Việt Nam thân thương:

Nhớ về mái trường 99 năm tuổi

(Dân trí) - Mái trường ấy xôn xao nắng gió. Mái trường ấy rộn rã tiếng cười. Nơi hành lang chen chúc những ô cửa màu xanh lá. Tiếng thầy cô yêu thương vọng về trong câu hát “Có kỉ niệm xưa không bao giờ nhạt nhòa, có ngôi trường xưa mãi mãi không quên”.

Đó là trường Bưởi - Chu Văn An. Trường xưa, thầy giáo già ngày ấy giờ không biết có còn nhớ “4 chú lính chì” dũng cảm và những “nàng công chúa” nghịch ngợm của lớp chuyên văn xưa. Mái trường ngày ấy giờ đã 99 năm tuổi, thầy chắc giờ đã ngoài 70, nhưng trong lòng chúng con những lời thầy nói, thầy viết vẫn tươi mới như hôm nào, như buổi đầu tiên nghe thầy đọc thơ trong lớp có những đốm nắng lao xao ngoài kia…

Xin phép thầy, cho con tặng lại những lời thầy dặn trong ngày cuối cùng chia tay lớp để nhớ về mái trường 99 năm tuổi và để ghi nhớ những “ước mơ giản dị” của cuộc sống.

Tản mạn học văn tuổi học trò…

I

Năm đó, tôi học lớp 6 một trường cấp 2 vùng trung du. Gọi là thị xã, nhưng cũng chỉ nhỉnh hơn dãy phố huyện mà thôi. Tôi rất thích học Văn, chỉ mong ngóng đến giờ Văn. Đề luận là: “Em hãy tả một phiên chợ thị xã”

Tôi làm bài đúng trình tự, nghĩa là có mở bài, thân bài, kết luận… Điểm không cao, chỉ là điểm 7, đến giờ thì cũng quên hết cả nội dung, chỉ nhớ được lời phê của cô giáo: cô khen tôi là “có nhận xét tinh tế”.

Nhớ về mái trường 99 năm tuổi


Tôi sung sướng lắm. Chả là thế này. Thông thường cái kết luận của học trò na ná như sau: tả con gà trống thì em rất thích con gà trống. Tả con lợn thì em rất yêu con lợn… Cho đến tả các bậc đáng kính: cha, mẹ, ông, bà cũng “công thức”: em rất yêu, em rất thích,…

Đằng này, tôi lại kết thúc tả phiên chợ vào lúc chiều là “mấy con chim bồ câu sà xuống nhặt những hạt gạo rơi vãi ven đường, dưới một tán cây to… Thấy người đi qua nó vụt bay lên, người ta đoán rằng, nơi đó, sáng nay là dãy hàng bán gạo!”

Tôi được cô giáo khen là “tinh tế” vì không giống bài khác, có cái riêng của mình.

II

Năm tiếp đó, tôi thấy trên báo “Thiếu nhi” có đăng thể lệ cuộc thi thơ, văn cho các bạn thiếu nhi toàn miền Bắc. Không khí sau 1954 miền Bắc vui lắm. Chủ đề cuộc thi thơ là: “Mơ ước của em về tương lai”. Các bạn rủ tôi cùng dự thi. Họ đều mơ những chuyện to tát: làm bác sĩ, bác học, lái tàu bay.

Tôi thấy trên báo người ta nói nhiều về miền Bắc sẽ có máy cày, có điện… tươi đẹp lắm. Thế là tôi nghĩ mình phải có bài thơ liên quan đến “cái máy cày”, đó là hình ảnh mới lạ của đất nước sau hòa bình. Câu từ của bài thơ đã hình thành như thế trong đầu cậu học sinh 14 tuổi (đó là năm 1955).

Nhớ về mái trường 99 năm tuổi


Nhan đề bài thơ là “Em sẽ lái máy cày” và liều mạng gửi đi dự thi, dán tem đàng hoàng, gửi theo đường bưu điện. Tòa soạn báo Thiếu nhi tôi nhớ hồi ấy là ở đầu phố Ngô Văn Sở (Hà Nội). Chả biết gặp may thế nào mà khi công bố thơ, “con cóc” của tôi được giải 3 mới sướng chứ! Nghe nói trong Ban Giám Khảo hồi ấy có cả bác Tô Hoài, nhân vật quan trọng nhất.

