Lễ hội đền Hát Môn nhận bằng Di sản văn hoá phi vật thể quốc gia

(Dân trí) - Ngày 12/4 (tức mùng 6/3 âm lịch) vừa qua, huyện Phúc Thọ (Hà Nội) đã tổ chức Lễ hội truyền thống Đền Hát Môn năm 2016 nhân kỷ niệm 1976 năm cuộc khởi nghĩa Hai Bà Trưng và đón nhận Bằng Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia.

Đền Hát Môn (xã Hát Môn, huyện Phúc Thọ) là ngôi đền thờ Hai Bà Trưng, những người đã có công dấy binh khởi nghĩa diệt quân Đông Hán xâm lược vào năm 40. Đền có kiến trúc bề thế, cảnh quan đẹp, hệ thống hiện vật phong phú về chủng loại và đa dạng về chất liệu, trong đó, nổi bật là bộ sắc phong thần 22 đạo có niên đại từ thời Lê, Tây Sơn đến thời Nguyễn. Đền Hát Môn được Nhà nước xếp hạng Di tích quốc gia từ năm 1964, là Di tích quốc gia đặc biệt năm 2013.

Lễ hội Đền Hát Môn, được tổ chức từ mùng 4 đến mùng 6 tháng Ba âm lịch hàng năm, nhằm tưởng nhớ công lao của Hai Bà Trưng, trong đó, điểm nhấn là nghi thức rước bánh trôi vào Đền dâng lên Hai Bà. Nghi thức rước, dâng cúng Hai Bà và tiệc bánh trôi đều mang đậm yếu tố tâm linh, trở thành nét đẹp riêng, đặc sắc ở lễ hội Đền Hát Môn.

Lãnh đạo chính quyền huyện Phúc Thọ và xã Hát Môn nhận bằng Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia.
Lãnh đạo chính quyền huyện Phúc Thọ và xã Hát Môn nhận bằng Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia.

Theo phong tục, hằng năm, các bô lão trong làng sẽ chọn ra một gia đình đầy đủ vợ chồng, hòa thuận, đức độ… để làm bánh trôi dâng lên Hai Bà. Bột làm bánh phải là nếp cái hoa vàng thượng hạng, thơm ngon, nước làm bánh được lấy từ giếng thiêng trong làng (gọi là nước chí thành). Bánh trôi dâng lên phải đủ 100 viên, sau khi tế xong, làng đem 49 viên đặt vào một bông hoa sen thả xuống dòng sông để trôi về biển cả.

Món bánh này, đối với người dân nơi đây là một thứ bánh Thánh. Thánh hưởng thụ rồi dân mới ăn. Nếu chưa hết ngày mùng 6/3, người dân Hát Môn dù đi đâu được bạn bè mời ăn bánh trôi họ cũng không bao giờ ăn.

Nghi thức rước bằng. Ảnh: TL.
Nghi thức rước bằng. Ảnh: TL.

Gần 2000 năm đã đi qua nhưng phong tục làm bánh trôi và lễ hội đền Hát Môn vẫn có một sức sống kì lạ. Tục ăn Tết Hàn thực muộn ở Hát Môn nhằm tỏ lòng biết ơn Hai Bà Trưng thể hiện dấu ấn của các nghi lễ nông nghiệp trong sinh hoạt văn hóa tín ngưỡng của cư dân trồng lúa nước. Những viên bánh trôi, sản phẩm của lúa gạo trong lễ hội đền Hát Môn, thể hiện tín ngưỡng thờ lúa, đề cao hạt lúa, gửi gắm ước mơ của người dân về mùa màng tươi tốt, phản ánh sự đa dạng, phong phú của văn hóa vùng miền và góp phần khẳng định tính bản địa của phong tục làm bánh trôi ở Việt Nam.

Lễ dâng bánh trôi, một trong những nghi lễ không thể thiếu của lễ hội đền Hát Môn. Ảnh: TL.
Lễ dâng bánh trôi, một trong những nghi lễ không thể thiếu của lễ hội đền Hát Môn. Ảnh: TL.

Năm 2016, lễ hội truyền thống Đền Hát Môn đã được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch xếp hạng là Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia.

Phó Chủ tịch UNBD TP. Hà Nội Ngô Văn Quý đề nghị huyện Phúc Thọ tập trung triển khai thực hiện dự án mở rộng, chỉnh trang đền Hát Môn và giữ nguyên các giá trị gốc của di tích để khu di tích xứng tầm với công lao to lớn của Hai Bà Trưng; tăng cường quản lý, bảo tồn có chọn lọc các giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp, đặc sắc trong lễ hội truyền thống Đền Hát Môn.

Cùng với đó, tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền, giáo dục về di tích lịch sử, giá trị văn hóa của lễ hội Đền Hát Môn. Đền Hát Môn phải là nơi diễn ra các giờ học ngoài nhà trường về lịch sử của học sinh, sinh viên Thủ đô, trước hết là học sinh huyện Phúc Thọ. Đồng thời, nghiên cứu xây dựng hoạt động du lịch theo mô hình du lịch tâm linh, du lịch sinh thái của khu vực xứ Đoài…

Hà Tùng Long