Mùa xuân: Hy vọng vào văn trẻ

(Dân trí) - Khác với thế hệ viết văn đi trước, người trẻ có ngôn ngữ hướng tới người đọc toàn cầu và luôn tìm cách đi ra ngoài để tiếp cận với thế giới.

Năm 2016 vừa qua ghi dấu ấn của thế hệ viết văn trẻ lứa tuổi đôi mươi, với những gương mặt khác biệt nổi bật và chứng tỏ bản lĩnh trên hành trình văn chương khó nhọc. Liệu giới văn chương có thể hy vọng vào văn trẻ trong tương lai gần sẽ làm nên chuyện?

Đột phá với giải thưởng

Khi giải thưởng Sách hay 2016 bất ngờ gọi tên tác giả trẻ Hạnh Nguyên với tập truyện ngắn “Những thiếu thời lơ lửng” ở hạng mục “Phát hiện mới”, được biết tác giả ấn bản cuốn sách năm 2014, khi mới tròn 19 tuổi, và bây giờ cô cũng mới chỉ vừa sang tuổi 21. Truyện của Hạnh Nguyên đã lập tức gây dấu ấn với giới chuyên môn bởi tư duy sáng tạo độc đáo, cá tính riêng biệt và những dấu hiệu của một cây bút văn chương đầy nội lực.

Tác giả trẻ Huyền Thư
Tác giả trẻ Huyền Thư

Một cây bút trẻ cũng đang ở lứa tuổi hai mươi, thơ Huyền Thư năm 2016 vừa bất ngờ nổi lên và lập tức gây ấn tượng với giải nhì trong cuộc thi thơ trẻ New Zealand (National Schools Poetry Award 2016) do Trung tâm viết văn của trường Đại học Victoria tổ chức. Từ nơi xa xôi, Huyền Thư miệt mài viết những vần thơ đầy ám ảnh nỗi thương nhớ quê nhà, những hình ảnh thân thương của xứ sở nơi cô sinh ra, và cả những tâm tư, trăn trở của tuổi trẻ, khi phía trước họ là thế giới đã không còn bị bó hẹp bởi luỹ tre xanh, đường chân trời ở cuối cánh đồng hay những đường băng nhỏ hẹp, chật chội.

Nhận được giải thưởng, Huyền Thư cho biết: “Thật sự thì giải thưởng đó đến với em là một niềm vui cũng như một ngạc nhiên lớn. Em tự chuyển ngữ thơ mình sang tiếng Anh và đến với cuộc thi rất tình cờ, do bạn giới thiệu tham gia. Khi nhận được email thông báo được giải, em xúc động lắm. Với em, viết là để thỏa mãn cảm xúc và ghi lại những khoảnh khắc buồn vui đã qua của cuộc đời. Nhưng có lẽ giải thưởng đưa em đến gần hơn với bạn đọc và cho em động lực để cố gắng hơn nữa trong thơ ca, khởi đầu cho em một niềm tin để có thể làm cho câu chữ của mình đẹp hơn nữa”.

Huyền Thư đang du học ngành Quy hoạch đô thị tại khoa Kiến trúc và Quy hoạch, trường đại học Auckland, New Zealand (Bachelor of Urban Planning, School of Architecture and Planning at the University of Auckland). Còn Hạnh Nguyên thì đang du học tại Mỹ, chuyên ngành viết văn bằng ngôn ngữ tiếng Anh. “Khi biết tin được giải, tôi hơi bất ngờ. Tôi đã nghĩ đúng là may mắn” – Hạnh Nguyên nói.

Nhìn về phía tương lai

Chắc chắn một điều, các tác giả trẻ đều hiểu mọi thứ đến trên đời không thể chỉ là may mắn, và công việc cầm bút có lẽ không phụ thuộc nhiều vào giải thưởng mà quan trọng nhất là mỗi người sẽ sống nghiêm túc với ngòi bút của mình như thế nào. Bởi vì văn học đối với người viết luôn là một hành trình khổ hạnh và miệt mài xây đắp thì mới kiến tạo được khu vườn sum suê hoa thơm trái lạ để độc giả khám phá. Như Hạnh Nguyên tự sự: “Tôi có hai đam mê, một là đam mê chết, hai là đam mê viết, hễ không viết tôi sẽ không thể nào chịu đựng được, nhưng nhiều khi, tôi cảm thấy đam mê chết còn mạnh hơn cả đam mê viết…” Nói như vậy, phải chăng chính việc viết là lẽ sống của Hạnh Nguyên, và điều quan trọng là cô gái trẻ xách ba lô từ Việt Nam sang Canada rồi bây giờ là Mỹ sẽ đi trên hành trình sống-viết đó như thế nào để có thể mang lại những dấu ấn mỗi ngày sẽ trở nên thách thức hơn trong những cuốn sách mới, để thật sự trở thành một cây bút chuyên nghiệp.

