"Nghề báo giúp tôi được sống với văn chương và nuôi dưỡng đam mê"

Minh Nhân

(Dân trí) - 4 diễn giả tại buổi giao lưu cho rằng báo chí và văn chương luôn song hành với nhau. Họ biết ơn nghề báo đã giúp họ được sống với văn chương và nuôi dưỡng đam mê.

"Nghề này giúp tôi được sống với văn chương"

Hưởng ứng "Tuần lễ sách cho người làm báo", Nhà xuất bản Trẻ ngày 18/6 tổ chức sự kiện giao lưu "Nhà báo viết sách" tại Đường sách TPHCM, với sự tham gia của 4 nhà báo: Dương Thành Truyền, Nguyễn Khắc Cường, Hồ Huy Sơn và Trung Nghĩa.

Khi được hỏi "Nghề báo hỗ trợ ra sao cho việc viết sách?", nhà báo Nguyễn Khắc Cường cho biết, nhờ 30 năm làm báo thiếu nhi, ông thường xuyên được lắng nghe những ước mơ, trăn trở của trẻ em thuộc nhiều thế hệ.

"Nhiều năm nay tôi luôn sống trong bầu không khí tuổi thơ. Chính bầu không khí ấy đã giúp tôi đồng cảm tự nhiên với trẻ thơ và cũng trở thành chất liệu, nguồn cảm hứng cho tôi viết sách", ông Cường nói.

Nhà báo Trung Nghĩa cho hay nghề báo mang đến lợi thế đi đây đi đó nhiều và rèn khả năng viết tốt. Từ những trải nghiệm, điều mắt thấy tai nghe về vùng đất, con người, văn hóa đã cung cấp tư liệu cho anh tập hợp, viết sách có chủ đề và nội dung súc tích, cô đọng.

Nghề báo giúp tôi được sống với văn chương và nuôi dưỡng đam mê - 1

Sự kiện giao lưu "Nhà báo viết sách" diễn ra sáng 18/6 (Ảnh: BTC).

"Nhà báo luôn sống trong thời cuộc, sống giữa dòng chảy thông tin. Các thông tin trở thành chất liệu hoặc khơi gợi cảm xúc, thúc giục nhà báo viết nên tác phẩm", nhà báo Dương Thành Truyền nêu quan điểm.

Theo ông, thông tin của người làm báo có thể là các câu chuyện thời sự, cuộc sống, con người. Tất cả đều gợi ra nhiều điều sâu xa khiến các nhà báo suy ngẫm và từ đó họ ghi lại những câu chuyện thành sách, để nó có sức sống bền lâu hơn, có đời sống dài hơn một bài báo.

Ông Truyền nói không bao giờ thấy chán nghề báo, bởi mỗi ngày ông đều được lắng nghe nhiều câu chuyện từ các nguồn thông tin khác nhau. Tất cả đều rất thú vị.

"Nhà báo luôn ngập trong thông tin như thế. Khi làm nghề báo, chúng tôi có cơ hội nhìn vấn đề nhiều chiều, nhiều góc độ. Nghề này giúp chúng tôi phát triển cách nhìn cuộc sống một cách không thiên lệch, không định kiến để có thể kể lại câu chuyện một cách đa chiều cho mọi người", ông nói. 

Nhờ phụ trách mảng xuất bản, nhà báo Hồ Huy Sơn được sống với sách vở, được đọc rất nhiều cuốn sách. Anh rất biết ơn nghề báo vì "chính nghề này đã giúp tôi được sống với văn chương và nuôi dưỡng đam mê".

Nghề báo giúp tôi được sống với văn chương và nuôi dưỡng đam mê - 2

Nhà báo Dương Thành Truyền vừa ra mắt tản văn "Bắt đầu bằng để lại" (Ảnh: BTC).

Sự dung hòa "văn" với "báo" sẽ tạo nên nét độc đáo

Theo 4 diễn giả, văn phong viết báo và viết sách đều giống nhau ở chữ "viết". Đôi khi, chất nhà báo trong tác phẩm văn chương và sự dung hòa "văn" với "báo" sẽ tạo nên nét độc đáo của tác phẩm. Điều quan trọng, một tác phẩm phải hấp dẫn người đọc.

Các tác phẩm báo chí thường sử dụng ngôn ngữ sự kiện. Từ thực tiễn, nhà báo có chất liệu để tạo nên những câu chuyện điển hình, có tính chất khái quát và chuyên chở một thông điệp lớn hơn, từ đó mà cuốn sách hình thành.

