Lời thề từ 600 năm trước

(Dân trí) - Trải qua 600 năm, cho đến ngày nay, thế hệ trẻ nhiều người vẫn còn đặt câu hỏi Lũng Nhai ở đâu? và những ai có mặt trong hội thề Lũng Nhai. Đây là lời thề được ghi thành văn bản và được lưu truyền từ đời này qua đời khác. Hơn hết, tinh thần của Hội thề Lũng Nhai là đoàn kết dân tộc...tinh thần ấy đến ngày nay vẫn được gìn giữ.

Trở lại Lũng Nhai xưa

Trong lịch sử Việt Nam, đây là lần đầu tiên những người cùng chí hướng họp nhau thề nguyền, nguyện cùng nhau họp sức đánh giặc Minh, giành lại non sông đất nước đã bị quân thù dày xéo. Ngày mở hội thề cũng là ngày nghĩa sĩ Lam Sơn ra mắt trước tiên tổ, bà con bản Mường, trước thần linh… thề rằng sẽ cùng sống, cùng chết đứng dưới cờ nghĩa cho đến khi toàn thắng. Hội thề đã chứng thực hóa việc thành lập đội quân dưới quyền của Bình Định vương Lê Lợi.

Hội thảo khoa học về hội thề Lũng Nhai
Hội thảo khoa học về hội thề Lũng Nhai

Trong lịch sử Việt Nam trước Lê Lợi và sau Lê Lợi đã có nhiều cuộc kháng chiến từ việc đánh quân Nguyên - Mông đến quân Thanh… đều không có “Hội thề” vì lúc ấy nước ta đã có chính quyền, có quân đội, có đủ cả thể chế để đương đầu với quân thù tàn bạo. Còn Lê Lợi và nghĩa sĩ đánh giặc chỉ có dân, chưa có nhà nước, chưa có quân đội nên phải mở hội thề, tập hợp từng người dân, huy động trong dân từng mũi chông, cây kiếm đến bát gạo, củ khoai.

Trong hoàn cảnh ấy đã ra đời quân đội, nhà nước và đặc biệt là những chuyện thần thoại về nghĩa quân Lam Sơn đánh giặc, những câu sấm ký về Lê Lợi, về Nguyễn Trãi… thúc giục toàn dân cùng nghĩa quân bước vào cuộc kháng chiến thần thánh.

Lê Hoàn đem quân đội của triều đình (dù ít) ra cửa sông Bạch Đằng; Quang Trung đem cả đội quân được rèn luyện, dừng lại ở Thanh Hóa để bổ sung lực lượng, rồi nghênh chiến, và, cùng thắng lợi. Trong hàng ngũ ra trận có vua, có văn quan võ tướng và có cả đội quân được rèn luyện. Còn ở đây, lần này ra trận chỉ có Bình Định vương và các nghĩa sĩ cùng với nhân dân.

Và, lời thề Lũng Nhai đã được thực hiện trọn vẹn sau 10 năm kháng chiến chống giặc Minh. Lê Lợi và toàn quân trở về Đông Đô, đất nước hòa bình, bài cáo Bình Ngô ban ra tóm tắt cuộc chiến 10 năm gian khổ thắng lợi.

Ngày nay, sau hơn 600 năm, thế hệ trẻ lại hỏi: Vậy Lũng Nhai ở đâu? Và những ai có mặt trong hội thề?

Cách đây mấy năm, với tư cách là con cháu họ Lê, lại là người Thọ Xuân, tôi đã dẫn các anh Lê Hải Anh, Lê Phúc Nguyên lên Lũng Nhai. Ngồi trên du thuyền đoạn sông Đạt về xã Ngọc Phụng, huyện Thường Xuân, tỉnh Thanh Hóa, vừa ngắm cảnh và trở về chiến khu xưa. Con sông nhỏ, nước trong xanh và hai bên bờ là rừng cây xanh biếc. Ngồi trên thuyền thấy rõ từng hòn đá nhỏ, những con cá thong thả bơi lội. Và chúng tôi dự buổi hội thảo về Hội thề Lũng Nhai. Nơi đây nay gọi là làng Lũng Mi.

