DNews

Ly kỳ chuyện hào thành ở kinh đô thời loạn

Hạnh Linh

(Dân trí) - Trên những cánh đồng canh tác của nhân dân xã Thuận Minh và Thọ Lập, huyện Thọ Xuân, Thanh Hóa ngày nay còn đó dáng dấp hệ thống thành lũy của kinh đô Nam triều, cách đây gần 5 thế kỷ.

Ly kỳ chuyện hào thành ở kinh đô thời loạn

Lời tòa soạn:

Ở thế kỷ XVI, vùng đất xã Thuận Minh và Thọ Lập, huyện Thọ Xuân, Thanh Hóa ngày nay là kinh đô kháng chiến mang tên Vạn Lại - Yên Trường. Gần 500 năm qua, kinh đô từng đóng vai trò quan trọng trong công cuộc trung hưng nhà Lê nhưng dường như đang bị quên lãng.

Với mong muốn tìm lại giá trị lịch sử ở kinh đô kháng chiến, phóng viên báo Dân trí cùng nhà nghiên cứu Hoàng Hùng, Phan Thanh mục sở thị, tìm hiểu các tư liệu, cũng như những chứng tích còn sót lại… qua loạt bài: Vạn Lại - Yên Trường, kinh đô thời loạn:

Chuyện về vị tướng có công xây thành

Trải qua bao biến cố, thăng trầm của lịch sử, ngày nay nơi được xác định là thành lũy của kinh đô Vạn Lại - Yên Trường chỉ còn những dải đất, bao quanh là ao, ruộng, đầm thuộc xã Thuận Minh, Thọ Lập (Thọ Xuân, Thanh Hóa). Dưới hào thành xưa, bà con nhân dân đang canh tác lúa, rau màu các loại.

Ly kỳ chuyện hào thành ở kinh đô thời loạn - 1

Dấu vết của chân lũy kinh thành Vạn Lại - Yên Trường còn sót lại ở cánh đồng Ao Vắt, thuộc xã Thọ Lập, huyện Thọ Xuân, Thanh Hóa (Ảnh: Hạnh Linh).

Ly kỳ chuyện hào thành ở kinh đô thời loạn (Video: Hạnh Linh).

Hướng ánh mắt xa xăm nhìn những dải đất từng là thành lũy, hào sâu với vai trò bảo vệ nhân dân, nhà nghiên cứu Hoàng Hùng - Chủ tịch Hội khoa học - lịch sử Thọ Xuân (Thanh Hóa) - cho biết, kinh thành Vạn Lại có thể được xây dựng từ cuối năm 1544, đầu năm 1545 và tồn tại suốt 47 năm cho đến năm 1592  khi Trịnh Tùng bắt được Mạc Mậu Hợp, lấy lại kinh thành Thăng Long.

Kể về vị tướng có công xây thành Vạn Lại, ông Hùng cho biết, đó là Nghị Quận công Nguyễn Duy Nhất.

Ly kỳ chuyện hào thành ở kinh đô thời loạn - 2

Những ao, đầm được xác định là hào xưa, bảo vệ kinh thành, nhân dân (Ảnh: Hạnh Linh).

Nghị Quận công Nguyễn Duy Nhất là hậu duệ đời thứ 6 của Khắc Quốc công Lê Văn An, quê làng Diên Hào, huyện Lôi Dương, trấn Thanh Hoa (nay là xã Thọ Lâm, Thọ Xuân, Thanh Hóa).

Vì nhà Mạc tiếm ngôi nên con cháu Lê Văn An đổi thành họ Nguyễn Duy. Năm 18 tuổi, Nguyễn Duy Nhất được phong tước Hòa Lương hầu.

Theo nhà nghiên cứu Hoàng Hùng, khi Hưng Quốc công Nguyễn Kim dựng hành điện Vạn Lại, Nguyễn Duy Nhất đem 200 gia binh đến Vạn Lại đào lũy, đắp thành để phòng thủ. Trong khi đào, đắp lũy, được 2 khẩu súng và 400 viên đạn sắt, giao cho dân quân canh giữ.

Ly kỳ chuyện hào thành ở kinh đô thời loạn - 3

Đoạn thành lũy của kinh đô Vạn Lại - Yên Trường, thuộc thôn 3, xã Thuận Minh, huyện Thọ Xuân (Ảnh: Hạnh Linh).

Khi gặp Thái sư Nguyễn Kim đến đôn đốc tình hình, Nguyễn Duy Nhất đem chuyện đào hào được 2 khẩu súng ở chân lũy kể lại, Thái sư Nguyễn Kim nói: "Ta với ông cùng họ Nguyễn, thích hợp vận nước, bao gian nan ta tìm ông ở nước Ai Lao (nước Lào), nay ông lại đào được súng há cũng là thiên sứ mà nên vậy".

Sau đó Thái sư Nguyễn Kim cho lập đàn tế. Tế xong, đem súng đạn bắn thử thì hiệu nghiệm vô cùng. 

Ly kỳ chuyện hào thành ở kinh đô thời loạn - 4

Nơi được xác định là bắt đầu vào kinh đô Vạn Lại - Yên Trường (Ảnh: Hạnh Linh).

Nhân sự kiện này, Thái sư Hưng Quốc công Nguyễn Kim đã làm thơ tặng Hòa Lương Hầu Nguyễn Duy Nhất, trong đó có 2 câu: "Kiếm thần tích ấy khai trời đất/ Súng lớn ngày nay giúp bệ rồng…".

