Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển vùng dân tộc thiểu số và miền núi

Múa rối cạn - di sản cần được bảo tồn nơi vùng cao Thái Nguyên

Hiệp Nguyễn

(Dân trí) - Nếu như người Kinh nức danh với loại hình nghệ thuật múa rối nước thì người Tày tự hào với múa rối cạn hay (còn gọi là rối que).

Hình thức văn hóa múa rối cạn độc đáo này vẫn được lưu truyền hàng trăm năm nay và được công nhận là di sản văn hóa phi vật thể Quốc gia. Việc bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của các dân tộc thiểu số gắn với Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 - 2030, giai đoạn I: từ năm 2021 đến năm 2025.

Nghệ thuật lâu đời

Múa rối cạn của người Tày có ở nhiều nơi, nhưng nổi tiếng nhất phải nhắc đến múa rối cạn Thẩm Rộc ở xã Bình Yên, huyện Định Hóa (Thái Nguyên).

Đây là loại hình nghệ thuật có lịch sử lâu đời, thường được biểu diễn vào dịp đầu năm mới, trong lễ xuống đồng với mục đích cầu mưa thuận gió hòa, mùa màng tốt tươi, ước nguyện cuộc sống bình yên của người dân.

Múa rối cạn - di sản cần được bảo tồn nơi vùng cao Thái Nguyên - 1

Nhắc tới rối cạn của người Tày, không thể không nhắc tới rối cạn Thẩm Rộc (Ảnh: T.V).

Múa rối cạn Thẩm Rộc do dòng họ Ma Quang khai sinh và gìn giữ, tiếp nối đến nay đã trải qua 14 đời với hơn 200 năm tuổi và đã được công nhận Di sản văn hóa phi vật thể vào năm 2015.

Ông Ma Quang Nhanh - Nghệ nhân múa rối cạn Thẩm Rộc - cho biết, ban đầu, bộ rối cạn chỉ đếm được 5-6 nhân vật (tích, trò), bắt đầu bằng những hình tượng đơn giản như rối bố, rối mẹ hoặc rối mệ. Theo thời gian, số lượng rối này đã tăng lên đến 33 con, chủ yếu thể hiện hình ảnh của vua quan, muông thú và người dân…

Múa rối cạn - di sản cần được bảo tồn nơi vùng cao Thái Nguyên - 2

Từ 5- 6 nhân vật rối ban đầu như rối bố, rối mẹ… (Ảnh: T.V).

Múa rối cạn - di sản cần được bảo tồn nơi vùng cao Thái Nguyên - 3

…hiện nay rối cạn Thẩm Rộc đã có nhiều hình tượng nhân vật hơn (Ảnh: T.V).

Múa rối cạn - di sản cần được bảo tồn nơi vùng cao Thái Nguyên - 4

Hình ảnh rối gỗ gắn liền với cuộc sống sinh hoạt của người dân tộc Tày (Ảnh: T.V).

Làm rối gỗ cũng được coi là một nghề truyền thống của người dân tộc Tày tại Thái Nguyên. Con rối gỗ thường được tạo ra từ các mảnh gỗ tự nhiên, được lựa chọn và chế tác cẩn thận.

Các nghệ nhân chuyên nghiệp hoặc người trong gia đình thường làm con rối từ đầu đến cuối, từ việc cắt gỗ, đánh bóng, đến việc trang trí và thêm các chi tiết đặc trưng. Quá trình làm con rối yêu cầu sự kiên nhẫn và tỉ mỉ để tạo ra các chi tiết tinh xảo như khuôn mặt, tay chân, trang phục…

Múa rối cạn - di sản cần được bảo tồn nơi vùng cao Thái Nguyên - 5

Để tạo ra những con rối, các nghệ nhân phải vào rừng, tìm gỗ cây thừng mực - loại gỗ mềm và mịn, phù hợp để điêu khắc và tạo rối (Ảnh: T.V).

Múa rối cạn - di sản cần được bảo tồn nơi vùng cao Thái Nguyên - 6

Dưới bàn tay khéo léo của các nghệ nhân, khúc gỗ thô kệch ban đầu biến thành những con rối sinh động (Ảnh: T.V).

Cũng theo ông Ma Quang Nhanh, có tổng cộng 16 vở diễn rối cạn được ghi chép bằng chữ Hán Nôm trong sách cổ truyền. Tuy nhiên, hiện tại ông chỉ còn thể hiện được 3-5 vở diễn, vì một số vở diễn khác đã không phù hợp hoặc cần phải được điều chỉnh để phản ánh hoàn cảnh hiện tại.