"Thật ra, trong quá trình sáng tác, tôi cứ viết một cách tự nhiên, không phân biệt. Nhưng đến nay tôi nhận ra trong tác phẩm của mình cũng có dáng dấp của người làm báo.

Ví dụ tôi luôn lồng ghép thông tin, kiến thức vào câu chuyện của mình. Các nhân vật trẻ em của tôi luôn ghi nhớ số điện thoại đường dây nóng bảo vệ trẻ em là 111", nhà báo Nguyễn Khắc Cường chia sẻ. 

Nghề báo giúp tôi được sống với văn chương và nuôi dưỡng đam mê - 3

Nhà báo Nguyễn Khắc Cường vừa ra mắt truyện dài "Kho báu trong thành phố" (Ảnh: BTC).

Về quá trình sáng tác, nhà báo Trung Nghĩa tiết lộ kinh nghiệm đi đâu cũng mang theo một cuốn sổ tay. Ở trang bên trái, anh ghi lại những sự việc chứng kiến. Ở trang bên phải, anh ghi những cảm nhận của mình. Cuốn sổ sẽ trở thành một quyển tư liệu rõ ràng hỗ trợ viết sách.

Còn nhà báo Nguyễn Khắc Cường thường để cho những cảm xúc và ý tưởng bất chợt đến với mình.

Với cuốn sách mới phát hành mang tên Kho báu trong thành phố, anh nghĩ ra cốt truyện trong khi đang chạy bộ tập thể dục. Từ cốt truyện đó, anh viết đề cương.

"Tôi không đặt áp lực, không tạo deadline (thời hạn) cho chính mình, mà cứ đi từng bước một. Đôi khi thời gian quá ngắn nên cảm xúc chưa về kịp. May thay, những khi nghĩ ra câu thoại đắt, những tình tiết thú vị, tôi lại có một niềm hưng phấn dào dạt.

Chính niềm vui và niềm hưng phấn đó đã bù đắp cho lao động nhọc nhằn của người viết văn", anh chia sẻ. 

Nghề báo giúp tôi được sống với văn chương và nuôi dưỡng đam mê - 4

Nhà báo Hồ Huy Sơn ra mắt tập tản văn "Xin chào ngày nắng đẹp" trong tháng 6 này (Ảnh: BTC).

Để viết sách hấp dẫn, nhà báo Hồ Huy Sơn cho rằng điều quan trọng nhất là sự bền bỉ để đi đường dài.

Nhà báo Nguyễn Khắc Cường khuyên người viết không cần lo lắng rằng câu chuyện đã không còn nóng hổi khi viết một cuốn sách. Điều quan trọng là sự kiện đó mang đến cho người viết những cảm xúc gì.

Những cảm xúc đó phản ánh phần nào thời đại chúng ta đang sống, trở thành nguồn tư liệu cho độc giả về sau.

Nghề báo giúp tôi được sống với văn chương và nuôi dưỡng đam mê - 5

Nhà báo Trung Nghĩa giao lưu cùng độc giả (Ảnh: BTC).

Nhà báo Dương Thành Truyền khuyên người viết "phải yêu", "phải đọc sách thật nhiều". Đọc sách cho người viết năng lực lập luận hay năng lực ngôn từ. Hơn hết, đọc sách giúp trở thành một người thú vị, duyên dáng và quyến rũ. 

Ngoài ra, người viết cũng cần nuôi dưỡng cảm xúc với ngôn từ, trau dồi vốn tiếng Việt và vốn liếng sống. 

"Hãy ngồi vào bàn và viết, bắt tay vào viết, vì tất cả đều là cuộc sống, tất cả đều đáng được kể lại. Hơn hết, viết còn là một cách để tự học nữa", ông nói. 

"Tuần lễ sách của người làm báo" diễn ra từ ngày 17 đến 22/6, tại Đường sách TPHCM, nhân kỷ niệm 98 năm ngày Báo chí cách mạng Việt Nam (21/6/1925 - 21/6/2023).

Ngoài trưng bày giới thiệu sách của các nhà báo, Ban Tổ chức cũng đã phối hợp với các đơn vị xuất bản tổ chức 4 tọa đàm giao lưu với 11 nhà báo.

Đây là dịp để những người làm báo họp mặt, gắn kết, chia sẻ về công việc, cuộc sống và những trải nghiệm khi viết sách.