Mãn nhãn với múa đương đại Châu Âu gặp Việt Nam

(Dân trí)- Với ba màn biểu diễn độc đáo, đầy cảm xúc chuyển tải những câu chuyện giản dị của đời sống hiện đại như bệnh mất trí nhớ, chuyện tình yêu éo le hay suy nghĩ, tâm tư của con người trong thời đại số quá tải thông tin.

Tối 29/9 tại Nhà hát Tuổi Trẻ (Hà Nội), viện Goethe phối hợp với Nhà hát nhạc vũ kịch Việt Nam đã cho công diễn ba vở múa đương đại gồm “Lamento, solo dành riêng cho Gabrilla” (Wallonie – Bruxelles/ Bỉ), “Dấu trừ” (Nhà hát nhạc vũ kịch Việt Nam) và “Kiếm khẩu súng” (Viện Goethe/ Đức). Với sự lựa chọn các chủ đề khác nhau xoay quanh các vấn đề của xã hội hiện đại buổi biểu diễn đã giới thiệu tới khán giả Việt Nam sự phong phú của bộ môn nghệ thuật múa đương đại và sự đa dạng văn hóa của Châu Âu và Việt Nam.
 
Mãn nhãn với múa đương đại Châu Âu gặp Việt Nam

“Lamento, solo dành riêng cho Gabrilla” là kịch bản dựa trên đoạn duy nhất còn tìm thấy của vở Arianne, vở opera bị thất lạc của nhạc sĩ Monteverdi. Biên kịch Michele sáng tác dành riêng cho nữ nghệ sĩ múa tài năng Gabrilla người đã cộng tác cùng cô trong nhiều năm nay. Trên sân khấu tối giản hoàn toàn, nàng Ariane hiện ra cô đơn, lẻ loi và rất dễ bị tổn thương. Cô vừa bừng tỉnh với một hiện thực cay đắng, người đàn ông yêu thương đã rời bỏ cô. Ariane dấn sâu vào dòng nước lạnh giá của cô đơn và quên lãng. Trao đổi về vở diễn này, diễn viên Gabrilla cho biết: “Đây là vở múa đặc biệt dành riêng cho tôi với phần mở đầu trang trọng càng về sau chuyển động và âm nhạc càng nhanh, mạnh lột tả được hết sự vật vã của cô gái bị người yêu ruồng bỏ. Qua vở diễn này tôi muốn người xem thấy được người phụ nữ luôn mỏng manh, dễ vỡ và cần được yêu thương”.

Là vở diễn duy nhất của chủ nhà, “Dấu trừ” của biên đạo Nguyễn Ngọc Anh với phần trình bày của diễn viên nhà hát nhạc vũ kịch Việt Nam. Lấy ý tưởng mối quan hệ giữa con người và thế giới xung quanh đang chuyển động từng ngày. Con người nhỏ bé luôn phấn đấu cho một xã hội tốt đẹp hơn. Tận dụng tối đa đặc trưng của múa đương đại, biên đạo đã khám phá được sự phức tạp của con người và nhịp điệu cơ thể của mỗi cá nhân. Sử dụng nó như nhạc cụ thể hiện tiếng nói trí tuệ trong tác phẩm của mình. Đánh giá về tác phẩm này ông Phạm Anh Phương (Giám đốc nhà hát nhạc vũ kịch Việt Nam) cho biết: “Vở diễn có đề tài trừu tượng, không phải một câu chuyện có tình tiết. Khán giả phải liên tưởng cảm xúc để hòa nhập vào nội dung nghệ sĩ biểu đạt. Đây là một vở diễn thực sự ấn tượng”.

Lấy ý tưởng từ câu chuyện có thật trong cuộc sống của biên kịch kiêm đạo diễn Helena Waldamann, “Kiếm khẩu súng” với chủ đề đề cập đến sự quên lãng. Hay chính là bệnh mất trí nhớ thường gặp với những người cao tuổi ở châu Âu. Ngay cái tên tiêu đề đã khiến khán giả liên tưởng tới tình cảnh của người mất trí nhớ, họ rất muốn tự vẫn. Với những động tác bale cổ điển kết hợp với múa đương đại, trên sâu khấu là hình ảnh người phụ nữ cả đời đã quen với kỉ luật cao bỗng nhiên không còn một chút kí ức gì. Song bên cạnh những giây phút bi quan là niềm vui tự do khi được làm lại từ đầu. Đạo diễn Helena Waldamann cho biết: “Tôi muốn thể hiện sự dũng cảm không lôi kéo người mất trí trở lại mà những người bình thường hãy dấn thân vào thế giới của họ. Đó là thế giới tự do mà người thường không thể biết đến được”. Vở diễn có sự lồng ghép giữa múa và phim tài liệu của một chuyên gia tâm lí học bởi có những nội dung chuyển động hình thể không thể lột tả được.

Liên hoan múa quốc tế năm 2012 này mới chỉ có 3 nước tham gia tuy nhiên đây cũng là hoạt động văn hóa bổ ích để nghệ sĩ Việt Nam được giao lưu học hỏi với các nghệ sĩ nổi tiếng trên thế giới. Ông Phạm Anh Phương đại diện cho nghệ sĩ Việt Nam bày tỏ: “Tôi mong muốn những sự kiện giao lưu văn hóa nói chung và liên hoan múa quốc tế nói riêng ngày một đông các nước bạn tham dự hơn nữa. Khi loại hình nghệ thuật múa đương đại đang phát triển và được công chúng quan tâm, nghệ sĩ Việt Nam sẽ được nâng cao kiến thức, kinh nghiệm và được biết đến sự biểu đạt đa sắc màu của múa đương đại”.

Nha Trang