bào mình. “Trai làng hiện nay không thích chơi những loại nhạc cụ này và họ bảo là cổ lỗ sĩ! Những giai điệu truyền thống của người Raglai hiện nay không ai còn nhớ nữa! Mỗi khi có lễ hội văn hóa thì ôn luyện được vài hôm, xong đâu lại cất vào đó”, Cao Dy kể. Theo người nghệ nhân tâm huyết này, thì hiện nay lối kể chuyện bằng bài hát Raglai (gọi là Akha Dukanh, tức Sử thi) kể về sự tích con người và tự nhiên, thì trong vùng không ai còn nhớ nữa.

“Tôi rất muốn được truyền dạy miễn phí các giai điệu âm nhạc, nhạc cụ truyền thống mà tôi biết cho thế hệ trẻ đồng bào Raglai! Nhưng một mình tôi thì không thể làm được mà cần một tổ chức đứng ra đầu tư cơ sở vật chất, trường lớp. Không chỉ các em nhỏ mà những ai muốn học các loại nhạc cụ truyền thống, tôi sẽ hướng dẫn chu đáo”, nghệ nhân Cao Dy - trăn trở.

Người đồng bào Raglai cư trú chủ yếu ở các tỉnh Nam Trung Bộ như: Khánh Hòa, Ninh Thuận và Bình Thuận. Tại Khánh Hòa, có khoảng 45 nghìn người Raglai sống tập trung chủ yếu ở 2 huyện Khánh Sơn, Khánh Vĩnh và một vài xã miền núi các huyện Diên Khánh, Cam Lâm và thành phố Cam Ranh. Người Raglai có những Trường ca, truyện thần thoại , truyện cổ tích mang giá trị lịch sử, nghệ thuật và có tính giáo dục sâu sắc. Nhạc cụ của người Raglai gồm nhiều loại, ngoài cồng chiêng, có đàn bầu, kèn môi, đàn Cha-pi…

Viết Hảo