Nỗi niềm nghệ sĩ cải lương

(Dân trí) - Cải lương vốn là một bộ môn nghệ thuật rất được yêu thích, nhưng hiện tại môn nghệ thuật này đang gặp rất nhiều khó khăn trong việc phát triển, thậm chí có thể nói nó đang dần bị mai một.

Cải lương vốn là một loại hình nghệ thuật truyền thống rất được yêu thích, đặc biệt là khu vực phía Nam. Với những người dân Nam bộ, cải lương là máu thịt, là loại hình nghệ thuật không thể thiếu, nhưng đáng tiếc là cải lương đang gặp rất nhiều khó khăn trong việc phát triển, thậm chí có thể nói là đang dần rơi vào nguy cơ bị mai một dần...

Điểm lại những tên tuổi nổi bật của cải lương, người ta vẫn chỉ thấy những tên tuổi đã thành danh từ 10 – 20 năm nay, những gương mặt mới đều khá nhạt nhoà. Thậm chí những tên tuổi như Lệ Thuỷ đã 65 tuổi vẫn đứng trên sân khấu, Minh Vương đã 64 tuổi, Kim Tử Long đã gần 50 tuổi, nổi danh gần 30 chục năm nay nhưng vẫn chưa tìm được gương mặt kế thừa, hay gương mặt nổi bật được coi là “trẻ” như Quế Trân cũng đã 32 tuổi.

Minh Vương - Lệ Thuỷ vẫn đứng trên sân khấu hằng đêm
Minh Vương - Lệ Thuỷ vẫn đứng trên sân khấu hằng đêm

Không chỉ thiếu những gương mặt trẻ sáng giá, cải lương cũng gặp nhiều khó khăn với “đất sống” khi các sân khấu cải lương ngày càng bị thu hẹp và “chuyển đổi mục đích” sang loại hình nghệ thuật khác. Trong bối cảnh giọng hát cải lương còn thiếu nhiều như hiện nay, thì sân khấu cải lương trên truyền hình được xem là cứu cánh cho bộ môn nghệ thuật truyền thống này. Nhờ truyền hình, cải lương vẫn đến được với người hâm mộ và vẫn còn đất sống, dù bất kỳ một nghệ sĩ cải lương nào cũng mơ ước được “trở về thời xa xưa”, khi mà hàng ngàn, hàng vạn khán giả đội gió sương, thưởng thức trực tiếp vở diễn trên sân khấu.

Điểm qua nhiều chương trình trên Đài truyền hình TP HCM như: Vầng trăng cổ nhạc, Chuông vàng vọng cổ, Ngân mãi chuông vàng, Giọt nắng phù sa, phim truyện cải lương… Chúng ta có thể thấy được sự phong phú trong việc đưa bộ môn nghệ thuật này đến gần khán giả. Cũng nhờ vậy, mà các nghệ sĩ có nhiều điều kiện biểu diễn và tạo dấu ấn trong lòng công chúng. Đồng thời, giải thưởng truyền hình HTV Awards với hạng mục dành cho các nghệ sĩ Cải lương cũng là một động thái tích cực để vinh danh và “giải cứu” loại hình nghệ thuật này.

Tuy nghiên, nhìn vào hạng mục các nghệ sĩ Cải lương trong top 5 đề cử HTV Awards mới thấy... buồn và lo. Những cái tên trong top 5 vẫn là quen thuộc và gạo cội như: Kim Tử Long, Trọng Phúc, Tấn Giao, Lệ Thuỷ, Phượng Hằng, Phượng Loan, phần nào là Tú Sương... Nói buồn và lo là bởi, ở top 5 đề cử này của những năm trước, cũng vẫn là những cái tên kể trên.

Gương mặt được coi là trẻ như Quế Trân cũng đã thành danh 15 năm nay
Gương mặt được coi là "trẻ" như Quế Trân cũng đã thành danh 15 năm nay

Trong buổi giao lưu của các nghệ sĩ nằm trong top 5 đề cử của HTV Awards, các nghệ sĩ cải lương đã có dịp ngồi lại cùng nhau để nói chuyện đời, chuyện nghề. Mặc dù đã cố nói về những điểm sáng trong năm qua của cải lương nhưng trong mắt họ vẫn không thôi ánh lên những nỗi niềm. Lo và nghĩ là điều khó có thể tránh được khi mà những nghệ sĩ như Lệ Thuỷ, Kim Tử Long... vẫn phải nai lưng trên sân khấu mỗi tối, thậm chí họ còn phải hoá thân cả vào vai những cô... thôn nữ tuổi đôi mươi. Họ diễn không hẳn vì tiền mà vì đam mê và vì muốn truyền lại tình yêu cải lương cho những người trẻ.

Dù cải lương chưa bi đát như hát xẩm sau sự ra đi của nghệ nhân Hà Thị Cầu nhưng cải lương vẫn được xem là đang dần tiến tới mức báo động. Vậy nên, sân khấu cải lương cần nhiều hơn những chương trình truyền hình, cần nhiều hơn những giải thưởng tôn vinh như HTV Awards... Cải lương cần sự hành động sớm, từ những cơ quan chức năng cao hơn và từ chính những người khán giả yêu mến bộ môn nghệ thuật này.

Phan Anh