DNews

Ly kỳ câu chuyện về 2 pho tượng bán thân trên hòn Cổ Giải

Hạnh Linh

(Dân trí) - 2 pho tượng bán thân tại đền Độc Cước trên hòn Cổ Giải ẩn chứa nhiều điều kỳ bí, thu hút sự tò mò của không ít du khách.

Ly kỳ câu chuyện về 2 pho tượng bán thân trên hòn Cổ Giải

Truyền thuyết về 2 pho tượng bán thân

Leo 50 bậc cầu thang bằng đá, chúng tôi cùng đoàn du khách đến tham quan đền Độc Cước trên hòn Cổ Giải (cổ con rùa biển) thuộc dãy núi Trường Lệ, phường Trường Sơn, thành phố Sầm Sơn (Thanh Hóa) để mục sở thị và nghe chuyện về 2 pho tượng bán thân.

Dẫn chúng tôi thăm pho tượng được đặt trong khung kính tại Trung đường của đền Độc Cước, ông Văn Đình Ga (67 tuổi), thủ từ đền Độc Cước kể, pho tượng cao 70cm, chỉ có một chân phải và một tay phải, hình bán thân bổ dọc nửa phải. Tượng khoác áo võ tướng, tay phải cầm chiếc rìu đặt lên vai, thần thái dũng mãnh, oai phong.

Ly kỳ câu chuyện về 2 pho tượng bán thân trên hòn Cổ Giải - 1

Bước qua 50 bậc cầu thang, du khách sẽ lên đến sân đền Độc Cước (Ảnh: Hạnh Linh).

Ly kỳ câu chuyện về 2 pho tượng bán thân trên hòn Cổ Giải (Video: Hạnh Linh).

"Pho tượng được tạc bằng gỗ tối màu, không rõ loại gỗ gì. Tượng bán thân dọc phải này được rước từ chùa Hương về cách đây khoảng 30 năm", ông Ga cho biết.  

Tiếp tục mở cửa gian Hậu cung, ông Ga đưa chúng tôi đến tham quan pho tượng bán thân thứ 2. Trái ngược với pho tượng ở Trung đường, theo ông Ga, pho tượng ở Hậu cung cao 30cm, chỉ có một chân trái và một tay trái, hình bán thân bổ dọc nửa trái. Tượng mặc áo quan, tay trái để gần ngực, nắm tay chặt, thần thái uy dũng.

"Pho tượng này cũng được tạc bằng gỗ nhưng là gỗ sáng màu. Tượng bán thân nửa trái không biết có từ bao giờ, thuở nhỏ mỗi lần tôi theo ông bà vào đền đã tận mắt chứng kiến", ông Ga nói.

Ly kỳ câu chuyện về 2 pho tượng bán thân trên hòn Cổ Giải - 2

Đền Độc Cước được xây dựng từ thời nhà Trần theo kiểu chữ đinh, gồm: Tiền đường, Trung đường và Hậu cung (Ảnh: Hạnh Linh).

Lý giải về việc có hai pho tượng bán thân, ông Ga cho biết, đó là hai nửa thân hình của vị thần có tên là "Độc Cước chân nhân", hay "Tiêu Sơn Độc Cước". Vị thần gắn liền với giai thoại tự xẻ đôi thân mình đánh đuổi đám quỷ dữ, bảo vệ người dân làng biển xưa kia.

Theo truyền thuyết, vùng đất Sầm Sơn xưa kia vốn dĩ yên bình, người dân siêng năng đi biển đánh cá, tôm. Một ngày nọ bỗng xuất hiện đám quỷ dữ vào bờ cướp phá dân làng, rồi lại ra biển bắt bớ ngư dân.

Ly kỳ câu chuyện về 2 pho tượng bán thân trên hòn Cổ Giải - 3

Bức tượng chỉ có một chân, một tay, hình bán thân bổ dọc nửa phải (Ảnh: Hạnh Linh).