Lời thề từ 600 năm trước - 2
Những hiện vật được tìm thấy ở xã Ngọc Phụng, huyện Thường Xuân
Những hiện vật được tìm thấy ở xã Ngọc Phụng, huyện Thường Xuân

Lời thề 600 năm trước

Bài văn thề được chép trong “Lam Sơn thực lục” và được chép trong gia phả nhiều dòng họ khai quốc công thần triều Lê nên có nhiều dị bản. Nội dung văn thề sau được chép lại từ quyển “Khởi nghĩa Lam Sơn” của Phan Huy Lê và Phan Đại Doãn, Nhà xuất bản Khoa học Xã hội, 1977, được dịch từ gia phả họ Lê làng Kiều Đại và ghi chép của Đinh Liệt.

“Niên hiệu Thiên Khánh thứ nhất, năm Bính Thân, tháng 2, qua ngày Kỷ Mão là ngày sóc, đến ngày 12 là Canh Dần.

Phụ đạo lộ Khả Lam nước An Nam là Lê Lợi cùng Lê Lai, Lê Thận, Lê Văn An, Lê Văn Linh, Trịnh Khả, Trương Lôi, Lê Liễu, Bùi Quốc Hưng, Lê Ninh, Lê Hiểm, Vũ Uy, Nguyễn Trãi, Đinh Liệt, Lê Nhân Chú, Lê Bồi, Lê Lý, Đinh Lan, Trương Chiến kính đem lễ vật, sinh huyết tấu cáo cùng Hạo nhiên Thượng đế, Hậu thổ Hoàng địa và các tôn linh thần bậc thượng, trung, hạ coi sông núi ở các xứ nước ta.

Cúi xin chứng giám cho:

Rằng có bạn ở phương xa đến, kết giao vui vẻ cùng giữ lòng tin. Vì thế phải có lễ tấu cáo. Nay ở trong nước, tôi là Phụ đạo Lê Lợi cùng với Lê Lai đến Trương Chiến, 19 người. Tuy họ hàng, quê quán khác nhau, nhưng kết nghĩa thân nhau như một tổ liền cành. Phận vinh hiển đều có khác nhau, mong có tình như cùng chung một họ.

(Có kẻ) xâm chiếm nước ta, qua cửa quan làm hại, nên Lê Lợi cùng Lê Lai đến Trương Chiến, 19 người chung sức đồng lòng, giữ gìn đất nước làm cho xóm làng được ăn ở yên lành. Thề sống chết cùng nhau, không dám quên lời thề son sắt.

Khu vực được xác định là nơi diễn ra hội thề Lũng Nhai
Khu vực được xác định là nơi diễn ra hội thề Lũng Nhai

Tôi cúi xin trời đất và các vị thần linh chứng giám, ban cho trăm phúc, đến thân mình, nhà mình, con cháu trong họ hàng đều được yên vui hưởng lộc trời.

Nếu như Lê Lợi cùng Lê Lai đến Trương Chiến sinh lòng này khác, cầu ơn hiện tại, núp bóng quân thù, không cùng một lòng, quên lời thề ước, chúng tôi nguyện trời đất và các thần linh, giáng trăm tai ương trị mình cho đến họ hàng, con cháu đều bị tru diệt, chịu hết hình phạt của trời.

Kính xin có lời thề”.