Với Huyền Thư, cũng sẽ không dễ dàng gì để khẳng định được mình là ai khi viết thơ bằng tiếng Việt trong một cộng đồng đã có quá nhiều nhà thơ nổi tiếng. “Việc học và viết thơ của em cũng hơi có phần tách biệt. Nhưng em lại nghĩ điều này không tệ, vì nó có thể hài hoà cuộc sống của em hơn. Em hy vọng trong năm 2017 tới, em có thể cho ra đời đứa con tinh thần của riêng mình cũng là để cảm ơn tình cảm của mọi người dành cho em” – Huyền Thư cho biết.

Từ xuất phát điểm mạnh mẽ là giải thưởng “Phát hiện mới” với “Những thiếu thời lơ lửng”, mới đây, Hạnh Nguyên vừa ra mắt tập truyện thứ hai “Say”, cây bút trẻ khiêm tốn nhìn nhận: “Quyết định xuất bản sách không liên quan đến tương lai của tôi hay công việc viết văn, nó chỉ là việc có thể làm được và nên làm vào thời điểm đó. Mặc dù ngành học viết văn bằng ngôn ngữ tiếng Anh liên quan đến và có thể hỗ trợ cho việc viết, nhưng tôi cảm thấy hiện giờ hai khái niệm viết học thuật và viết cá nhân nên đứng tách biệt”.

Mùa xuân: Hy vọng vào văn trẻ - 2

Bìa các cuốn “Những thiếu thời lơ lửng”, “Say” của Hạnh Nguyên
Bìa các cuốn “Những thiếu thời lơ lửng”, “Say” của Hạnh Nguyên

Tự nhận thấy văn phong của mình bị ảnh hưởng khá mạnh bởi nhà văn Nhật Bản Haruki Murakami, Hạnh Nguyên bộc bạch chắc chắn sẽ có ngày thoát khỏi sự ảnh hưởng đó, còn hiện tại: “Nếu người đọc thấy thích một truyện hay một câu văn là tôi mãn nguyện rồi”.

Huyền Thư cho biết, cô thấy con đường phía trước là một hành trình rất dài: “Ngay lúc này, em không dám nói mình sẽ đi trên con đường chuyên nghiệp nhưng viết thơ là điều không thể thiếu trong cuộc sống của em. Em sẽ đi như mình đã đi và đang đi. Em nghĩ mọi thứ đi từ trái tim sẽ đến được với trái tim. Quê hương, xứ sở và gia đình đối với em là một phần vô cùng quan trọng. Em hi vọng những bài thơ em viết có thể chạm tới hoài niệm yêu thương của mọi người vì ai cũng có quê nhưng rất ít người ở lại nơi mình sinh ra”.

Một trong những vấn đề quan trọng đối với người viết trẻ là sử dụng ngôn ngữ truyền thống hay hiện đại? Huyền Thư cho biết: “Theo em thì không quan trọng đó là ngôn ngữ truyền thống hay hiện đại. Ai cũng có quyền lựa chọn lối đi riêng cho mình. Câu từ của em không quá cầu kỳ nhưng em chú tâm đến hình ảnh vì em hy vọng trong những bài thơ mình viết có thể tái hiện lại một bức tranh chân thực nhất về điều em muốn nói. Em cũng hay đọc thơ của Nguyễn Trường Phong, Nguyễn Thiên Ngân, Nguyễn Phong Việt, Du Nguyên, Bình Nguyên Trang,... Mỗi người mang một vẻ, rất sinh động. Em hy vọng mọi người sẽ vững vàng trên con đường đang đi, bằng tất cả cảm xúc và tấm lòng, thành công với bạn đọc và thành công với chính cảm xúc của mình”.

Nhà phê bình văn học Phạm Xuân Nguyên cho rằng: “Đọc được những tác phẩm chững chạc của người viết trẻ, tôi rất mừng. Nhưng người trẻ rất dễ bị ngộ nhận bởi thành công dễ dãi nên hãy cẩn thận với điều này. Cách viết của người trẻ là hướng đến công dân toàn cầu chứ không phải chỉ cho những người cùng trang lứa ở Việt Nam nên những suy tưởng, cảm xúc của họ truyền lên trang viết đã mang tính toàn cầu. Tôi tin ở những tác phẩm đầu tay của các tác giả trẻ như Hạnh Nguyên và Huyền Thư. Họ đã và sẽ thể hiện được thông điệp của thế hệ đương thời”.

Hoà Bình