Thời bấy giờ, gia đình ông Chu Khoan ở vùng biển Sầm Sơn sinh ra một cậu bé đặt tên là Chu Minh. Cậu con trai nhà họ Chu lớn nhanh như thổi, sức khỏe phi thường. Thấy đám quỷ bắt bớ ngư dân đi biển, chàng xông pha đánh đuổi, nhưng  khi chàng ra khơi thì bọn quỷ lại quấy phá bà con trong làng.

Trước tình thế ấy, Chu Minh đã tự xẻ thân mình. Một nửa thân theo bè mảng bảo vệ ngư dân, nửa người còn lại ở trên hòn Cổ Giải để chống loài quỷ. Dấu chân của chàng in vào hòn Cổ Giải truyền lại đến muôn đời.

Ly kỳ câu chuyện về 2 pho tượng bán thân trên hòn Cổ Giải - 4

Bức tượng chỉ có một chân, một tay, hình bán thân bổ dọc nửa trái (Ảnh: Hạnh Linh).

Tin rằng đó là vị thần giúp dân diệt trừ tai ương, người dân làng biển Sầm Sơn lúc bấy giờ đã lập đền thờ tại nơi có vết chân khổng lồ, đặt tên là đền Độc Cước.

Kể từ đó, đền Độc Cước trở thành ngôi đền thiêng nơi cửa biển Sầm Sơn. Nghe câu chuyện của ông Ga, bà Nguyễn Thị Quỳnh, du khách đến từ Hà Nội cho biết, mỗi lần có dịp vào Sầm Sơn bà lại đến dâng hương tại đền Độc Cước nhưng hôm nay mới nghe rõ giai thoại về vị thần dũng mãnh, oai phong.

Ly kỳ câu chuyện về 2 pho tượng bán thân trên hòn Cổ Giải - 5

Ông Văn Đình Ga, thủ từ đền Độc Cước bên pho tượng bán thân chỉ có một chân, một tay (Ảnh: Hạnh Linh).

"Hành động xẻ thân mình đánh đuổi quỷ dữ, bảo vệ dân làng cho thấy tinh thần yêu dân, bất khuất của thần Độc Cước, thật đáng khâm phục", bà Quỳnh nói.

8 đạo sắc phong quý

Ông Nguyễn Văn Hùng, cán bộ công chức văn hóa - xã hội phường Trường Sơn, thành phố Sầm Sơn, cho biết, tại đền Độc Cước đang lưu giữ 8 đạo sắc phong do các triều đình phong kiến ban tặng. Các đạo sắc phong này được giữ gìn, trông coi cẩn thận và chỉ mở ra khi có sự kiện trọng đại.

Ly kỳ câu chuyện về 2 pho tượng bán thân trên hòn Cổ Giải - 6

Đền có nhiều linh vật đúc bằng đá (Ảnh: Hạnh Linh).

Trong cuốn sách "Dư địa chí thành phố Sầm Sơn", Nhà xuất bản Thanh Hóa năm 2022, có viết: "Gian sau Hậu cung có cửa đóng kín gọi là cung cấm, rộng 4,2m, dài 3,2m. Nơi này một năm mở cửa một lần, chỉ có cụ tiên chỉ và ông từ mới được vào.

Cấm cung có bệ xây gạch, trên bệ có chiếc khám bằng gỗ sơn son chiếm gần hết gian cấm cung. Ngay dưới khám là dấu chân thần Độc Cước hằn in trên đá (dài khoảng 140cm, rộng khoảng 50cm).

Trong khám đặt chiếc ngai trên có thần vị ghi bốn chữ triện sơn son thếp vàng "Chu Minh Thánh vị" và có một hộp sắc cũng sơn thếp, vẽ rồng đựng 8 sắc phong của các triều vua phong kiến Việt Nam. Đạo xưa nhất có niên hiệu Cảnh Hưng thứ 44 năm 1783".