Sau khi Nguyễn Duy Nhất mất, nhân dân Vạn Lại nhớ ơn, dựng đền tôn thờ ông là Thành hoàng làng. Ngôi đền từ lâu đã trở thành phế tích.

Ly kỳ chuyện hào thành ở kinh đô thời loạn - 5

Đình Trung cũng là nhà văn hóa thôn 3, xã Thuận Minh Nghị Quận công Nguyễn Duy Nhất (Ảnh: Hạnh Linh).

Hiện nay, Nghị Quận công Nguyễn Duy Nhất được thờ ở đình Trung, cũng là nhà văn hóa của thôn 4, xã Thuận Minh. Ở góc đình Trung còn lưu giữ nhiều đá tảng (phiến đá kê chân cột) được cho là đá kê cột đình thờ Hòa Lương hầu Nguyễn Duy Nhất thời nhà Lê Trung Hưng còn sót lại.

Thành lũy đặc biệt

Theo nhà nghiên cứu Hoàng Hùng, thành Vạn Lại - Yên Trường rộng khoảng 900ha (chiều Bắc - Nam khoảng 6km, từ xứ Đồng Cháy (đồi Cà Lồ) đến núi Gò Tô; chiều Đông - Tây khoảng 5km, từ Long Hồ đến Đồng Thung, đều thuộc xã Thuận Minh.

Ly kỳ chuyện hào thành ở kinh đô thời loạn - 6

Ban thờ Nghị Quận công Nguyễn Duy Nhất (Ảnh: Hạnh Linh).

Thành lũy Vạn Lại - Yên Trường do nhà Lê Trung Hưng xây dựng có những khác biệt so với thành lũy ở các kinh thành của các triều đại khác.

Các Thành Thăng Long, Thành nhà Hồ, Cố đô Huế... được xây dựng bằng gạch, đá kiên cố, vuông vắn. Phía trước thành lũy có hào sâu, hoặc tạo sông, có bố trí các chướng ngại vật hiểm trở để bảo vệ.

Thành lũy ở Vạn Lại được xây đắp bằng đất, nhưng không đắp bao vuông vắn. Tường thành được chia làm nhiều đoạn, trên cơ sở tận dụng thế hiểm yếu của địa vật tự nhiên (đồi, núi, dáng đất, cồn bãi, sông, suối, ao, hồ…) mà tạo nên, vì thế thành Vạn Lại - Yên Trường vòng vèo, uốn lượn.

Ly kỳ chuyện hào thành ở kinh đô thời loạn - 7

Hòn đá tảng (kê chân cột) được cho là đá kê cột đình thờ Hòa Lương hầu Nguyễn Duy Nhất thời nhà Lê Trung Hưng còn sót lại (Ảnh: Hạnh Linh).

"Có lẽ vào thời điểm đó, nhà Lê mới trung hưng, ngân khố ít, quân lương chưa nhiều, khả năng để huy động nguồn nhân lực, vật lực để xây dựng thành lũy bằng gạch, đá là không tưởng. Do vậy, việc xây dựng thành lũy Vạn Lại chủ yếu bằng đất và tận dụng các thế hiểm yếu của tự nhiên để kết cấu thành là hoàn toàn phù hợp", ông Hùng nhận định.

Về việc xây thành Vạn Lại, trong "Đại Việt sử ký toàn thư" ghi: "Bấy giờ Mạc tự cậy tướng nhiều, quân mạnh, muốn thôn tính cả đất Ái Châu, đánh vào ngoài lũy Vạn Lại, ngày đêm không ngớt. Quan quân thế yếu, chỉ đào sâu, đắp cao mà giữ hiểm để chờ. Tháng 6, bọn Đoan Vũ hầu Lê Cập Đệ dùng mẹo sai quân lính ban đêm dựng lũy tầng ngoài dài đến hơn 10 dặm, dùng nhiều vách nhà (chép là lấy phên tre) để che chắn, lấy đất bùn trát bên ngoài, trên thả chông tre, chỉ một đêm mà làm xong thành giả.

Ly kỳ chuyện hào thành ở kinh đô thời loạn - 8

Nhà nghiên cứu Hoàng Hùng kể về vị tướng có công xây thành Vạn Lại - Yên Trường (Ảnh: Hạnh Linh)

Sáng hôm sau, Mạc Kính Điển trông thấy cho là thành thật, sợ lắm không dám đến gần, tự bàn với các tướng rằng: Không ngờ ngày nay quân Lê như vậy, còn có kỷ luật, pháp lệnh nghiêm minh, bồi đắp có một đêm mà xong thành lũy cao; tất quân lính liều chết còn nhiều cho nên đắp được chóng thế, khiến lòng ta không yên...".

Theo ông Hùng, qua khảo sát thực tế ở Vạn Lại, những địa danh hiểm yếu như: Đồi Phủ, giếng Mắt Rồng, Bái Tiến, Đồng Sao, chùa Cây Thông... không được xây dựng bao bọc thành khu hoàng thành vững chắc, mà chủ yếu được xây dựng dựa vào thế hiểm yếu của tự nhiên, thành thế liên hoàn thuận tiện cho việc bảo vệ.

Nơi được chọn để xây kinh đô kháng chiến trong 47 năm là vùng đất thiêng, đã từng là nơi tụ họp hào kiệt bốn phương "trông về với lòng ngưỡng mộ".