Nhà văn Lê Minh Khuê đang “trả món nợ quá khứ”

(Dân trí)– “Nhà văn Việt Nam luôn đau đáu còn nợ một món nợ chiến tranh, và Lê Minh Khuê là một trong những nhà văn đang trả món nợ ấy bằng chính những tác phẩm của mình…”, nhà phê bình Phạm Xuân Nguyên nói về cuốn truyện vừa “Nhiệt đới gió mùa” của Lê Minh Khuê.

Buổi ra mắt cuốn truyện ngắn mang tên Nhiệt đới gió mùa của nhà văn Lê Minh Khuê, độc giả đã được nghe những chia sẻ chân thành của nhà văn khi viết truyện và tình tiết trong truyện chính là câu truyện thật của gia đình tác giả. Chiến tranh đã lùi xa, nhưng nỗi đau của những năm tháng bom đạn ấy vẫn còn sống mãi trên trang viết của nhiều nhà văn, nhà thơ Việt Nam trong đó có Lê Minh Khuê. Nhiều thế hệ nhà văn Việt Nam vẫn cho rằng họ có một món nợ với cuộc đời và họ luôn đau đáu trả món nợ với quá khứ bằng chính những tác phẩm của chính mình.

Nhiệt đới gió mùamột lần nữa kéo ta về chiến tranh và thời bao cấp. Mối thù hận của hai người đàn bà quanh một người đàn ông, mối thù hận của hai anh em ruột thịt nhưng lại đứng hai đầu chiến tuyến. Những nhập nhèm, trái ngang mà một thời chúng ta không dám nói ra…Nhưng vẫn như những gì ta hằng thấy ở Lê Minh Khuê, trên cái khung nền tang thương ấy, chưa bao giờ hết ánh sáng của tình yêu thương và sự thứ tha.

Lê Minh Khuê cũng khéo lựa chọn đưa vào tác phẩm những lát cắt sắc lẹm về cuộc sống hiện đại. Một cuộc sống dồn nén nhiều bức bối và nỗi đau; sự công bằng và an nhiên mơ hồ như những ngôi sao xa xôi. Nhưng trong khung nền tang thương, lẫn trần trụi của hiện thực, tình yêu thương, sự bao dung, tha thứ vẫn tồn tại để con người không bị đẩy hẳn về phía bóng tối.
 
Nhà văn Lê Minh Khuê
Nhà văn Lê Minh Khuê

Tác giả muốn người đọc tác phẩm của mình thấy trong cái hiện thực trần trụi vẫn có hơi hướng của lãng mạn, vẫn tồn tại những cái như lòng nhân tính nguyên thủy nhất để con người không bị đẩy hẳn về phía bóng tối. Đề tài chiến tranh ám ảnh không xuyên suốt nhưng nó khiến những câu chuyện luôn có màu sắc của sắt máu, luôn có sự náo nhiệt của một vùng đất không bao giờ yên ổn.

Khi được hỏi vì sao bà lại chọn tên tác phẩm là Nhiệt đới gió mùa, bà giải thích “ Nước ta là một nước có khí hậu nhiệt đới gió mùa, thời tiết khá khắc nghiệt nó là 1 trong những nguyên nhân thường xảy ra những cuộc ganh đua, mâu thuẫn và cả chiến tranh… nó quá ngột ngạt, nếu chúng ta sống trong một thế giới khí hậu ôn hòa, dễ chịu, con người sẽ thấy thoải mái và biết đâu sẽ không có những cuộc chiến phi nghĩa, những cuộc đổ máu không đáng có…”

Tập truyệnNhiệt đới gió mùagồm 12 truyện ngắn và vừa:Nghĩ ngợi quẩn quanh, Xe carry ba chấm, Nước trong, Chuyện bếp núc, Trên đường đê, Đồ cũ, Lãng mạn nửa mùa, Một mình, Ngày còn dài, Sống chậm, Nhiệt đới gió mùa, Ráp Việt, đã được Lê Minh Khuê tuyển chọn một cách kĩ càng trước khi cho biên soạn vào cuốn truyện ngắn này.

 
 
Thiên Lam