Múa rối cạn - di sản cần được bảo tồn nơi vùng cao Thái Nguyên - 7

Dụng cụ biểu diễn cũng rất đơn giản, chỉ cần một tấm phông làm sân khấu và các dụng cụ âm nhạc như đàn tính và sáo (Ảnh: T.V).

Múa rối cạn - di sản cần được bảo tồn nơi vùng cao Thái Nguyên - 8

Quan trọng nhất của múa rối cạn là sự khéo léo của nghệ nhân (Ảnh: T.V).

Lưu truyền di sản

Nghệ thuật rối cạn của người Thẩm Rộc độc đáo là vậy, thế nhưng suốt một thời gian dài do nhiều biến động, loại hình này gần như vắng bóng. Phải đến năm 2012, múa rối cạn mới được phục hồi.

Ghi nhận giá trị của loại hình rối cạn ở Thẩm Rộc, xã Bình Yên và Ru Nghệ, xã Đồng Thịnh, huyện Định Hóa, năm 2015, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã công nhận đây là di sản văn hóa phi vật thể quốc gia.

Sau khi được công nhận, rối cạn của người Tày thường xuyên được biểu diễn trong cộng đồng. Không những vậy, các nghệ nhân của phường rối còn đi biểu diễn ở khắp nơi như phố đi bộ Hà Nội, Làng Văn hóa Du lịch các Dân tộc Việt Nam ở Đồng Mô, Sơn Tây…

Ngành Văn hóa cũng tích cực nỗ lực bảo tồn di sản văn hóa này thông qua việc mở lớp truyền dạy trong câu lạc bộ, trong trường học, hỗ trợ nghệ nhân…

Múa rối cạn - di sản cần được bảo tồn nơi vùng cao Thái Nguyên - 9

Năm 2015, rối cạn Thẩm Rộc được công nhận là di sản văn hóa phi vật thể quốc gia (Ảnh: T.V).

Mặc dù đã có nhiều cố gắng để phục hồi, nhưng hiện nay, múa rối cạn của người Tày ở Định Hóa vẫn gặp nhiều thách thức đáng lo ngại.

Khó khăn đầu tiên cần phải kể đến là nghệ thuật rối cạn đang được truyền lại theo kiểu cha truyền con nối. Người dân tin rằng con rối mang một giá trị tâm linh đặc biệt, nên khi một người qua đời, con rối thường được đặt cùng họ trong lòng mộ, để tránh sự đe dọa từ thế giới âm (ma hát). Do đó, những người không thuộc dòng họ hoặc ngoài giới không dám học múa rối cạn, dù có ý muốn.

Ngoài ra, các nghệ nhân tài năng và đam mê múa rối cạn ngày càng già nua, trong khi lớp trẻ gặp khó khăn để tiếp cận hoặc không có đủ đam mê với nghệ thuật này.

Công việc hỗ trợ các nghệ nhân cũng đối mặt với nhiều khó khăn. Ví dụ, tại thôn Thẩm Rộc, có nghệ nhân Ma Quang Chóng, người có đam mê lớn với nghệ thuật rối cạn, nhưng nguồn thu nhập từ nghề cũng không đủ cho cuộc sống hàng ngày.

Múa rối cạn - di sản cần được bảo tồn nơi vùng cao Thái Nguyên - 10

Để bảo tồn di sản phi vật thể độc đáo này, cần sự chung sức của cộng đồng (Ảnh: T.V).

Để duy trì và phát triển nghệ thuật múa rối cạn của người Tày, ngoài những nỗ lực của nghệ nhân và những người tiếp nối trong dòng họ và trong lĩnh vực văn hóa địa phương, cần sự quan tâm sâu sắc hơn từ các cơ quan chức năng và những người tâm huyết.

Chính quyền cần thể hiện sự quan tâm để đảm bảo rằng các nghệ nhân có thể tiếp tục biểu diễn và bảo tồn di sản văn hóa độc đáo của dân tộc này.

Dự án 6 thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 - 2030, giai đoạn I: từ năm 2021 đến năm 2025 gắn với mục tiêu: Bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của các dân tộc thiểu số gắn với phát triển du lịch.

Trong đó, Dự án 6 nhấn mạnh nội dung: Khôi phục, bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa truyền thống, bồi dưỡng, đào tạo cán bộ văn hóa; hỗ trợ cơ sở vật chất, trang thiết bị văn hóa cho vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi để nâng cao mức thụ hưởng về văn hóa cho đồng bào các dân tộc gắn với phát triển du lịch cộng đồng, trong đó ưu tiên các dân tộc thiểu số rất ít người.