Ly kỳ câu chuyện về 2 pho tượng bán thân trên hòn Cổ Giải - 7

Cây đại tại đền Độc Cước không biết được trồng từ bao giờ (Ảnh: Hạnh Linh).

Theo tài liệu của Trung tâm Văn hóa - Thông tin - Thể thao và Du lịch thành phố Sầm Sơn, sắc phong Cảnh Hưng thứ 44 ngày 26/7/1783 có ghi: "Độc Cước là vị Thánh linh thiêng vào bậc nhất trong hàng Thánh mà không vị nào bằng. Ngài đem sự tài giỏi, linh thiêng ấy để gìn giữ bờ cõi cho đất nước, bảo vệ dân làng và muôn vật. Đối với kẻ ác thì trừng trị thẳng tay, thật là một vị Thánh đầy đủ nhân hậu".

Trong cuốn sách "Di tích Sầm Sơn", Nhà xuất bản Thanh Hóa năm 2020 có viết: "Thần Độc Cước vừa là thiên thần vừa là nhân thần vừa là vị thần của truyền thuyết huyền thoại, lại vừa là con người có họ có tên bằng xương thịt. Một vị thần vừa có sức lực lại vừa có phép tắc bắt quỷ - nhập thần vì thế Ngài được xếp vào các vị thần bất tử của Việt Nam".

Ly kỳ câu chuyện về 2 pho tượng bán thân trên hòn Cổ Giải - 8

Quanh đền có nhiều cây cổ thụ rợp bóng mát (Ảnh: Hạnh Linh).

Đường dẫn lên đền được lát bằng đá phiến dày, gồm 50 bậc, rộng 2m, hai bên xây tường đá thấp. Cửa tam quan mang phong cách kiến trúc thời Nguyễn. Hai bên tam quan có tạc hai ông hộ pháp oai vệ cầm gươm đứng canh đền và hai voi đá chầu vào.

Kết cấu của khu đền có Tiền đường, Trung đường và Hậu cung. Toàn bộ khu đền là một khối thống nhất liền nhau, nhà thấp cột to, lợp ngói cũ.

Đi về phía bắc qua sân là lầu Nghinh phong, hay còn gọi là Môn lâu có diện tích 42,5m. Môn lâu được xây dựng vào năm vua Tự Đức thứ 17 (năm 1863) phía bên phải đền. Môn lâu có kết cấu hai tầng tám mái mang đậm nét kiến trúc thời Nguyễn, trông xa như một bông sen đang từ từ mở cánh bên bờ biển biếc bao la.

Phía tay trái là phủ Mẫu, nơi thờ "Tam tòa Thánh Mẫu", được phục dựng từ năm 1992. Bên cạnh phủ thờ Mẫu là cây bàng cổ thụ rợp bóng mát, theo người dân địa phương, cây đã có tuổi đời cả trăm năm.

Ly kỳ câu chuyện về 2 pho tượng bán thân trên hòn Cổ Giải - 9

Đứng trên đền Độc Cước, du khách có thể ngắm thành phố biển Sầm Sơn (Ảnh: Hạnh Linh).

Năm 2019, quần thể di tích lịch sử và danh lam thắng cảnh Sầm Sơn được xếp hạng Di tích cấp Quốc gia đặc biệt bao gồm: núi Trường Lệ, đền Độc Cước, hòn Trống Mái, đền Tô Hiến Thành, đền Cô Tiên,…

Hàng năm, cứ đến dịp 16/2 Âm lịch, người dân làng biển xứ Thanh lại tổ chức lễ hội Cầu Phúc, mong cho đất nước được thanh bình, người dân làng biển được mùa vụ bội thu, cuộc sống ấm no.

Ngoài dịp lễ này, tại đền Độc Cước còn diễn ra lễ hội bánh chưng - bánh giầy vào 12/5 Âm lịch hằng năm. Lễ hội thu hút đông đảo người dân và du khách về tham dự.