Tên các bài trúng giải đăng ở báo Thiếu Nhi (tức báo Thiếu niên Tiền Phong bây giờ). Tôi vẫn muốn tìm lại số báo ấy, mà không sao tìm lại được nữa, vì đã 43, 44 năm trôi qua rồi… Bài thơ kết thúc bằng hai câu lục bát:

A ha! Đàn cháu Bác Hồ

Bao nhiêu mộng đẹp, bây giờ là đây!”

Tôi không trở thành anh lái máy cày, mà lại trở thành thầy giáo dạy Sử ở trường Chu Văn An mình. Và mãi đến năm 2000 tôi vẫn không lái được máy cày và tôi cũng chỉ mới biết lái cái xe Honda Nhật 82… chục phân khối mà thôi.

Ôi, kỳ diệu thay là Cuộc Sống!

III

Tôi là chú học trò liều mạng và “tham lam”. Thấy còn thời hạn dự thi, lại còn cố lèo thêm một bài Văn nữa để dự thi phần Văn. Đó là một mẩu chuyện chứ lúc đó chưa biết một truyện ngắn là cái gì?

Chuyện kể rằng: Trời sắp nổi cơn giông, có một anh thương binh chống nạng, đi giữa cánh đồng không mông quạnh, phải đi qua một cái lạch nhỏ, có cái cầu tre bấp bênh. Anh loay hoay, không làm sao qua được cầu vì anh chống nạng. Lúc đó có một học sinh cấp 2 (xưng “tôi” trong chuyện) đi qua đã kịp thời giúp anh thương binh thời chống Pháp… qua được cầu. Lúc chia tay, trời nổi gió mạnh, anh thương binh chỉ nói một câu “Em ngoan quá”… và kết thúc chuyện. Không một lời bình. Một chuyện rất ngắn, kiệm lời, kết thúc bằng ba cái dấu chấm, bỏ lửng…

Nhớ về mái trường 99 năm tuổi


Các bạn có biết không tôi cứ ngỡ bài văn ngắn ngủi ấy chắc chả ai muốn đọc, ấy thế mà… tôi cũng không ngờ, được xếp giải khuyến khích phần Văn.

Thế là trong một năm tôi gặp “hên” nhận liền hai giải của báo Thiếu nhi. Đó là năm “được mùa” nhất trong đời mình. Tôi nhớ rành rọt người được giải nhất về thơ lần ấy ở Thái Bình, tên là Nguyễn Thị Kim Huệ tác giả bài thơ “Hộp chì màu của em”. Và câu đầu là:

Hộp chì màu của em

Có đủ các màu đẹp

Đẹp một cách lạ lùng…”

IV

Các em 12D3 (chuyên Văn trường Bưởi - Chu Văn An năm học 2000-2001) thân mến của tôi! Tôi chỉ là người dạy Sử rất đỗi bình thường, viết theo yêu cầu cho tập san chuyên Văn của Ban biên tập, chả biết nói gì, thì tôi xin tản mạn về cái sự học Văn tuổi học trò của tôi vậy, chứ biết làm sao!

Nhớ về mái trường 99 năm tuổi


Đừng có ai vội chê trách tôi là “đi khoe” là oan cho tôi lắm đấy! Mà thú thật, có chủ đích khác cơ! Đó là các lời dặn dò sau đây:

- Hãy có cái riêng của mình, đừng có viết giông giống người khác. Cho nên cô giáo mới khen trò là “nhận xét tinh tế!”.

- Phải có ước mơ đẹp, dù không thực hiện được ước mơ đó, thì ta vẫn có chỗ đứng trong cuộc đời. Tôi không lái nổi chiếc máy cày (trong thơ) nhưng vẫn lái được xe Honda (trong cuộc sống).

- Có tấm lòng nhân hậu, làm được điều nhân thì hãy kiệm lời (chả có anh thương binh nào qua cầu hết, tôi tưởng tượng ra đấy, để nêu lên cái ý tưởng nhân đạo của mình (chú bé 14 tuổi lúc ấy, chính là tôi bây giờ).

Lời kết: Chúc cả lớp 12D3 đều đỗ tú tài và vào Đại học 2001. Chúc có bạn đạt giải quốc gia. Đó là điều tôi tin. Còn cụ thể là ai, môn gì thì… tôi chịu!