Chúng tôi cũng được nghe bản dịch của lời thề do Hoàng Xuân Hãn dịch từ gia phả của dòng họ Lê Sát như sau:

“Năm đầu niên hiệu Thiên Khánh là năm Bính Thân (1416), quá ngày sóc (mồng một) là ngày Kỷ Mão đến ngày 12 là ngày Canh Dần. Tại nước A-Nam, lộ Khả Lam, tôi là phụ đạo Lê Lợi đứng đầu, với Lê Lai, Lê Thận, Lê Văn Linh, Lê Văn An, Trịnh Khả, Trương Lôi, Lê Liễu, Bùi Quốc Hưng, Lê Nanh, Lê Kiểm, Vũ Uy, Nguyễn Trãi, Lưu Nhân Chú, Trịnh Vô, Phạm Lôi, Lê Lý, Đinh Lan, Trương Chiến.

Chúng tôi kính cẩn đem lễ vật, sanh huyết mà thành khẩn dâng lời tâu, cáo cùng Vua Trời, Hậu Đất và các thần linh bậc thượng, trung, hạ, coi các cảnh đẹp sông núi tại các xứ ta.

Chúng tôi cúi xin rộng rủ lòng thương, soi xét để chứng cho việc nầy. Rằng có bạn từ xa tới kết tình vui vẻ và rất tin nhau, cho nên phải làm lễ tâu cáo.

Nay ở nước tôi, tôi phụ đạo Lê Lợi đứng đầu với 18 người từ Lê Lai đến Trương Chiến, tuy sinh khác họ, quê quán xa cách nhưng kết nghĩa cùng nhau, xem nhau như cành liền chung một tổ. Tuy phần vinh hiển có khác nhau, nhưng nguyện đem tình đối xử với nhau như người không khác họ.

Nếu có bè đảng, vì muốn xâm tiếm, tỏ vẻ xem chừng sắp vượt cửa vào để làm hại, thì: Ví bằng chúng tôi đây, Lê Lợi với 18 người từ Lê Lai đến Trương Chiến, có đều hiệp lực đồng tâm chống giữ địa phương để làng xóm được yên; nếu chúng tôi sống chết cùng nhau không quên lời thề ước, thì chúng tôi cúi xin Trời, Đất và các vị Thần linh chứng giám cho, ban xuống trăm điều lành, cho từ thân đến nhà, dòng dõi, con cháu đều được yên lành để đời đời hưởng lộc Trời.

Vị trí diễn ra hội thề Lũng Nhai
Vị trí diễn ra hội thề Lũng Nhai

Ví bằng Lê Lợi với 18 người từ Lê Lai đến Trương Chiến lại ra ý đổi đường, tìn sướng hiện thời, mập mờ sao lãng, không chịu đồng tâm, bỏ quên lời thề ước, thì chúng tôi cúi xin Trời, Đất và các vị Thần linh phát xuống trăm tai, cho từ thân đến nhà, dòng dõi, con cháu đều chịu giết sạch, đúng với luật Trời.

Kính cẩn tâu trình”.

Lời thề được thực hiện trọn vẹn.

Trong số những người dự hội thề phần lớn là người cùng quê hương với Lê Lợi. Cũng có những người từ địa phương phía Bắc vào tụ nghĩa như Nguyễn Trãi, Lưu Nhân Chú…Tất cả họ đều trở thành công thần Lũng Nhai. Có người như Lê Lai cả gia đình anh em, con cháu đều đi theo Lê Lợi đến khi thắng lợi. Riêng Lê Lai là người đã hy sinh trong những ngày đầu khởi nghĩa.

Chưa có lời thề nào được ghi thành văn bản và được lưu truyền từ đời này qua đời khác như lời thề ở Hội thề Lũng Nhai. Tinh thần của Hội thề Lũng Nhai là đoàn kết dân tộc. Trong Hội thề có người Kinh, người Mường, người Thái, có quan chức của chính quyền nhà Hồ, có nông dân, có trí thức. Tất cả đều cùng nhau tuyên thệ đoàn kết đánh đuổi giặc cứu nước. Tinh thần ấy đến ngày nay vẫn được gìn giữ.

Lê Xuân Kỳ

(Ủy viên BCH Hội khoa học lịch sử Việt Nam, Chủ tịch Hội Khoa học Lịch sử Thanh Hóa)